Ở một làng quê nọ ngấp nghé bên bờ sông Hồng. Vào những năm 1962, 1963. Có cậu bé chừng 12 tuổi được gia đình mua tặng vài quyển sách nhỏ. Vô tình trong đó có quyển Vào nghề của Chàng Văn. Cậu không biết Chàng Văn là ai. Cái tên ấy cứ đi theo cậu cùng mũ rơm phòng không đội đầu suốt những năm dài phổ thông trường huyện. Mái lán sơ tán xác xơ. Câu thơ này không biết nhập vào người khi nào để tự dành cho mình câu hỏi. Sao nửa bài thơ lại để mùa thu làm lấy.
Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa, anh dành cho mùa Thu làm lấy.
Cậu trở thành chàng sinh viên văn khoa Tổng hợp Hà Nội. Vào năm 1971, khi được giao viết khóa luận “Thơ Chế Lan Viên trước và sau cách mạng” mới vỡ lẽ cái Chàng Văn ấy là thi sỹ Chế Lan Viên. Đã đôi lần thi sỹ họ Chế vào khoa văn nói chuyện Thơ. Chàng chỉ dám đứng nhìn từ xa. Không hỏi chuyện trực diện người thi sỹ nổi tiếng từ lâu hào hoa phong nhã. Ông đang bị công chúng số đông sinh viên yêu mến vây bọc bởi sức cuốn hút từ những tập thơ: Điêu Tàn, Ánh Sáng và Phù Sa, Hoa ngày thường chim báo bão… Chàng mất 12 đêm trong trạng thái đói ăn không ngủ. Viết liền một mạch bản khóa luận. Khi hoàn thành thì cũng là lúc ngã bệnh vì quá hao tổn sức lực. Phải đưa thẳng vào bệnh xá nhà trường. Hết mùa hè lụt lội 1971 mới khỏi. Vào mùa thu năm ấy, đom đóm bay ra nhiều lắm. Chẳng biết ai đã đi rồi, bỏ quên cái gì mà trở lại nhiều đến thế trong đêm tối vô định của đời người. Chàng nghĩ nó bay ra từ tập Điêu Tàn.
Thời gian thấm thoát trôi qua 42 năm rồi. Bỗng một hôm nọ được đọc bài ghi chép: Cha tôi của cô Phan Thị Vàng Anh. Cái đoạn trước mấy ngày thi sỹ họ Chế mất. Cô ngồi nắm tay cha gầy guộc và khóc. Khi ấy, Chế Lan Viên đã sống trong vô thức như đứa trẻ mới sinh. Có lần ông tỉnh, cau mày nhận ra con gái và hai cha con cùng khóc.
Chân dung nhà thơ Chế Lan Viên (tranh: Nguyễn Xuân Hoàng)
Chàng sinh viên ngày xưa mong mỏi dịp nào đó vào Viên Tĩnh Viên ở Sài Gòn. Thắp một nén hương tưởng niệm nhà thơ cả đời chàng yêu mến. Cứ hình dung Viên Tĩnh Viên là khu vườn cây lá được cắt xén cẩn thận. Ở giữa tòa biệt thự màu trắng kiến trúc Pháp sang trọng bảo rằng đây là nơi ở của khách tao nhân. Ai ngờ chủ nhà của Viên Tĩnh Viên lúc sinh thời có lần nói nó chỉ cách lò thiêu Bình Hưng Hòa, nơi ngọn lửa đưa mọi linh hồn đến được Vùng Quên, quãng 500m. Đó là khu vườn nào dừa nào mận nào cam. Xúm xít cạnh nhau ở phường 16 quận Tân Bình. Giờ chừng như đã đổi tên. Cái mảnh đất ngoại ô xa lắm, từng được Chế Lan Viên huyền thoại hóa trong thiên phóng sự “Nhành mai ở Tân Bình” viết năm 1981. Thời đó còn sót lại rất nhiều cây mai dáng dấp mai rừng. Ngày 19 tháng 6 hàng năm là ngày giỗ Chế Lan Viên. Hai mươi bốn năm rồi, không hiểu khu vườn ấy có gì thay đổi hay không? Có người bảo nó vẫn như xưa. Cổng vào trên cánh cửa sắt treo hai bảng địa chỉ chữ trắng nền xanh. Một bên ghi: 40/7 LeSat phường 16 Q. TB (Tân Thới Sơn cũ). Bảng liền kề ghi: 105/14 LeSat. Tín hiệu ấy lặng yên cho biết rằng sự biến thiên của khu vườn chắc còn chưa dứt. Cái nhà gạch che mưa che nắng che thơ nguyên vẹn từ dạo ấy đến giờ? Vào những năm cuối đời khi còn khỏe, nhà thơ lớn nhất thế kỷ 20 vẫn cặm cụi nấu cám lợn. Có thi sỹ đương thời bắt gặp. Sáng sáng ông thường dậy sớm lúc 4 giờ để dọn dẹp, chuẩn bị. Cơm nước cho cô con gái. Đến 7 giờ 30 ngày nào cũng vậy, Chàng Văn lại ngồi đâu đó viết ra những trang văn vào loại uyên bác nhất của thời đại chúng ta. Năm 1987, nhuận bút Tuyển Tập 50 năm Chế Lan Viên, cả một đời sáng tác tập hợp lại, được 3.000đ trong khi lương công nhân 4.000đ. Theo quyết định 290 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 225đ bằng 1 rúp mậu dịch hoặc là 1 đô la Mỹ. Bài tứ tuyệt Lừa, thoảng một chút lãng vui: không có con lừa, Đông Ki Sốt không thành kỵ sỹ. Vào thời điểm ấy, gia đình nhà thơ một năm rưỡi ăn gạo giá cao chưa được bù. Đời sống rất cực. Cả nước lao đao trong cơn hoạn nạn giá - lương - tiền. Biết làm sao được.
Thế kỷ 20 đã đi qua một thập kỷ vẫn chưa hết niềm kinh dị về nhà thơ lớn nhất của mình mà toàn bộ văn nghiệp của con người đó là bản trường ca về vẻ đẹp trí tuệ và phẩm giá con người trên một vùng châu thổ bao la của suy tưởng và cảm xúc - Chế Lan Viên.
Bộ sách quý Chế Lan Viên toàn tập gồm 5 quyển khoảng 5.000 trang tập hợp các sáng tác thơ ca, phê bình văn học, bút ký, ký sự… như một bách khoa toàn thư về văn học, văn hóa. Bộ bách khoa không phải của riêng ai mà của thế giới tinh thần, của tâm hồn Việt Nam thế kỷ 20. Không biết có bao nhiêu người đương thời đã đọc hết, đọc tường tận, cùng ngẫm nghĩ sâu xa những vấn đề thế sự, văn chương mà Chế Lan Viên đã đặt ra? Đầu năm 1969 Chế Lan Viên bảo: văn xuôi ăn no được. Thơ hay cũng chỉ đọc được không quá một giờ. Vậy mà nhiều thế hệ người đọc để một đời người để đọc thơ ông.
Từ khi Điêu Tàn ra đời 1937 đến những bài thơ cuối cùng viết 1988, những tác phẩm in trong Di Cảo khi ông đã qua đời. Không ngớt lời ca ngợi. Thế kỷ 20, chưa có một thi sỹ nào làm được như ông. Kỳ dị. Độc đáo. Sắc sảo. Tầm vóc. Khác biệt. Chân thành. Bền vững. Người đời còn cần bao nhiêu chuyên luận, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu thời gian nữa để suy ngẫm về sự nghiệp đồ sộ ấy. Nhất là xưa nay Thơ vẫn là địa hạt gây nhiều trở ngại nhất cho sự thám hiểm của các nhà lý luận như Chế Lan Viên đã từng nói.
Thi sỹ Chế Lan Viên không chỉ có nhiều bài thơ hay mà nổi bật có nhiều tập thơ hay. Nếu ở Điêu Tàn 1937 là sản phẩm đích thực của suy tưởng về một thế giới siêu hình lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi buồn thương hồn ma bóng tháp, là trên đường về sờ soạng tìm lại nước non xưa cùng với việc đi tìm cái bản thể vô hình của người thi sỹ giữa xương khô, bóng tối, đêm tàn, hồn trôi, máu xương, trăng điên… hầu như tất cả chìm trong CÕI TA vô biên trống trải, thì phải mất 20 năm sau trên con đường trở về với Ánh Sáng và Phù Sa của cuộc đời thực chan hòa ánh nắng giữa lời ca tình yêu Tổ Quốc đẹp như chim lượn trăm vòng, lung linh như mùa quả ngọt “Con chim ăn như thấy vị phù sa trong tiếng hót” cùng với nỗi lòng thiết tha đôi khi tội nghiệp của sự đổi đời của người thi sỹ, của thi ca “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng Vui”. Nếu Hoa ngày thường chim báo bão 1967 là bài ca hào sảng về chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, về đất nước con người Việt Nam lấp lánh sao chiến thắng trên tuyến đầu đánh Mỹ cùng với màu sắc thân thương của hoa những ngày thường, tiếng đàn của bé Thắm thơ ngây với trăn trở tiếng chim trời kêu vít vịt như bản hòa âm kỳ diệu của sức sống dân tộc với e ấp thương yêu những cuộc đời thường chẳng bị lãng quên thì Di Cảo 1992, 1993, 1996 đâu phải là những dòng xám hối tội nghiệp của một thiên tài mà là một lần nữa, nghìn lần nữa phát lộ và tỏa sáng một tâm hồn thơ lớn của dân tộc, một nhân cách đáng trân trọng của thời đại chúng ta tiếp tục trăn trở với đời, trăn trở với thơ và nhất là trăn trở với sứ mệnh cao cả của người thi sỹ. Cảm hứng chủ đạo của Di Cảo là thi sỹ mắc nợ với đời. Chế Lan Viên không xám hối sự nghiệp thơ của mình mà tiếp tục bày tỏ rõ hơn suy nghĩ về cái bản thể của mình từ khi ra đời người thi sỹ trong điêu tàn đến lúc trở về với chính mình trong ánh sáng phù sa. Di Cảo có bài Ai? Tôi. Viết năm 1987, Nhà thơ tự hỏi Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng, chỉ một đêm còn sống có 30 người, ai chịu trách nhiện về cái chết của 2000 người đó. Trả lời: - là thi sỹ. 10 năm sau, 1 trong 30 người ở mặt trận về, chả huân chương nào nuôi được người lính cũ. Ai chịu trách nhiệm. Trả lời: - chính là tôi. Ông xấu hổ chưa có câu thơ nào hôm nay giúp người lính ấy nuôi đàn con nhỏ. Như vậy đâu phải là xám hối mà là sự xác nhận chân thành trách nhiệm thi nhân với cuộc đời.
Điêu Tàn, Ánh Sáng và Phù Sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Di Cảo nằm trong số những tập thơ hay nhất của thế kỷ 20.
Không có gì là mới, nếu nói rằng Điêu Tàn là tập thơ xuất bản vào loại sớm nhất - năm 1937, chỉ sau Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp 1934, Mấy Vần Thơ của Thế Lữ 1935, Gái Quê của Hàn Mặc Tử 1936... đã góp phần thực hiện một cuộc cách mạng thi ca lớn nhất trong thế kỷ 20. Cũng không có gì mới khi khảng định từ buổi Ánh Sáng và Phù Sa ra đời 1960 đến cuối thế kỷ 20, phong cách thơ chính luận triết lý Chế Lan Viên sâu sắc về tư tưởng mà không khô khan trừu tượng vì kết hợp với dòng cảm xúc vô cùng phong phú và mãnh liệt, tuôn chảy qua một miền thơ huyền diệu lung linh những hình tượng thơ độc đáo khác lạ, được giáo sư, nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ gọi là biện pháp pháo hoa hình tượng để chính luận mà chân ảo chan hòa, từ những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước. Điều mà cho đến bây giờ người ta vẫn chưa hết ngạc nhiên ở tầm bao quát các vấn đề thế sự và văn chương có sức sống và tầm vóc của thơ Chế Lan Viên. Dường như mỗi bài thơ của ông là một luận đề về sự sống và cái chết, về chiến tranh và hòa bình, về sức mạnh lớn lao của con người trong sự đối mặt với cái ác, sự tồn vong và thách thức của dân tộc trên những chặng đường phát triển, sự đắng cay tủi nhục và niềm hy vọng ngọt ngào của con người trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa cái thiện và cái ác, nỗi cảm thông vô bờ bến với những đau khổ, trầm luân của bao kiếp người trong cuộc sống từ quá khứ đến hôm nay, những vấn đề đặt ra cho cả dân tộc và thời đại… Tất cả đều xoay vòng rực rỡ xung quanh cảm hứng chủ đạo là tình yêu và lòng tự hào về Tổ quốc mình; nhân dân mình làm thành một bản giao hưởng của hàng nghìn thi khúc. Đó là Tiếng hát con tàu, Qua Hạ Long, Chim lượn trăm vòng, Đọc Kiều, Nay đã phù sa, Giữa tết trồng cây, Ý nghĩ mùa xuân, Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Người đi tìm hình của Nước... trong Ánh Sáng và Phù Sa 1960. Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Đế quốc Mỹ kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta. Ở đâu ở đâu ở đất anh hùng. Cái hầm chông giản dị. Sao chiến thắng. Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng. Con mắt Bạch Đằng, Con mắt Đống Đa. Suy nghĩ 1966… trong Hoa ngày thường chim báo bão 1967. Trận tuyến này cao hơn cả các màu da, Xuân 68 gửi miền Nam Tổ Quốc, Tùy bút một mùa xuân đánh giặc, Đường sáng tuyệt vời… trong Đối Thoại Mới 1973. Thời sự hè 72, Bình luận. 1972. Ta nhận vào ta phẩm chất của Người, Cách mạng chương đầu, Trận đánh của tình thương... trong Hoa trước lăng Người 1977. Vòng cườm trên cổ chim cu, Đi giữa mùa xuân, Ngày vĩ đại... trong Hái theo mùa 1977. Có lỗi với Sôpanh... trong Hoa trên đá 1984 v.v...
Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ hai bên trái sang) và các bạn thơ cùng thời
Có lần Chế Lan Viên hóm hỉnh từ chối lời khen ngợi thơ chính luận triết lý của ông: “khen thơ tôi giàu trí tuệ cũng như khen người đeo kính gọng vàng”. Nói vậy mà không phải vậy. Mỗi bài thơ như một luận đề để mở rộng cánh cửa suy tưởng triết lý kết hợp với mạch nguồn cảm hứng thi ca dào dạt tạo ra tầng tầng lớp lớp những vỉa quặng lấp lánh suy tưởng, dàn thành thế trận cho một kết cấu thơ luôn mở rộng có sức lan tỏa kỳ diệu của vẻ đẹp trí ruệ. Với lối thơ như vậy, không phải tất cả người đọc tiếp cận được như nhau và không phải không có độc giả cảm thấy không dễ dàng khi bước vào thế giới thơ Chế Lan Viên.
Thơ Chế Lan Viên vẫn đang hiện diện trước những câu hỏi của thời đại. Không phải những triết lý viết cho ngày tháng cũ mà như viết cho chúng ta ngày hôm nay, khi Tổ quốc lên tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hãy cứ đo bể ta bằng luật điều quốc tế
Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý
Nhưng chớ đo lòng căm giận chúng ta.
(Sao Chiến Thắng, 11/8/1964)
Triệu tấn bom rơi không thể nào làm sổ một hạt cườm trên cổ chim Cu để hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim gù tự đâu thời xa xửa xa xưa nghe bây giờ còn thao thức.
Tiếng sông Thương đôi dòng. Vọng phu hóa đá
Tiếng chim như tự buổi bình Ngô
tự thuở Hai Bà.
(Vòng cườm trên cổ chim Cu, 1974.)
tranh đấu sinh tử này bảo vệ đức mẹ bế chúa hài nhi phúc âm cho mọi cuộc đời.
Để đức mẹ yên tâm bế chúa hài nhi vạn thuở
Và triệu con trẻ thiên thần yên nghỉ trong nôi.
(Đến con trẻ cũng lưu đày ư? Nước Mỹ, 1973)
Vào năm 1995, khi đánh giá thành tựu thi ca Việt Nam, nói đến Chế Lan Viên, một vị trưởng lão có thâm niên lãnh đạo Hội nhà văn bảo: “Thời chống Mỹ cũng phải đánh trống thổi kèn nhiều”. Tôi không nghĩ đó là lời nhận xét về toàn bộ thơ Chế Lan Viên thời kỳ đó. Thơ chính luận của Chế Lan Viên có những bài không thành công. Đó là chùm thơ “đánh địch” như từ của Chế Lan Viên đã gọi. Vào lúc cuối đời, ông tâm sự: “Thơ chỉ sống một phần cho chính mình còn ba phần cho nhiệm vụ”. Lời bộc lộ chân thành dù có phảng phất chút thanh minh.
Lê-nin khi tóm tắt “các bài giảng về Lịch sử triết học” của Hêghen, ở phần triết học Xôcơrát, ông đã có lời bình luận hóm hỉnh mà chua cay sau đây: “chủ nghĩa duy tâm thông minh gần với chủ nghĩa duy vật thông minh hơn chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn”. Một chàng trai mới 17 tuổi đã rung cảm về những việc phi thường. Coi làm thơ là thoát hiện tại, xáo trộn dĩ vãng, ôm trùm tương lai trên dòng sông Linh siêu hình quằn quại. Cái kiểu duy tâm thông minh ấy chứa đựng hạt nhân hợp lý của sự phát triển phong cách thơ chính luận triết lý, của nghĩ suy những vấn đề dân tộc và thời đại, đời sống và văn chương ở tầm cao khi chàng trai ấy trưởng thành. Người viết nên những vần thơ kiệt xuất đến chiêm nương bóng tháp siêu hình cũng phải run rẩy sẽ gần gụi hơn để viết những câu thơ chính luận.
Hãy hái sắc trời xa viễn vọng
Những biển cồn hãy mang đến trong thơ.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét thơ Chế Lan Viên “chặng đường sau cách mạng hay hơn trước, nhất là trong Di Cảo”. Có hiện tượng ngược lại. Một số thi sỹ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới, khi bước vào làng thơ với xúc cảm trẻ trung dào dạt yêu thương lãng mạn, tinh tế khi non xa khởi sự nhạt sương mờ đã nghe được rét mướt luồn trong gió mà thấy cô quạnh chuyến đò vắng khách qua sông hay nỗi buồn cô liêu khi nắng chia nửa bãi chiều rồi… được nhiều độc giả yêu mến hơn thơ sau này của họ. Cả một đời vật vã dâng hiến cho thi ca, một thế kỷ đầy biến động vinh quang và cay đắng, lầm lẫn và nhận thức lại, người ta có đủ thời gian để chiêm nghiệm về mình. Ngày 24/5/1987 khi trả lời báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Chế Lan Viên nói: “Thơ lãng mạn tiền chiến là đỉnh cao trong di sản dân tộc. Sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du”. Năm 1999, Huy Cận bảo: “ Bây giờ đây Thơ Mới đã nghiễm nhiên nằm trong văn mạch dân tộc và là một chương rất quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà”.
Lịch sử thi ca thế kỷ 20, ít ai tự dằn vặt mình trong sứ mệnh làm thi sỹ từ buổi đầu cầm bút đến khi xế bóng về già như Chế Lan Viên. Cả một đời Thơ, Chế Lan Viên băn khoăn và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Đó chính là câu hỏi trách nhiệm của người thi sỹ, của thi ca, của bản thể phận người trước thời đại và cuộc sống; lắm khi Ta được nâng lên là đất nước, con người Việt Nam.
Ta đã tìm ra ta trong Rạch Gầm, Đống Đa, Hàm Tử, Chi Lăng
Nhân loại tìm ra ta trong Hà Nội, Điện Biên hay ở Bạch Đằng.
(Ta lại là ta, 1976)
Khi bay giữa bầu trời mây mê đắm siêu hình hay dạo quanh bên viền tháp vắng, thi sỹ đã đi tìm ta, tìm mình và tự hỏi không biết ta có tồn tại hay không? “Ai bảo giùm ta có ta không?”. Đến khi cầm trên tay câu hỏi “Ta vì ai?” tưởng ta là ai? sẽ dừng lại trên con đường dài đầy trắc ẩn của sáng tạo thi ca. Vậy mà cho đến những năm cuối đời, thi sỹ Chế Lan Viên không biết bao lần trở về câu “Ta là ai” thuở trước. Điều đó càng làm cho người đời quý trọng phẩm chất của một nhà thơ lớn luôn tự hỏi trách nhiệm của mình với đời, với cuộc sống, với thi ca. Không biết bao nhiêu lần câu hỏi ấy hiện ra dưới nhũng góc chiếu sáng khác nhau của trần thế: Ai? Tôi. Hỏi? Đáp. Làm sao. Ví dầu. Sâm Thương. Giai cấp tính. Sông sử thi và sông tình ca. Đổi nghề. Tro và lửa. Nợ. Thơ thế kỷ 20. Thời thượng. Vượn. Sử. Sủi tăm. Tìm Trầm. Triết. Để lại. Thơ cao cả. Lãnh đạm. Thơ thế kỷ 21. Ảo tưởng. Ra vào. Cách. Quan niệm Thơ. Đừng đi chân đất. Thơ hiện đại v.v… và v.v...
Giật mình có lúc tưởng trở lại siêu hình:
Ta là ai? về đâu? hạt móc
... Là ta chăng? ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối.
(Hỏi đáp, 1985)
Rồi tưởng như về đến sát lò thiêu bỗng bừng tỉnh dậy:
Ta đạp lên siêu hình và bớt nghĩ về ta.
(Lò thiêu, 5/1988)
Đôi lúc vần thơ cay đắng bật ra từ tiếng khóc về thiên chức thi ca, sứ mệnh người thi sỹ trong các bài: Thời Thượng, Đón người thiên hà, Vượn, Triết, Thơ thế kỷ 20... chân thành mà xót xa, đau đớn “Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng” (Thời Thượng 1988). Ông không ngần ngại đưa ra lời nhận xét về thơ thế kỷ 20. Ông kêu gọi Thơ đừng thanh lọc mà phải văn xuôi và để chúng ta suy ngẫm về những điều trông thấy mà đau đớn lòng khó tránh khỏi cho một cuộc đổi thay.
Nhà thơ ăn tương chao trong chùa
lại thèm thịt chó ngoài tam quan
ăn đằng sau tượng
Những câu thơ chay đôi khi nhớ đời liền thậm thụt
Phá cái giới nghìn đời ràng buộc, bỗng phi thơ.
(Thơ thế kỷ 20, 9/6/1987)
Cái nợ của thi sỹ và của thi ca được Chế Lan Viên diễn tả.
Nợ xương máu, áo cơm, một ngụm nước khát lòng
Nợ hạt muối đêm công đồn, cái hôn khi ra trận.
…
Nợ mùi hương của xứ không hương...
Trả, anh là anh
Không trả, anh có tội với mười phương tám hướng.
Ở đất nước nhiều chiến tranh và mất mát hy sinh như Việt Nam, Chế Lan Viên thật sâu sắc khi chọn hình tượng Máu để làm biên bản ghi nhận giữa Đời với Thơ, và để trả lời câu hỏi Ta là ai? Ta nợ ai ở thế gian này: “Máu người đẻ ra Thơ mà Thơ lại hòng quên” (Nghĩ về Thơ 1960-1965). Sứ mệnh của thi ca và người thi sỹ nhỏ bé xiết bao.
Tiếng máu lang thang đi giữa đất trời
Đến ngàn thi sỹ thiên tài không dỗ nổi.
(Thời sự hè 72, bình luận, 5/1972)
Chế Lan Viên “vị lai” chăng khi vào năm 1984 đã so sánh thế kỷ 20 người ta nói quá hay về thơ trong khi thế kỷ đó người ta sống khó khăn quá nhiều và những tưởng ông thi vị hóa khi nói rằng “Từ cốc lên môi hay là thơ ở thế kỷ 21”. Và rằng các thi sỹ thế kỷ 21 họ sáng tác bằng gì? - bằng các từ ngữ hay bằng sự lặng im?. Nhưng với Ảo tưởng, Ra trận, Thơ thế kỷ 21, Cách, Quan niệm Thơ và nhiều bài thơ khác trong Di Cảo gợi mở hướng phát triển mới Thơ thế kỷ 21 với bao dằn vặt và biến động.
Lột trần áo bào và mũ triều thiên
Thơ cầm bị gậy đi ăn xin ở bên đường nhân loại trẩy.
Thơ thế kỷ 21 mà!
Làm sao có thể hồn nhiên.
(Thơ thế kỷ 21, 1987)
Dùng chữ của người xưa nén lại: “Đạm và nồng, đắp đổi mới là Thơ (Ra Vào. 1987). Cách thơ đi như đi trên sự hiểm nghèo, không phải diễu qua lễ đài lối đi trật tự (Cách. 1987). Làm Thơ không để Thơ làm, càng không để rượu làm, chữ làm, vần làm, cuồng tín (Quan niệm Thơ. 1986). Thi sỹ đừng như anh Trương Chi mặt rỗ hoa mè hát lại không hay. Con quan tể tướng nào nó nghe. Mà chờ con quan tể tướng để làm gì khi thời đại chẳng còn quan tể tướng (Mặt rỗ. 1986) v.v… Và có phải ở đoạn cuối con đường thế kỷ 20, dường như văn xuôi đã tỏ ra đau với nỗi đau của Mẹ Việt nam hơn là thi ca. Bến Không Chồng, Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận… Văn xuôi đã “cầm bị gậy đi ăn xin” trước thi ca trên nẻo đường trần thế rồi chăng? Và câu thơ cũng phải xuất gia đi tới bốn cửa ô cuộc đời đầy bão tố này như nó đã từng đi. Thơ thế kỷ 21 cũng chẳng làm gì khác hơn khi thơ viết ở kinh tuyến này sẽ rung động trào sôi ở kinh tuyến khác.
Như con chim họa mi kiệt sức đến cuối đời vẫn ca hát về sứ mệnh thi ca, đó là những tiếng hót cuối cùng mà mỗi câu mỗi chữ thấm máu hồng của người thi sỹ, phải không hỡi Chế Lan Viên?
Có người nói: nhìn vào diện mạo Chế Lan Viên, Tầm vóc và Nhân cách của ông ấy, ta ngẫm ngợi điều gì? Thời mở cửa, từ chân trời một người đến chân trời của tất cả có thêm nhiều ý nghĩa mới. Nhưng không thể không từ chân trời của quá khứ ngay sau lưng ta để nghĩ suy con đường đổi mới thi ca. Nếu không làm được gì hơn thì tốt nhất đừng hạ thấp nó.
Chế Lan Viên khiêm nhường làm sao khi ông bảo: “Nhà thơ chiêm tinh chưa tìm ra sao chổi của riêng mình”, còn để lại cho đời những câu dang dở:
Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở
Và ai đón thơ anh ở cuối con đường.
(Câu thơ dang dở, 1986)
Tôi muốn dùng lại đại từ Người mà Hoài Thanh đã gọi Chế Lan Viên năm 1941. Chín trăm câu thơ ấy chẳng bao giờ dang dở. Bởi vì thế kỷ trước, Chàng Văn đã nói rằng: Thi sỹ chỉ làm một nửa bài thơ. Mùa Thu muôn kiếp sẽ làm nốt nửa phần còn lại. Nếu quả thật hiểu theo nghĩa đó, những câu dang dở kia mùa Thu nhân thế sẽ làm nốt cho Người. Nhưng hơn 1000 bài thơ của Chế Lan Viên đâu có dang dở chút nào. Mà ông nói một nửa mùa thu làm lấy theo nghĩa khác kia. Bởi thế nền thi ca dân tộc có một tượng đài người muôn năm ở Viên Tĩnh Viên. Viên Tĩnh Viên sẽ trở thành khu lưu niệm nhà thơ lớn nhất của thời đại chúng ta. Hàng năm mùa Thu lại trở về trên đôi cánh mỏng tang của siêu hình mơ mộng chẳng biết câu thơ nào còn dang dở trên cõi đời này? Mùa Thu đón Thơ ông ở cuối con đường không giới hạn của thời gian. Còn cậu bé, nơi làng quê yên ả bên bờ sông Hồng, một đời người đi tìm triết lý Chế Lan Viên mỗi khi mùa Thu đến. Bởi tin lời thi sỹ đã nói về nhạc Sôpanh như chính nói về mình:
Ở đâu có mùa Thu, ta ngờ có Sôpanh ở đó
(Di cảo)
Người ấy còn mang câu hỏi mùa Thu mắc nợ thi ca từ buổi theo nhà thơ đi nhặt những chiếc lá vàng năm trước để chắn nẻo xuân về đến tận bây giờ mà vẫn chưa xong.
Hà Nội 22/4/2013