Phim Việt trên TV: Dọn gì ăn nấy

Giải trí trên truyền hình ngoài các chương trình hài, truyền hình thực tế, gameshow… mảnh đất dành cho phim Việt trên truyền hình vẫn rất màu mỡ. Thế nhưng mảnh đất này đang được khai thác khá hời hợt, thiếu sự đầu tư chỉn chu.

Ưu ái cho hãng giỏi kiếm tiền

Thời gian qua, tương tự như sóng cho các chương trình giải trí trên truyền hình, sóng của nhà đài cho phim truyền hình cũng chỉ thuộc về vài hãng phim. Sở dĩ có sự ưu ái này bởi nhà đài cần quảng cáo. Nếu các chương trình giải trí khác quảng cáo đổ vào tính theo spot quảng cáo trong, trước và sau chương trình thì với phim truyền hình áp lực quảng cáo ngoài spot quảng cáo trước và sau mỗi tập phim thì ngay trong phim cũng cần quảng cáo. Vì thế hãng phim nào có khả năng chạy quảng cáo cho nhà đài, cho chính phim của mình thì dù làm phim chất lượng vừa vừa cũng được chấp nhận cho sóng… nguyên năm. Đó là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến việc phim truyền hình trên các đài truyền hình như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC quanh quẩn cũng chỉ của vài nhà sản xuất: Sóng Vàng, M&T Pictures, Vietcom, Lasta… và hai hãng phim sân sau của chính các đài: Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS), Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC).

Hiện tại phim truyền hình không còn cảnh phát giờ vàng để đẻ trứng vàng như nhiều năm trước. Khung giờ từ 20 đến 22 giờ 30 trước đây vốn dành cho phim truyền hình thì bây giờ có thể thấy khung giờ đó kín mít lịch các chương trình giải trí khác. Giờ vàng của phim truyền hình bây giờ là 13 giờ, sau 22 giờ và với khung giờ này tỉ lệ người xem truyền hình (rating) của phim cũng tụt dốc theo.

Thực tế, sản xuất phim truyền hình hiện tại rất khó để có lợi nhuận cao nên các nhà sản xuất phim một mặt phải kiếm tài trợ để lo cho việc xoay vòng vốn trước khi chờ nhà đài thanh toán kinh phí sản xuất phim; một mặt phải tìm kiếm những kịch bản hay để có thể có người xem.

Mặn hơn muối là bộ phim được lấy ý tưởng từ phim tài liệu truyền hình, từng đoạt giải hơn 10 năm trước. Ảnh: M&T Pictures

Các hãng phim nhìn nhau chọn đề tài

Có lẽ từ lý do cạnh tranh kiếm quảng cáo mà các nhà sản xuất cũng có phần nhìn nhau để chọn đề tài cho phim. Nên chủ đề phim được thực hiện theo từng đợt: Nửa đầu năm 2015 sóng truyền hình ngập tràn phim tâm lý xã hội với cùng môtíp mẹ chồng - nàng dâu, tình tay ba, các cuộc tình ngang trái như Bánh đúc có xương, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Làm dâu, Con dâu, Nhà chung, Khúc tương tư, Vẫn có em bên đời, Tình và lý… Đến nửa cuối năm 2015 thì hàng loạt phim có chủ đề giang hồ, ông trùm: Kẻ giấu mặt, Thề không gục ngã, Ông trùm, Con gái ông trùm, Câu hỏi số 5…, hoặc phim về các ngành nghề như làm muối, trồng nho, nuôi cừu: Mặn hơn muối, Chuyện tình rừng ngập mặn…

Nguồn kịch bản cho phim truyền hình đang rơi vào tình trạng cũ kỹ, sáo mòn. Ngay với hãng phim sản xuất chính phim cho HTV là M&T Pictures tỉ lệ kịch bản họ gửi cho đài là 10 kịch bản thì đài đã trả về lại cho họ tới tám kịch bản vì đề tài, câu chuyện kể quá cũ; chỉ còn hai kịch bản được chọn để làm phim.

Lý giải về những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Hãng phim M&T Pictures, chia sẻ: “Câu chuyện lớn nhất của phim truyền hình hiện tại là thiếu nguồn kịch bản. Có những nhà biên kịch cứng tay nhưng mỗi năm ra phim nhiều quá nên rất khó có ý tưởng mới. Chúng tôi chỉ cần một biên kịch đưa ra được từ một đến ba ý tưởng cho phim mỗi năm nhưng dường như bất khả”.

Thực tế, dù ngay cả tỉ lệ chỉ hai phim được chọn của mỗi hãng nhưng khán giả khi mở tivi xem phim truyền hình vẫn bị rơi vào tình cảnh đài cho món gì ăn món đó, kênh nào phim cũng tương tự nhau ở chủ đề phim, diễn viên…

YanTV, Yeah1 làm phim truyền hình thành công

Một thực tế khác đang xảy ra với phim truyền hình đó là nếu trên các kênh truyền thống của VTV, HTV phim nhàm chán thì với các kênh truyền hình dành cho giới trẻ như YanTV, Yeah1 lại khá thành công với những sêri phim sitcom.

Gây náo động thời gian qua trên truyền hình, các trang mạng phim trực tuyến lẫn các trang mạng xã hội là sêri Chiến dịch chống ế do YanTV sản xuất. Chiến dịch chống ế đã sản xuất hai mùa, chuẩn bị sản xuất mùa thứ ba và một phim điện ảnh từ sêri phim này.

Hiện sêri phim sitcom Phía Tây Thành phố của kênh Yeah1 về giới trẻ đô thị cũng đang gây chú ý như những phim từng là hiện tượng của Yeah1 trước đây: 5S Online, Tiệm bánh hoàng tử, Kim chi cà pháo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm