Hai đồng minh NATO Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-12 dỡ bỏ mọi lệnh phong tỏa visa qua lại, làm hòa về ngoại giao sau nhiều tháng trả đũa căng thẳng. Phía Mỹ nói nước này dỡ bỏ phong tỏa visa sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước sở tại, không để xảy ra trường hợp nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt giam như đã xảy ra vài tháng trước.
Hai nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở TP Istanbul (người Thổ Nhĩ Kỳ) bị bắt giam vì bị nghi ngờ liên quan đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bất thành giữa năm 2016. Mỹ ngưng các việc cấp visa cho dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10 và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng trả đũa bằng bước đi tương tự.
“Dựa vào những đảm bảo này, Bộ Ngoại giao tự tin tình trạng an ninh đã được cải thiện đáng kể, cho phép khôi phục hoàn toàn việc cấp visa ở Thổ Nhĩ Kỳ” -đại sứ quán Mỹ tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) thông báo ngày 28-12. Hồi tháng 11, Mỹ cho biết đã khôi phục phần nào việc cấp visa sau khi nhận được đảm bảo an toàn cho nhân viên ngoại giao mình từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ dù cũng thông báo khôi phục cấp visa cho công dân Mỹ nhưng nhanh chóng lên tiếng bác bỏ có đưa ra đảm bảo này.
“Chuyện Mỹ nói nhận được đảm bảo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và đưa thông tin sai cho công luận Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là không đúng” - đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ đáp trả.
Đại sứ quán Mỹ ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20-12. Ảnh: REUTERS
Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ vẫn quan ngoại về tình trạng hai nhân viên đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ.
Quan hệ hai nước đồng minh NATO xấu đi từ năm ngoái sau khi Mỹ từ chối dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là chủ mưu cuộc đảo chính lật đổ ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất bất mãn chuyện Mỹ hỗ trợ quân sự cho lực lượng các tay súng người Kurd ở Syria (YPG) - vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là chi nhánh của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ba thập niên này đòi ly khai ở miền Nam nước này.
Quan hệ hai bên vốn chưa được cải thiện lại càng xấu thêm khi gần đây Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đi đầu trong làn sóng phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò lớn trong việc Đại Hội đồng LHQ ra nghị quyết kêu gọi Mỹ thu hồi bước đi này. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước chủ nhà mời cả 50 nước Hồi giáo về họp, lên án quyết định của Mỹ.