Chính phủ Trump đang chuẩn bị chấm dứt cung cấp vũ khí cho các tay súng người Kurd (YPG) ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Nhà Trắng cùng xác nhận ngày 24-11.
Thực ra thông báo này ban đầu không phải do Mỹ công bố, mà từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp báo ngày 24-11, quyết định này đã được chính Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm chiều cùng ngày.
“Ngài Trump đã nói rõ rằng ông đã chỉ đạo, và rằng YPG sẽ không tiếp tục được vũ trang, và rằng điều vô nghĩa này lý ra phải được kết thúc từ lâu” - AP dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (ngồi bên phải) điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-11. Xung quanh ông là người phát ngôn tổng thống Ibrahim Kalin (ngồi giữa, phải), Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (ngồi giữa, trái) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (ngồi trái). Ảnh: ANADOLU AGENCY
Theo Washington Post, ban đầu Đội An ninh quốc gia chính phủ Trump có vẻ ngạc nhiên với thông báo từ Thổ Nhĩ Kỳ và không chắc phải bình luận gì cho đúng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển thắc mắc này đến Nhà Trắng và hàng giờ sau vẫn chưa có xác nhận gì từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Đến cuối giờ chiều, Nhà Trắng mới xác nhận thông tin sẽ chấm dứt vũ trang cho YPG nhưng không nói cụ thể về thời gian.
“Đúng theo chính sách trước đó của chúng ta, Tổng thống Trump cũng thông báo với Tổng thống Erdogan về sự điều chỉnh sắp xảy ra về hỗ trợ quân sự với các đối tác của chúng ta ở Syria, khi cuộc chiến ở Raqqa đã kết thúc và chúng ta đang bước vào giai đoạn đảm bảo IS không thể quay lại” - Washington Post dẫn thông báo Nhà Trắng.
YPG được thành lập trong quá trình hỗn loạn vì nội chiến Syria, là lực lượng nòng cốt trong tổ chức Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Chính phủ Mỹ tiền nhiệm Obama quyết định vũ trang SDF hay nói cách khác là YPG vì đây là lực lượng tay súng đánh IS hiệu quả nhất.
Tuy nhiên với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức vũ trang hàng thập niên nay luôn chống lại chính phủ đòi độc lập.
Vũ trang người Kurd có thể nói là nguồn cơn chính trong căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO. Quyết định này có thể giảm căng thẳng hai nước nhưng sẽ gây tức giận lớn với người Kurd - vốn đã cảm thấy bất mãn khi Mỹ nói sẽ chuyển giao các vùng lãnh thổ chiếm được từ IS cho chính phủ Syria.
Các tay súng người Kurd ở tỉnh Kobane (Syria). Ảnh: AFP
Diễn biến này xảy đến trong bối cảnh các nước đang tập trung thống nhất một giải pháp dàn xếp chính trị chấm dứt nội chiến Syria, Iran đang tăng ảnh hưởng ở nước này và IS đang trên đà lụn bại.
Cuộc điện đàm giữa hai ông Trump và Erdogan diễn ra chỉ ít ngày sau một cuộc họp về Syria ở TP Sochi (Nga) có sự tham gia của ông Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Cả Nga và Iran đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giúp quân đội Syria đánh IS.
Bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng liên minh theo đuổi kế hoạch riêng của mình cho hòa bình Syria, mà Mỹ chỉ có vai trò quan sát. Cả ba nước đều thống nhất Mỹ nên rời khỏi Syria khi IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, không thể bỏ qua thực tế nếu Mỹ rút mà không có kế hoạch hòa bình kỹ càng thì chẳng những ông Assad thắng thế mà cả Nga và Iran cũng sẽ được lợi, bành trướng ảnh hưởng.
Vì điều này mà nhiều quan chức Mỹ nói họ có kế hoạch giữ binh sĩ Mỹ lại Bắc Syria và tiếp tục hợp tác với các tay súng người Kurd để đảm bảo ông Assad không lấn lướt trong các vòng hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ). Cuộc hòa đàm này đã bắt đầu ba năm trước nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Chúng tôi sẽ không ra đi ngay bây giờ” - chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định tuần trước.