1. Thầy thân thiết với tôi quá, đến mức khó định nghĩa được mối quan hệ. Thầy hiểu tôi, hiểu cách tôi nghĩ hơn mọi cậu bạn thân thiết. Tôi có thể nói ra với thầy bất cứ vấn đề gì mà không cần e ngại như người trong gia đình. Nhưng lễ tắc thầy trò tôi vẫn giữ, cho đến giờ. Một người yêu kính mà không hề xa lạ hay quan cách, tôi vẫn cho là điều lạ.
Nhớ lần đầu tiên đến nhà thầy học, căn nhà vách cót mà thầy gọi là “Thạch Gia Trang”, khi ấy tôi chỉ khoảng 15 tuổi. Tuổi thiếu niên luôn khó lường, tâm hồn là một bể sôi sục các ý nghĩ, một nguồn năng lượng cần thiết phải giải tỏa, một sức phản kháng với thế giới người lớn để chứng tỏ mình là người lớn luôn tìm cách thoát ra. Tôi đến nay, vẫn nghĩ thầy có một tâm hồn luôn niên thiếu, một mưu cầu tự do lớn vì chỉ điều ấy mới có thể lý giải cách thầy nhìn thấu suốt các vấn đề của chúng tôi, những đứa trẻ ngấp nghé vào đời, mới thấy các chi tiết thường bị cho là tào lao trong đời chúng là chuyện quan trọng.
Thầy đưa gói thuốc lá cho tôi, bảo hút đi. Khoát ngang tay qua cơn e ngại của tôi, thầy bảo: “Răng mày ám khói, chối gì!”. Chỉ thế thôi, tôi hiểu, đã có người biết rằng một hành vi bị cho là cấm kỵ đối với học sinh không thể là đại diện cho chính con người nó!
Những bữa học chỉ hai thầy trò, quanh ấm trà đặc, dưới ánh trăng vàng, không sách vở, chỉ là nối dài những câu chuyện từ văn chương, từ thơ phú ra đời sống, nối dài từ quá khứ của thầy đến hiện tại của một tôi non trẻ. Những bài học tôi ghi khắc bằng không chỉ trí óc mà còn là cảm xúc, cảm giác, thứ thấm sâu vào vô thức để định hình tôi. Những bài học có cả gương mặt cô bé tôi thích trong lớp, có những xung đột gia đình, có trận đánh nhau ngoài trường… thực hơn mọi thứ mà sách vở ghi chép.
Những thằng học trò lỡ đường, nửa đêm đập cửa với chiếc áo nhuốm máu sau trận loạn đả được thầy đón nhận, nối lại cho nó con đường tới giảng đường, tới tương lai bằng lời nói, bằng hành động, bằng ít tiền dúi vào tay. Không ít trong số ấy đã thành danh giữa cuộc đời này.
Cái cúi đầu của thằng học trò ngang ngược cởi trần đi trong sân trường, bất kính với cụ bảo vệ khi bị thầy lao ra sân đánh cho hai bạt tai luôn là bài học lớn về lẽ phải, về sự dũng cảm và hèn nhát. Như cách thầy hét vào mặt tôi rằng: “Mày muốn đi thi học sinh giỏi hay muốn một trận chém nhau trả thù?” khi tôi ấm ức vì bị bắt nạt. Như lúc thầy dằn chén cơm, bỏ bữa ăn khi thấy tôi ủ rũ mãi trong thất bại ở một kỳ thi, thầy cho ít tiền, bảo đi chơi đi, bắt xe đi đâu đó vài ngày, không cần đi học. Thầy dạy tôi biết rằng cuộc đời còn nhiều điều để tìm đến, biết rằng buông bỏ là điều cần thiết phải học nhưng cái niềm vui lấp lánh trong mắt thầy khi tôi có một thành tựu cỏn con nào thì ngược lại. Không là người yêu học trò, không là người có tâm hồn gắn liền với tâm hồn tuổi trẻ, điều ấy sẽ không thể có.
Thầy đã dung dưỡng cho tôi, chấp nhận sự ít khuôn phép của tôi, thầy để tôi phát triển như cách tôi chính là… đó là giáo dục khai phóng. Thầy “dĩ thân vi giáo”, đem chính mình như một hình mẫu, chấp nhận điều tiếng khi giao du với học sinh cá biệt, chấp nhận cách nhìn khó chịu của hủ Nho khi cho học trò làm điều vượt quá khuôn phép… thầy sống vững chãi trước mọi gió lốc cuộc đời, chỉ để bảo toàn điều mình muốn là, bảo toàn cho học trò có thể đi tới trước.
Cái ơn kính đó, tôi mang theo trong suốt chiều dài mình đi và hôm nay nếu có thể, nếu thầy cho (thầy vốn ghét sự rườm lời bôi đãi), tôi vẫn muốn nói: “Tạ ơn thầy, thầy Nguyễn Đức Thạch, giáo viên văn lạ thường nhất tỉnh Ninh Thuận, em may mắn đã được gặp thầy”!
2. Trước đó nữa, những năm học cấp II, mở một con đường cho tôi đi là một người thầy khác, thầy Phạm Văn Hưng, dạy toán. Thầy mất vào tháng 10-2013 sau cơn bạo bệnh, mãi tới khi thầy nằm viện ở BV Bình Dân, tôi mới được gặp thầy giữa Sài Gòn, dù trước đó rất lâu thầy đã hẹn cà phê giữa Sài Thành cho thầy nhớ hồi đi học năm xưa, một cuộc gặp im lặng!
Thầy nằm im, mắt nhắm nghiền, hơi thở nặng nề, như thể mấy chục năm khổ ải, mấy chục năm nhiều điều dồn ứ về cùng một lúc mà đè lên ngực. Trước kỳ mổ hơn tháng, gọi thầy, thầy bảo mổ xoàng, sắp khỏe rồi, sẽ đi cà phê, giọng sang sảng, rắn chắc. Dạ, mổ xoàng thôi dù là cắt hết bao tử, mổ xoàng thôi dù là đặt ống vào gan, mổ xoàng thôi dù là cắt hết túi mật, thầy nhỉ, ly cà phê còn nhỏ giọt mà!
Nếu không có thầy, có lẽ đời tôi đã khác lắm. Nhớ năm lớp 8, học với thầy, có lần thầy giận, mắng ầm ầm mấy thằng con trai trong lớp tội đi ngoài đường chửi thề, chỉ chừa tôi ra dù lúc thầy bắt gặp, tôi là thằng đứng gần thầy nhất. Thầy bảo tôi “có tư chất”, dù tôi chưa làm gì nhiều, dù phần lớn sự tiếp xúc, tôi thường im lặng, nỗi im lặng cựa quậy của tuổi bắt đầu lớn. Lên năm lớp 9 thầy không dạy bọn tôi, cái tuổi 15, 16 ai biết chúng nghĩ gì và có thể làm gì, vì lười, vì chán, vì không đồng tình cách giáo dục của người dạy mình, tôi hầu như rất ít học hành, thay vào đó là rượu và cà phê, thuốc lá, nhất là môn toán - môn thầy dạy.
Ngày thi tốt nghiệp sát bên, tôi vẫn chưa biết mình sẽ đi thi bằng cái gì. Ngày đó, thầy bỗng tìm tôi, chỉ bảo nhẹ: "Thầy có một lớp dạy kèm thi tốt nghiệp, chỉ có ba đứa, em (thầy gọi nhiều đứa bằng con, riêng tôi cứ gọi em) đi học đi, đừng lo chuyện học phí". Tôi đi học và thi qua kỳ tốt nghiệp ấy ở điểm cao, có lẽ là nhờ phần lớn ở điểm vẫn còn một người thầy tin và quý mình, có thể nhờ những trái dừa ngọt lừ mà thầy chặt cho chúng tôi uống giữa giờ học. Sau tôi mới biết học phí của kỳ kèm đấy cao lắm nhưng tất nhiên với riêng tôi, số học phí ấy vô giá. Nếu không có thầy có thể tôi đã thành anh công nhân 3/7, chưa biết tốt hay xấu hơn nhưng khác hôm nay.
Rồi đi học đại học, rồi tập tành viết lách, tặng thầy sách báo, thầy vui lắm, rồi chợt nói: "Mày giận cô X. làm gì mà lâu thế, cô cũng vì học trò thôi, cô hay hỏi thăm mày, đến thăm cô đi!", tôi đi, nhẹ lòng, cởi một gánh nặng mang theo nhiều năm. Ngày cưới tôi, thầy bỏ tiết dạy, chạy đến để chụp cùng vợ chồng tôi tấm ảnh, thế thôi rồi đi.
Lần gặp cuối cùng, thầy rơm rớm nói “mình sống có tâm thế mà!”. Tôi không dám nói với thầy lúc ấy rằng, cái tâm ấy không mất đi mà tạo sinh, lan tỏa, như khói hương trầm lan ra. Tâm của thầy đã dựng nên một con đường cho chí ít là tôi được bước đi nhưng nào phải riêng thế, ngày tôi đến thắp nhang, vẫn có em học sinh cấp II bé bỏng đứng rưng rưng cúi đầu trước bàn thờ thầy. Thầy ơi, một đời đứng thẳng của thầy không mất đi chút nào khi những cái cúi đầu thành kính ấy vẫn còn tiếp nối…