U-23 Việt Nam thành công ở đấu trường châu Á thì Thái Lan nhìn sang và ngược lại.
Khoảng thời gian 2004 đến 2010 cũng là thời kỳ “lạc lối” của bóng đá Thái Lan trên bình diện Đông Nam Á từ đội tuyển quốc gia đến U-23, cùng lúc đó, Việt Nam “chào hàng” lứa U-19, nòng cốt là HA Gia Lai và nổi trội là Công Phượng rùm beng khắp Đông Nam Á.
Công Phượng trong màu áo tuyển Việt Nam.
Lứa U-19 Việt Nam với nòng cốt thế hệ học viện thứ nhất HA Gia Lai đã gây tiếng vang lớn ở đấu trường Đông Nam Á, vòng loại châu Á với những bàn thắng mang tính tuyệt phẩm của Công Phượng.
Tại các giải Đông Nam Á thì U-19 Thái Lan thua U-19 Việt Nam không dưới hai lần. Cao trào là U-21 Thái Lan vào chung kết giải U-21 Quốc tế năm 2014 tại Cần Thơ và thua U-21 HA Gia Lai trong trận chung kết. Lần đó Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi được mời sang thăm và dự khán.
Chanathip nay đã là một trụ cột ở CLB Consodole Sapporo của Nhật
U-19 Việt Nam khi đó trở nên đình đám trong khu vực đến độ người Thái…nóng mặt. Nhiều tuyển thủ U-19 Việt Nam của HA Gia Lai được “đốt giai đoạn” lên khoác áo U-22 và U-23 Việt Nam.
Thế rồi Thái Lan mời U-23 Việt Nam tham dự trận giao hữu gặp Thái Lan tại Bangkok trước thềm vòng loại U-23 châu Á năm 2015. Ở trận đó khán giả Thái Lan đến xem rất đông cùng những băng-rôn khiêu khích “Công Phượng- Chanathip của Việt Nam”, “Chúng tôi đợi U-19 Việt Nam”…
Fan hâm mộ Thái từng dùng Chanathip để "dìm hàng" Công Phượng
Ở thời điểm đó Thái Lan có ngôi sao U-23 Chanathip được mệnh danh là “Messi Thái”, còn Công Phượng thì là “Chanathip của Việt Nam” mà thôi. Rõ ràng là một ví von, một cách chơi… rất sốc nhưng cũng rất dễ thương của bóng đá mà các fan nghĩ ra.
Trận giao hữu đó Việt Nam thua 1-3. Hai đội U-23 Thái Lan lẫn U-23 Việt Nam tham dự vòng loại châu Á đều vượt qua. U-23 Thái Lan do HLV Kiatisak dẫn dắt cũng có mặt tại Qatar dự VCK, U-23 Việt Nam do HLV Miura dẫn dắt cũng vượt qua vòng loại (tại Malaysia với ngôi nhì bảng sau Nhật). Tại VCK thì cả U-23 Thái Lan và U-23 Việt Nam đều bị loại ngay sau vòng bảng.
Trong năm 2015 thì U-23 Thái Lan và U-23 Việt Nam còn chạm trán nhau ở vòng bảng SEA Games 28 tại Singapore. Lần ấy thì trận cuối vòng bảng Việt Nam lại thua Thái Lan 1-3. U-23 Thái Lan đi đến ngôi vô địch khi thắng Myanmar ở chung kết còn Việt Nam thì hạng ba sau khi đánh bại Indonesia.
Sang SEA Games 29 thì hai đội U-23 Việt Nam và U-23 Thái Lan lại tiếp tục gặp nhau ở trận cuối cùng vòng bảng. Việt Nam thua 0-3 và bị loại ngay sau vòng bảng, còn U-23 Thái Lan thì lên ngôi vô địch khi thắng Malaysia 1-0 ở trận chung kết.
Ở SEA games 29 thì Công Phượng vẫn còn đá, nhưng phía Thái Lan thì đại diện là những đàn em của Messi Thái- Chanathip, đó là Chenrop Samphaodi. Messi Thái thì không còn đá U-23 nữa.
Thực chất thì Công Phượng cũng có cơ hội “trả thù” cho những lần người Thái “troll” mình. Đó là tại M-150 Cup, giải đấu mà người Thái tổ chức như đợt tập dượt cho U-23 Thái Lan chuẩn bị VCK U-23 châu Á.
Tại đó ở trận tranh hạng ba giữa U-23 Thái Lan và U-23 Việt Nam thì chính Công Phượng đã có cú đúp giúp U-23 Việt Nam đánh bại U-23 Thái Lan 2-1. Dù là một giải đấu giao hữu song trận thua đó đã khiến ghế HLV của Jankovic lung lay và U-23 Thái Lan bị chỉ trích nặng.
Đến VCK U-23 châu Á thì Công Phượng cùng những đồng đội có “đòn trả thù” ngọt ngào khi vào đến trận chung kết và quật ngã nhiều ông lớn, còn U-23 Thái Lan thì toàn thua ba trận vòng bảng rồi chia tay giải.
+ Kỳ tới: Cựu danh thủ Natipong: Người Việt Nam ghét chúng tôi?