Người thổi hồn cho phim tài liệu

Gốm Bàu Trúc đưa đường dẫn lối

. Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Cơ duyên đến với phim tài liệu khi tôi chuẩn bị bước vào năm cuối của Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Khi ấy, tình cờ tôi đọc được một bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ kể về một làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của đồng bào người Chăm. Vào thời điểm hưng thịnh, cả làng làm nghề gốm nhưng đến nay chỉ còn 30% số hộ dân gắn bó với nghề và tỉ lệ này đang có xu hướng giảm dần.

Đồng cảm với cuộc sống của những nghệ nhân làm gốm nơi đây, tôi quyết định rủ rê một bạn học quay phim cùng hợp tác. Tôi may mắn được người thầy dạy bộ môn quay phim, NSND Trần Quốc Dũng tiếp sức. Và với “Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc”, tôi đã được tốt nghiệp loại giỏi trong chuyên ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình của mình. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn biết ơn thầy đã tin tưởng và tiếp sức cho tôi.

 Cảnh trong phim tài liệu "Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc". 

Tôi thấy làm phim tài liệu có một số điều kiện phù hợp với tôi. Thứ nhất, gọn nhẹ về khâu tổ chức. Thứ hai, kinh phí làm phim tài liệu thường thấp hơn so với phim truyện. Thứ ba, tôi có thể làm việc độc lập, ít bị chi phối bởi nhà sản xuất.

Trong nghệ thuật, tự do sáng tạo luôn được ưu tiên và là khát vọng đối với người nghệ sĩ. Tôi quan niệm giá trị của phim tài liệu là phải mang hơi thở của thời đại. Tôi yêu tính chân thực ở mọi góc độ mà cuộc sống đang diễn ra. Khi làm phim, tôi tự xem mình đóng vai trò vừa là chứng nhân, vừa là sứ giả. Qua tác phẩm, tôi có cơ hội kể lại những câu chuyện bằng góc nhìn của chính tôi. 

­­­­. Vì sao anh chọn phim tài liệu trong khi hiện nay, với việc nở rộ của dòng phim Việt trên truyền hình thì phim truyện sẽ ăn khách và có điều kiện làm việc hơn?

+ Tôi đã từng thử sức ở nhiều công việc khác nhau, về nội dung thì từ các vấn đề chính trị, khoa học, rồi miền núi, dân tộc đến những lĩnh vực chuyên biệt như giáo dục… tôi cũng đã kinh qua. Trụ lại ở mảng phim tài liệu, tôi nghĩ đó là cái duyên.

Tôi đam mê làm phim tài liệu từ lâu rồi. Thích lắm! Nhưng đúng là tôi phải đến với nó bằng một con đường vòng. Trước đây, thấy các đạo diễn và biên kịch phim tài liệu toàn là các bác, các chú, mà ai cũng “đầy mình” các giải thưởng và danh hiệu nên mình sợ, không dám tiếp cận. Giờ được làm phim rồi tôi cảm thấy tính tình, cách viết, cách suy nghĩ của mình phù hợp với phim tài liệu hơn cả.

Lý giải hiện thực qua các tầng bậc của quá khứ

. Gia tài phim tài liệu của anh cũng đã khá nhiều nhưng có vẻ như anh đang đi theo hướng “đặt hàng” hơn là phát hiện những đề tài từ cuộc sống?

+ “Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc", "Người Sài Gòn và cá cảnh", "Họa sĩ Trần Đạt - tốc họa", PTL “ Vang mãi bản hùng ca”… Năm vừa rồi tôi sản xuất khoảng bảy tập phim tài liệu. Hầu hết là bám sát các sự kiện và dấu mốc lịch sử như: Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP.HCM, NSƯT nhạc sĩ Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi, Cuộc gặp gỡ sau 48 năm

Trong các phim tôi thường chú ý nhiều đến tính nhân văn, tính xây dựng, cái chân thành của cảm xúc và sự chặt chẽ trong bố cục. Tôi cũng thường nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự đồng cảm của các nhà lý luận phê bình, các nhà báo và khán giả sau mỗi phim phát sóng. Tuy nhiên, thật sự tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi đang ấp ủ và hy vọng sẽ có những phim thật giá trị vào thời gian gần nhất.

 Đạo diễn Trần Quốc Sơn cùng hai nhân vật chính trong phim tài liệu "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" 

. Nhiều người cho rằng phim tài liệu truyền thống rất khô khan, khó hấp dẫn khán giả. Trước những đề tài lịch sử, truyền thống, anh đã chọn hướng tiếp cận như thế nào?

+ Mỗi sản phẩm truyền hình đều phải sáng tạo, tôi luôn tâm niệm điều này với bất cứ đề tài hay chương trình gì. Cái này càng đúng với phim tài liệu. Nếu xem nhiều, xem kỹ, khán giả sẽ thấy rõ mỗi tác giả có một phong cách và thủ pháp riêng. Tôi có thể học hỏi được nhiều cái hay, cái chuyên nghiệp của các bậc cha chú. Tuy nhiên, đã là người đi sau nếu tôi không tìm tòi, không tư duy, không mạnh dạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều tôi luôn đau đáu khi đặt bút viết kịch bản là phải khác. Khác người và khác cả chính mình.

Phim tài liệu luôn kể bằng hình ảnh những câu chuyện dài hơn những thể loại khác vì vậy sẽ có cơ hội đem đến cho người xem một cái nhìn đa diện và toàn diện hơn. Nếu như người ta hay ví von những người làm báo là những người viết sử đương đại thì làm phim tài liệu là người tái hiện lịch sử qua cách nhìn đương đại. Với tôi, cái hữu hiệu của phim tài liệu đó là “ôn cố tri tân”, lý giải hiện thực qua các tầng bậc của quá khứ.

. Làm phim tài liệu đề tài lịch sử, truyền thống khó hay, để được khán giả ghi nhận lại càng khó hơn rất nhiều. Cá nhân anh có suy nghĩ gì về những người làm phim tài liệu của TFS hiện nay?

+ TFS là hãng phim ghi dấu ấn trong lòng khán giả với thể loại ký sự, phim tài liệu nên mọi thứ đều có chuẩn mực và quy định rõ ràng. Các đạo diễn phim tài liệu của TFS đều hiểu một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là phải đảm đương các đề tài truyền thống, làm cho hay mảng phim lịch sử, truyền thống này cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng tôi.

Chúng tôi không thể mặc định đó là những đề tài khó hay để mà không tìm tòi kỹ lưỡng. Với những người trẻ như tôi thì càng phải cố gắng. Tôi tin nếu có thời gian và được ủng hộ, những phim tài liệu đề tài lịch sử,  truyền thống vẫn có thể hấp dẫn như thường.

"Trong thời gian du học ở Cộng hòa Pháp năm 2000, tôi nhận thấy ở các nước phương Tây, phim tài liệu được đa số khán giả quan tâm. Họ xem phim tài liệu như một món ăn tinh thần ưa thích. Họ thường có sẵn những kênh riêng để phát thể loại này song song với các kênh giải trí khác. Còn ở Việt Nam, không thể trách khán giả được khi họ ít quan tâm đến thể loại này. Nguyên nhân một phần do những người làm nghề, khả năng thu hồi vốn thấp dẫn đến lý do các nhà sản xuất ở Việt Nam ngần ngại đầu tư vào phim tài liệu." 
                                                                              Đạo diễn Trần Quốc Sơn 

Cuộc gặp gỡ sau 48 năm đoạt giải Vàng LHP truyền hình

Người thổi hồn cho phim tài liệu ảnh 3

Đạo diễn Trần Quốc Sơn (thứ ba từ phải qua) thay mặt ê-kip "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" nhận giải Vàng hạng mục Phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình Việt Nam lần thứ 35-2015 

Hình ảnh Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy quàng chiếc khăn rằn cho Thiếu tá Hoa Kỳ Charlie Plumb có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp và ý nghĩa nhất để mở đầu cho bộ phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”.

Phim do Trần Quốc Sơn làm đạo diễn vừa đạt Giải vàng hạng mục Phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình Việt Nam lần thứ 35 - 2015 tại tỉnh Quảng Bình.​“Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” kể về cuộc hội ngộ của hai người lính, họ đã từng chạm trán nhau trên bầu trời miền Bắc Việt Nam cách đây 48 năm. Trong lần đụng độ trên ​không một mất một còn đó, cả hai đều may mắn sống sót và bước ra khỏi cuộc chiến. Ít ai có thể ngờ được 48 năm sau, như một điều kỳ diệu, họ lại có cơ hội gặp nhau. Trong lần gặp này, ông Bảy đã trao đến người bạn Charlie Plumb chiếc khăn rằn - hình ảnh gắn liền với người dân Nam Bộ - chính là trao đi một tình bằng hữu mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm