Ngày 23-1 có lẽ là ngày căng thẳng nhất trong 4 ngày chiến dịch “Cành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở TP Afrin, tỉnh Aleppo (đông bắc Syria).
Máy bay, xe tăng và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục không kích, nã pháo các mục tiêu YPG ở bên kia biên giới. YPG cho biết đã có ba người thiệt mạng vì pháo của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa rõ là dân thường hay tay súng YPG. Trong khi đó quân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục di chuyển khí tài quân sự đến Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận các địa phương ở tỉnh biên giới Hatay nước này vẫn đang phải hứng tên lửa từ Afrin bắn sang.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ gần núi Barsaya, đông bắc Afrin (Syria) ngày 22-1. Ảnh: REUTERS
Nói với Sputnik sáng 23-1, một người phát ngôn YPG cho biết đã chiếm lại được một ngôi làng từ tay Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày trước đó Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã chiếm được bà ngôi làng tại Afrin.
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF – tổ chức mà YPG chiếm đa số thành viên) thông báo đã có ít nhất 53 quân Thổ Nhĩ Kỳ bị giết, 38 quân nữa bị thương trong các trận giao tranh với SDF ở Afrin cũng như các khu vực lân cận. Ngoài ra ít nhất 24 tay súng thuộc lực lượng Quân đội Tự do Syria – FSA, phe nổi dậy chống chính phủ Syria, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch thiệt mạng. SDF cũng cho biết YPG đã phá hủy nhiều xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thì chỉ mới có ba quân Thổ thiệt mạng trong suốt chiến dịch.
Có khoảng 6.400 quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 25.000 tay súng FSA tham gia chiến dịch. Trong khi đó tổng cộng các đơn vị YPG ở Afrin có khoảng 8.000-10.000 tay súng. Chính quyền người Kurd ở Afrin đang vận động thêm thanh niên gia nhập YPG để chống lại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tính đến ngày 23-1. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 6.000 người đã sơ tán. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-1 thông báo sẽ xây một trại tị nạn ở thị trấn Azaz (tây bắc Syria) có khả năng chứa khoảng 3.000 người.
Quân Thổ Nhĩ Kỳ gần núi Barsaya, đông bắc Afrin (Syria) ngày 22-1. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 23-1, một phái đoàn quan chức cấp cao Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ bàn về chiến dịch “Cành Ô liu”. Họp báo, Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố tương lai quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ phụ thuộc vào các bước đi sắp tới của Mỹ, vào việc Mỹ ủng hộ ai ở Syria. Ông Cavusoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng các đồng minh như Mỹ sẽ đứng về phía mình, đồng thời khẳng định chiến dịch “Cành Ô liu” chỉ nhắm vào khủng bố, không nhằm đối đầu Nga, Syria hay Mỹ.
Ông Cavusoglu cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh khủng bố bất cứ nơi nào cần phải đánh, cho dù đó là Afrin, Manbij, hay đông sông Euphrates, hay thậm chí cả bắc Iraq.
Lời của ông Cavusoglu đánh trúng vào nỗi lo lớn nhất hiện tại của Mỹ, rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh đến Manbij và đông sông Euphrates – nơi đang có sự hiện diện của Mỹ.
Trong khi đó, thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-1, Phó Tổng Thư ký NATO Rose Gottemoeller đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chú ý sự cân bằng trong chiến dịch. Theo bà, NATO không muốn có sự hiểu lầm giữa các thành viên trong khối, ý muốn nói đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.