Sau khi đoạt cúp giao hữu AYA Bank tại Myanmar, các cầu thủ Tuấn Anh và Công Phượng không kịp nhận cúp cùng đồng đội mà phải ra ngay sân bay về Nhật. Xuân Trường cũng vội vàng không kém…Cứ y như rằng họ là những trụ cột của các CLB mà họ đang đầu quân để kịp các trận quan trọng. Nhưng không phải thế. Các cầu thủ Việt Nam đã được dạy nhiều thứ trong đó có cả tác phong…
Ba cầu thủ ưu tú nhất của lứa đầu học viện HA Gia Lai- Arsenal JMG đã về và khoác áo tuyển Việt Nam đá các trận giao hữu cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt dù ở Hàn Quốc và Nhật Bản cả ba còn mài đũng quần trên băng ghế dự bị.
Nhìn dưới góc độ chuyên nghiệp thì cầu thủ Việt Nam mất gốc nhiều thứ lắm
Nói chính xác, Công Phượng trong màu áo Mito Hollyhock mới chỉ ra sân J- League với số phút đếm trên đầu ngón tay sau hơn bốn tháng tập. Tương tự là Tuấn Anh trong màu áo Yokohama. Xuân Trường có thời lượng ra sân trong màu áo Incheon Utd. Trường cũng chỉ ra sân một lần trong đội hình xuất phát và đá được trên 60 phút rồi ra nghỉ.
Dù chủ yếu là dự bị qua bốn tháng, thể lực, sức mạnh và cả ý thức chiến thuật của ba cầu thủ này chủ yếu tích lũy được qua các buổi tập mà thôi…Thế mà về Việt Nam khoác áo tuyển cho thấy cả ba đã tự tin, dày dạn, lì lợm và sắc nét đến dường nào.
Ở đây chúng ta thấy một sự khác biệt rất lớn, trước đây khoác áo các đội tuyển trẻ Việt Nam thì những cầu thủ kể trên không bị áp lực, và không bị thiếu sức nhưng vào đội tuyển quốc gia thì trông họ còn “chông chênh” nhiều lắm. Nhưng qua hơn bốn tháng “du học dự bị” tại các CLB Nhật và Hàn Quốc trở về đã thấy họ hoàn toàn khác. Cách chơi của Xuân Trường, Tuấn Anh và cả Công Phượng trong màu áo tuyển quốc gia không chỉ ngang bằng với các đàn anh trong tuyển mà họ còn nổi trội hơn.
Ở đây có lẽ HLV Nguyễn Hữu Thắng và cả bầu Đức phải biết ơn cách dùng người và trau chuốc cầu thủ trẻ tuổi của các CLB Nhật và Hàn Quốc. Họ không đốt cháy giai đoạn, họ không khai thác vô trách nhiệm những cầu thủ mà họ cũng thừa biết đó là “tài sản” quý của bóng đá Việt Nam.
Liên hệ từ việc Công Vinh đến ba cầu thủ trẻ của HA Gia Lai thấy một điều rằng, Công Vinh sang Sapporo Console ở cái tuổi đã lớn và thế là CLB Nhật vừa nâng thể lực và vừa cho thi đấu, không cần thời gian tích lũy. Thế nhưng với những Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường vì tuổi còn trẻ nên các CLB Nhật và Hàn Quốc đều có một chính sách khác, đặc biệt hơn để phát triển họ thành những cầu thủ giỏi trước tiên là cho CLB của họ và sau đó đến HA Gia Lai và tuyển Việt Nam…
Sống trong môi trường tập luyện khắc nghiệt, nghiêm túc, có khoa học hỗ trợ chu đáo cùng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp chỉ sau bốn tháng mà những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã trưởng thành rất nhiều. Nếu sau này khi tích lũy thể lực tốt, sức mạnh, kỹ thuật được nâng cao ngang bằng với cầu thủ Nhật để đáp ứng đủ đá J-League 2 thì tất nhiên ba cầu thủ trên sẽ còn phát triển hơn nữa. Và nhất định lúc đó tuyển Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều.
Bóng đá Việt Nam chỉ nâng chất trên đấu trường châu lục khi có nhiều cầu thủ được đến những nền bóng mạnh hơn…để du học mà thôi.