Ngày 19-1, Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào TP Afrin, tỉnh Aleppo (Đông Bắc Syria), chính thức mở màn chiến dịch tấn công người Kurd. Theo thông tin mới nhất, Nga đã có động thái bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này.
Aljazeera dẫn lời nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Berat Conkar cho biết Nga đã bắt đầu rút lực lượng quân làm nhiệm vụ quan sát khỏi TP Afrin.
“Nga đang rút lực lượng của mình ở Afrin ra khỏi các khu vực có thể sẽ có xung đột”, theo ông Conkar. Ông Conkar hiện là trưởng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Nghị viện NATO.
Aljazeera dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hàng loạt lãnh đạo quân đội, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ vừa sang Nga bàn chuyện Syria.
Trong phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga có Tổng Tham mưu quân đội Hulusi Akar và Giám đốc Tình báo quốc gia Hakan Fidan. Nội dung bàn bạc hai bên là về chiến dịch tấn công Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi tin sau cuộc gặp giữa các quan chức quân đội và tình báo hàng đầu này, khoảng cách trong quan điểm hai bên về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thu hẹp và hai bên sẽ thống nhất được quan điểm” - ông Conkar nói với Aljazeera, thêm rằng ông không nghĩ Nga sẽ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin.
Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này hy vọng Nga sẽ thuyết phục chính phủ Syria mở không phận Bắc Syria cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vào đánh các tay súng người Kurd (YPG). Cũng theo quan chức này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ huy động cả phe nổi dậy Syria - còn gọi là Quân đội tự do Syria (FSA) - tấn công YPG, trong khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ làm công tác yểm trợ. Ngoài ra, quân Thổ Nhĩ Kỳ dưới đất sẽ phụ trách nã pháo vào các mục tiêu YPG.
Các tay súng người Kurd (YPG) ở Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. Ảnh: REUTERS
Trước đó, ngày 18-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đang bàn bạc với cả Nga và Iran về chiến dịch tấn công Afrin nhằm thống nhất sử dụng không phận, cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng quan sát Nga.
Diễn biến xảy ra giữa lúc căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang ở mức cao nhất trong cả ba năm qua quanh chuyện người Kurd ở Syria. Mỹ đầu tuần rồi thông báo sẽ hỗ trợ thành lập lực lượng an ninh biên giới quy mô 30.000 quân - chủ yếu là YPG - giữ an ninh các vùng biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
YPG bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là chi nhánh của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà nước này xem là khủng bố. Vì vậy đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ phản đối dữ dội kế hoạch của Mỹ, tuyên bố mở chiến dịch đánh vào người Kurd ở Syria và yêu cầu Mỹ không can thiệp. Mỹ rốt cuộc đã phải nhượng bộ đồng minh NATO này, cho biết sẽ không theo đuổi kế hoạch lập lực lượng an ninh biên giới người Kurd nữa. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không còn nhiều niềm tin an ninh vào Mỹ và cũng nói luôn sẽ hợp tác hơn với Nga trong vấn đề Syria.
Về phần mình, Mỹ ngày 18-1 đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công vào Afrin.
“Chúng tôi kêu gọi người Thổ không có bất kỳ hành động quân sự gì... Chúng tôi không muốn họ dính líu đến bạo lực mà chỉ muốn họ tập trung vào IS”, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.
Tuy nhiên, nói với Aljazeera, ông Conkar khẳng định không nước nào có thể thay đổi được quyết định đánh vào Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Quan điểm của nước này chỉ có thể thay đổi được các chi tiết về kỹ thuật và chiến lược của chiến dịch”, theo ông Conkar.
Ông Conkar cũng nói sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Syria đang tiến triển tốt.
“Sự hợp tác của chúng tôi với Nga trong khu vực thiết thực hơn nhiều với đồng minh NATO của chúng tôi là Mỹ. Nga hiểu được thế nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ngược lại Mỹ lại ủng hộ và cung cấp vũ khí cho nhóm khủng bố YPG” - ông Conkar nói.