Theo thông tin được AP đưa hồi tháng 12-2017, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu mới đây cho biết sẽ hỗ trợ thành lập một “Lực lượng an ninh biên giới” ở Syria quy mô vài chục ngàn quân, chủ yếu huy động từ các tay súng người Kurd. Phản ứng với thông tin này, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14-1 tuyên bố đây là điều không “chấp nhận được”.
Theo lời Đại tá Thomas F. Veale thuộc phòng Quan hệ công chúng của Liên quân quốc tế nói với Defense Post, hiện chương trình huấn luyện “Lực lượng an ninh biên giới” đã bắt đầu với 230 lính mới tuyển mộ đợt đầu. Lực lượng này sẽ được triển khai ở các khu vực do người Kurd kiểm soát ở biên giới Syria với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ở dọc thung lũng sông Euphrates. Con số cuối cùng có thể lên đến tổng cộng 30.000 quân, theo Đại tá Veale.
Lính Mỹ và một số tay súng người Kurd ở Syria trong một đợt huấn luyện. Ảnh: REUTERS
Khoảng nửa đơn vị này sẽ là các tay súng từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF - phần lớn là các tay súng người Kurd hay còn gọi là YPG cùng lực lượng dân quân Ả Rập), nửa còn lại là thành phần được tuyển mới.
“Cơ sở của lực lượng mới là sự tập hợp lại của khoảng 15.000 thành viên SDF, khi hoạt động đánh IS của họ đã đến hồi kết thúc” - Văn phòng Quan hệ công chúng của Liên quân quốc tế xác nhận trong một email gửi Reuters.
Theo liên quân, các khu vực Bắc Syria sẽ được triển khai nhiều tay súng người Kurd hơn, trong khi đó lực lượng dân quân Ả Rập sẽ được triển khai dọc thung lũng sông Euphrates và dọc biên giới với Iraq ở phía Nam.
Ngày 14-1, phía Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO của Mỹ chính thức có phản ứng mạnh với thông tin này.
“Việc Mỹ hỗ trợ chi nhánh của PKK ở Syria - (YPG dưới danh nghĩa đánh IS đồng nghĩa có những bước đi đáng lo ngại nhằm hợp pháp hóa tổ chức khủng bố này và để nó tồn tại lâu dài ở khu vực. Điều này chắc chắn không thể chấp nhận được” - NTV dẫn lời ông Ibeahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, các tay súng người Kurd ở Syria là một nhánh của tổ chức khủng bố Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hàng thập niên nay đòi ly khai ở miền Nam nước này. Việc Mỹ ủng hộ các tay súng người Kurd ở Syria là một nguyên nhân chính khiến quan hệ hai nước khủng hoảng trầm trọng thời gian qua.
Ông Kalin cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chống lại bất kỳ tổ chức khủng bố nào bên trong và cả bên ngoài biên giới, bất kể các tổ chức này có nằm dưới tên gọi gì hay hình hài như thế nào”.
Ngay cả trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng, kế hoạch lập “Lực lượng an ninh biên giới” của Liên quân quốc tế cũng bị phía Nga lên án, rằng Mỹ đang theo đuổi mục tiêu mờ ám ở khu vực.
“Rõ ràng có sự lập lờ ở đây, tôi nghĩ đây rõ ràng là một âm mưu tạo hình ảnh mới cho bọn phiến quân - những tay súng có thể sẽ được tuyển từ các nước láng giềng chạy sang, cụ thể đó là từ Iraq” - RT dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvitkin.
“Lập ra lực lượng này có thể giúp Mỹ đạt được các mục tiêu về địa chính trị, leo thang căng thẳng và có thể là âm mưu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad được bầu chọn hợp pháp” - ông Shvitkin nói thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov gay gắt: “Thái độ Mỹ ở Syria - nhằm đạt được các mục tiêu không thể hiểu nổi của họ - đã vượt qua mọi giới hạn có thể chấp nhận được”.
Nói với RT, GS Quan hệ quốc tế Huseyn Bagci tại ĐH Kỹ thuật Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định các bước đi của Mỹ ở Syria chỉ làm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tiến gần đến xung đột.
“Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề lớn nhất đối với chính sách an ninh đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại, vì Mỹ sẽ không rời khu vực. Sự hợp tác Thổ-Mỹ, như giữa hai thành viên NATO sẽ theo một mức độ mới, khi mà hai nước hoàn toàn có những mối quan tâm khác nhau”.
“Mỹ càng hỗ trợ người Kurd thì Thổ Nhĩ Kỳ càng xem Mỹ như một đe dọa về an ninh quốc gia. Tôi nghĩ rồi sẽ có sự sụp đổ về các mối quan tâm giữa hai nước thành viên NATO này” - theo GS Bagci.
Trong ngày 14-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đặt Mỹ vào thế khó khi tuyên bố sẽ tấn công quân sự vào một khu vực người Kurd kiểm soát ở Bắc Syria “trong vài ngày tới”, đồng thời đề nghị Mỹ ủng hộ mình trong cuộc chiến chống khủng bố. Địa điểm mà ông Erdogan nói tới là TP Afrin (tỉnh Aleppo) do YPG kiểm soát.
Trong khi đó AP dẫn lời một người phát ngôn YPG ở TP Afrin cho biết đã có xung đột nổ ra sau nửa đêm 14-1 giữa đơn vị của YPG và lính Thổ gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ khiến một tay súng YPG thiệt mạng và hai dân thường bị thương.