Cụ thể, bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận lại tài sản để đảm bảo duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
Tòa cũng xét đến "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung". Có nghĩa, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có đóng góp công sức nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng phải đảm bảo cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng, người chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Chẳng hạn, vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ôtô trị giá 400 triệu đồng do người chồng đang kinh doanh taxi cùng một cửa hàng tạp hóa trị giá 200 triệu đồng do vợ quản lý. Khi giải quyết ly hôn và tài sản chung, tòa án phải xem xét giao cửa hàng cho người vợ, giao ôtô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng được nhận phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho vợ thêm 100 triệu đồng.
Thông tư cho phép thẩm phán dựa vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ nhân thân, tài sản dẫn đến ly hôn. Ví dụ, nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình thì tòa án phải xem xét yếu tố "lỗi" này khi chia tài sản chung để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
Giá trị tài sản chung của vợ chồng; tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết tài sản khi ly hôn, tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Thông tư quy định tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi có người vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác... Thông tư đưa ra ví dụ, ông A đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Sau đó ông A kết hôn với bà C và thỏa thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho bà C, do đó không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Như vậy, trong trường hợp này, tòa án xác định thỏa thuận về tài sản giữa ông A và bà C bị vô hiệu.
Vụ việc hôn nhân và gia đình đã được tòa án thụ lý trước ngày thông tư liên tịch này có hiệu lực nhưng kể từ ngày 1/3 mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm thì áp dụng thông tư để giải quyết. Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày thông tư có hiệu lực thì không áp dụng hướng dẫn tại thông tư để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo Bảo Hà (Vnexpress)