Quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8 và 9-10 tiếp tục xấu đi sau khi hai nước liên tiếp trả đũa ngoại giao, cùng bất ngờ thông báo tạm ngưng một số dịch vụ cấp visa qua lại hai nước.
Liên tiếp trả đũa ngoại giao
Đối đầu ngoại giao bắt đầu khi Đại sứ quán Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tất cả cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nước này sẽ lập tức ngưng dịch vụ cấp visa không cư trú cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ, ngoại trừ visa định cư. Động thái này nhằm trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ trước đó vài ngày đã bắt một nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP Istanbul. Phía Mỹ lấy lý do nhằm “đánh giá lại” cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của các cơ sở và nhân viên phái bộ ngoại giao Mỹ. Tờ The New York Times đánh giá đây là một tuyên bố khá nhạy cảm trong khi hai nước vốn là đồng minh lâu dài.
Chỉ vài giờ sau, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington, D.C. cũng đáp trả, thông báo ngưng cấp mọi loại visa cho dân Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ, trừ visa nhập cư. Tờ The Washington Post dẫn ý kiến nhà phân tích Soner Cagaptay rằng động thái trả đũa ngoại giao là một diễn biến nguy hiểm bất thường. Cuộc đối đầu hiện tại thể hiện sự thiếu niềm tin sâu sắc, cho thấy quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang khủng hoảng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 5-2017. Ảnh: AP
Nhen nhóm từ lâu
Quan hệ quân sự, tình báo, thương mại lâu đời giữa hai đồng minh đã bắt đầu rạn nứt kể từ sau cuộc đảo chính bất thành tháng 7-2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara không bằng lòng việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính.
Hàng loạt bất đồng về cuộc chiến Syria giữa hai bên trong vài tháng gần đây cũng làm quan hệ hai bên xa cách hơn. Ông Donald Trump trước sau vẫn tuyên bố muốn sửa chữa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn xấu đi từ cuối nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama. Không lâu sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, căng thẳng hai nước không những không giảm mà còn đặc biệt lên cao khi Mỹ bỏ qua lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, quyết chọn sát cánh cùng lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở Syria để đánh IS.
Quan hệ Ankara-Washington xấu đi giữa lúc Mỹ đang thất thế tại khu vực, với trục Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang dần thành hình rõ nét. Từ đứng về phía Mỹ ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, Ankara dần chấp nhận các thỏa hiệp với Moscow và Tehran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa quyết định mua một hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không từ Nga, một động thái cho thấy ông Erdogan ngày càng hoài nghi Mỹ và cởi mở hơn với đối trọng của NATO.
Ngày 4-10, Tổng thống Erdogan đã sang Iran bàn về vấn đề người Kurd đòi độc lập ở Iraq. Trước đó hai ngày, Tổng Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng đến Iran nhằm tìm điểm chung tại Syria, chưa đầy hai tháng sau khi người đồng cấp Iran là Mohammad Hossein Bagheri có chuyến thăm lịch sử đến Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều thập niên.
Ngày 4-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ ông Metin Topuz là công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người này làm việc cho Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul với vai trò thông dịch viên. Ông bị cáo buộc hoạt động gián điệp, khủng bố, âm mưu lật đổ chính phủ và có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen. Theo các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ, Topuz đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với một nhân vật quan trọng trong âm mưu đảo chính bất thành ở Istanbul và Ankara vào tháng 7-2016. _____________________________ Tôi nghĩ mọi chuyện có thể tuột khỏi tầm kiểm soát. Đối với ông Erdogan, quan hệ song phương (với Mỹ) đang thiếu niềm tin sâu sắc. Ông ấy không còn tin tưởng gì vào Mỹ. SONER CAGAPTAY, Viện Phát triển chính sách Mỹ tại Trung Đông, nhận định về Tổng thống |