Người làm sách bật mí chuyện ... cãi nhau với tác giả

(PLO)- Trong buổi giao lưu 'Người làm sách kể chuyện', các diễn giả nói về các khía cạnh của nghề và bật mí về quá trình hình thành một quyển sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại Thư viện trường Đại học FPT (TP Thủ Đức) đã diễn ra buổi giao lưu, chia sẻ với các nhà báo, biên tập viên với chủ đề: Người làm sách kể chuyện. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Sách đọc tôi” được tổ chức hằng tháng nhằm lan toả giá trị văn hoá đọc.

Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba chia sẻ khâu kiểm tra bản thảo rất khó khăn vì đôi khi xảy ra những tranh cãi không mong muốn với tác giả. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba chia sẻ khâu kiểm tra bản thảo rất khó khăn vì đôi khi xảy ra những tranh cãi không mong muốn với tác giả. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Từ lên ý tưởng

Tại buổi giao lưu, các sinh viên có dịp cùng tìm hiểu về quá trình sản xuất sách từ khi ý tưởng được hình thành đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Ngoài ra, các diễn giả còn giải bày những khó khăn, thách thức, kinh nghiệm của bản thân trong quá trình cho ra đời một quyển sách từ quá trình làm việc thực tế.

Trình bày câu chuyện của bản thân trong nghề cầm bút, Nhà báo – Nhà văn Hồ Huy Sơn cho mọi người thấy rõ việc lên ý tưởng cho một quyển sách không hề dễ dàng. Công việc đó đòi hỏi tư duy sáng tạo, cần định hình mục đích của quyển sách và sàng lọc những ý tưởng cho việc viết sách. Một chi tiết quan trọng mà tác giả đề cập đến đó chính là cần có tình yêu đối với việc viết lách và tìm cho mình một động lực để viết.

Ngoài ra, sau khi một quyển sách được hoàn thành phần nội dung sau khi lên ý tưởng, việc thiết kế bìa cũng quan trọng không kém. Bìa sách là chiếc áo choàng của quyển sách, nó phải thu hút được sự chú ý của độc giả và phải phản ánh được một phần nội dung bên trong.

Chuyên viên thiết kế đồ họa NXB Tổng hợp TP.HCM Đàm Quang Linh Vũ cho hay: “Bìa sách sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút độc giả và giới thiệu nội dung cuốn sách. Bìa của một quyển sách dành cho trẻ em cần phải sáng tạo và sinh động hơn so với bìa của một cuốn sách chuyên ngành. Từ đó, có thể lựa chọn các hình ảnh hoặc màu sắc phù hợp để thu hút sự chú ý của đối tượng đọc giả”.

… đến cãi nhau với tác giả

Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba đến từ NXB Tổng hợp TP.HCM chia sẻ thêm: “Để biến ý tưởng của một tác giả, nhà văn hoặc nhà thơ thành một quyển sách hoàn chỉnh rất vất vả. Đầu tiên, tác giả sẽ viết nội dung của cuốn sách và hoàn thành bản thảo. Sau đó, nội dung này sẽ được soát và chỉnh sửa bởi biên tập viên để đảm bảo tính chính xác và đúng ngữ pháp.

Nếu tác giả hành văn hay, văn phong tốt thì việc biên tập sẽ nhẹ nhàng và rất nhanh. Nhưng có bản thảo nhà văn viết sai nhiều, bản thảo thuộc đề tài nghiên cứu khoa học thì biên tập viên phải so sánh đối chiếu lại tư liệu. Thậm chí giữa tác giả và biên tập viên cũng có tranh luận, đôi khi xảy ra cãi vả”.

Các diễn giả tham dự buổi giao lưu (từ trái qua): Nhà báo – Nhà văn Hồ Huy Sơn, Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba, MC Hồ Yên Thục, chuyên viên thiết kế đồ họa Đàm Quang Linh Vũ. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Các diễn giả tham dự buổi giao lưu (từ trái qua): Nhà báo – Nhà văn Hồ Huy Sơn, Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba, MC Hồ Yên Thục, chuyên viên thiết kế đồ họa Đàm Quang Linh Vũ. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Anh còn đề cập đến trường hợp sau khi biên tập viên và tác giả không tìm được tiếng nói chung, in xong quyển sách có thể giận nhau. Nhưng cũng có lúc giữa hai bên thông cảm với nhau và càng gắn bó lâu dài về sau hơn.

“Sách đọc tôi” là chương trình giao lưu văn hóa do trường Đại học FPT tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Ngoài tạo ra một sân chơi lành mạnh, cung cấp kiến thức và kỹ năng đọc sách, “Sách đọc tôi” còn nâng cao khả năng đọc hiểu và phân tích thông tin cho các bạn sinh viên, cũng như kỹ năng viết và khám phá nhiều câu chuyện thú vị phía sau những trang sách.

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để viết một quyển sách” của một sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Nhà báo – Nhà văn Hồ Huy Sơn cho rằng:

“Trước tiên cần quan sát, lắng nghe những câu chuyện đời thường, bạn có sở trường về chủ đề gì thì nên đi chủ đề đó. Để có đam mê viết lách, cũng nên thường xuyên đọc, tập cách viết từ từ bằng những mẩu chuyện nhỏ. Cố gắng viết những bài viết nào mà bạn dành cho nó sự quan tâm, cốt để giữ vững đam mê viết lách”.

Bạn Phạm Võ Ngọc Tâm, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật phần mềm, đặt câu hỏi với diễn giả: “Làm thế nào để viết được những ý tưởng của mình vào trong một quyển sách?”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.
Bạn Phạm Võ Ngọc Tâm, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật phần mềm, đặt câu hỏi với diễn giả: “Làm thế nào để viết được những ý tưởng của mình vào trong một quyển sách?”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Đồng thuận với ý kiến trên, Biên tập viên – Tác giả Trần Đình Ba nói thêm sau khi nhận được câu hỏi “Làm thế nào để viết được những ý tưởng của mình vào trong một quyển sách?” của bạn Phạm Võ Ngọc Tâm (sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật phần mềm):

“Rất khó để viết ra hết tất cả ý tưởng trong nội bộ một quyển sách. Chúng ta chỉ có thể tập trung vào một ý tưởng, sau đó bám theo mạch của ý tưởng đó rồi triển khai thêm. Các bạn cũng cần tập kỹ năng viết từ những cái sơ khai, ban đầu có thể khó nhưng dần dần sẽ quen tay”.

Quá trình xuất bản một quyển sách

Để một cuốn sách ra đời và đến với độc giả, trước tiên tác giả gửi bản thảo hoàn chỉnh đến nơi tiếp nhận là nhà xuất bản hoặc phòng kế hoạch đề tài và truyền thông. Sau đó, nhà xuất bản sẽ dựa vào các tiêu chí về nội dung, thị hiếu của thị trường để xét duyệt bản thảo

Tiếp theo đó, biên tập viên kiểm tra lại nội dung bản thảo, điều chỉnh lại các chi tiết chưa phù. Bản thảo tiếp tục được đưa đến khâu thiết kế bìa, dàn trang. Sau công đoạn đó, quyển sách thô sẽ được trình lên ban giám đốc nhà xuất bản ký duyệt và đưa sang nhà in sẽ dập bản kẽm, làm film, in ấn, đóng keo. Cuối cùng phát hành ra thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm