Người ‘thổi hồn’ vào những bức tranh quê

(PLO)- Ông Lê Văn Ổn thổi luồng gió mới cho những bức tranh quê hương Đồng Xâm, Thái Bình và không ngại chia sẻ kỹ thuật với mong muốn những bức tranh của làng quê được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối năm, căn nhà của gia đình ông Lê Văn Ổn (53 tuổi, ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) luôn ồn ào bởi tiếng máy mài, tiếng búa cao su đập thình thịch liên hồi vào mặt những lá đồng. Gần chục người thợ đang miệt mài làm ra những bức tranh với đủ loại, từ phong cảnh đồng quê cho tới chân dung, để kịp giao cho khách trước Tết Nguyên đán.

"Hơn một tháng nay, tôi và anh em thợ ngày nào cũng chỉ được ngủ vài tiếng. Càng về cuối năm, nhu cầu người chơi tranh lại càng nhiều, công việc không lúc nào ngớt tay" - ông Ổn nói.

Người con làng quê Đồng Xâm

Ông Lê Văn Ổn vốn là người con của làng Đồng Xâm (Thái Bình) - địa danh gắn liền với nghề chạm trên mặt kim loại. Tuy vậy, phải đến năm 2013 ông mới có thể nối nghiệp ông cha.

z5146004638641_503e3d5e4aac4f3a69d23aa94b40f04b.jpg
Ông Lê Văn Ổn "thổi hồn" vào những bức tranh quê làng Đồng Xâm. Ảnh: PHI HÙNG

“Khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, ngày nào tôi cũng xem chương trình thời sự. Nhìn thấy hàng người xếp hàng dài vào viếng Đại tướng, trong số đó có người cầm đóa hoa, người thì cầm tấm hình... tôi không khỏi xúc động, muốn làm gì đó để tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ đến Đại tướng.

Sau một đêm suy nghĩ, tôi nảy ra ý tưởng khắc họa chân dung Đại tướng bằng đồng. Song không phải là những hình khối như tượng mà bằng lá đồng" - ông Ổn nhớ lại.

Sau đó, ông đem ý tưởng đó kể với hai người thân của mình và đã được tán thành. Cả ba cùng bắt tay vào công việc.

Sau 3 ngày làm việc liên tục, những mảnh đồng cuối cùng về bức tranh chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trận Điện Biên Phủ có kích thước 78 x 88 cm hoàn thành. Ông Ổn cùng người thân nhanh chóng mang bức tranh lên số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để kịp viếng Đại tướng.

20200118_151242.jpg
Theo ông Ổn, để làm ra một bức tranh bằng đồng tạo vết xước đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu của người thợ. Ảnh: PHI HÙNG

"Đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đi, rất nhiều bạn bè, các bác cựu chiến binh lặn lội từ các vùng miền khác nhau tìm đến nhà tôi để động viên. Tôi không nghĩ tác phẩm của mình lại giành được nhiều tình cảm của nhiều người đến vậy. Từ đó tôi bỏ nghề mắt kính, chuyển hẳn sang nghề tranh cho đến giờ" - ông Ổn kể lại.

Không dừng lại, dịp 1 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông và cộng sự của mình đã vào huyện Lệ Thủy, Quảng Bình (quê hương của Đại tướng) để tặng bức tranh chân dung Đại tướng bằng đồng.

"Có như vậy tôi mới cảm thấy trọn nghĩa tình với Đại tướng. Đây cũng là một trong những bức tranh tôi cảm thấy ý nghĩa nhất" - ông Ổn chia sẻ.

"Thổi hồn" vào những bức tranh

Chia sẻ về việc làm tranh, ông Lê Văn Ổn cho biết nếu như chọn các chất liệu khác để làm tranh như giấy, sứ... theo thời gian có thể bị rách, bị vỡ, không bền. Ngược lại, tranh được làm từ chất liệu đồng hoàn toàn chiếm ưu thế, vì tính oxy hóa của đồng thấp, tồn tại lâu dài cùng thời gian.

Mặt khác, trên mặt các lớp đồng, nghệ nhân có thể tạo nên những vết xước, để làm cho những miếng đồng có thể phát sáng, mang vẻ đẹp đặc trưng, tự nhiên của chất liệu đồng.

FB_IMG_1515386117114.jpg
Các tác phẩm của ông Ổn rất đa dạng, được nhiều người đánh giá cao. Ảnh: PHI HÙNG

Cũng theo ông Ổn, để làm ra một bức tranh bằng đồng đòi hỏi rất tỉ mỉ, người chế tác những miếng đồng cũng phải hết sức tập trung chế tác đúng như bản thiết kế, chỉ cần một chi tiết hỏng là coi như toàn bộ bức tranh bị ảnh hưởng theo.

Nếu không đúng như tỉ lệ thiết kế, khi ghép những miếng đồng lại sẽ làm cho bức tranh bị méo mó, sai lệch hình ảnh. Đặc biệt là khuôn mặt, nếu ghép không chuẩn thì trông rất khó coi.

"Để tạo màu cho các bức tranh của mình, tôi đã sử dụng rơm rạ đốt lấy khói để hun cho đồng chuyển màu. Nghe thì đơn giản nhưng nếu nhiệt độ quá cao, hoặc quá thấp cũng không được, ít nhiệt mà nhiều khói cũng không xong, do vậy nó đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ" - ông Ổn tâm sự.

Việc ghép những mảnh đồng để tạo thành một bức tranh lớn là công đoạn tốn thời gian nhất do có quá nhiều chi tiết nhỏ, dễ gây rối mắt.

Screenshot 2024-02-10 142943.jpg
Mong ước lớn nhất của ông Lê Văn Ổn là bảo tồn, phát huy dòng tranh quê hương của ông cha để lại. Ảnh: PHI HÙNG

Công đoạn này đòi người thiết kế và người chế tác phải tập trung cao độ, cùng bàn bạc để làm sao khi tạo nên bức tranh phải đảm bảo được bố cục chặt chẽ, giống hệt như bản thiết kế, đồng thời cũng phải đảm bảo được tính thẩm mỹ cao...

"Thay vì phun sơn đen nền của những bức tranh, tôi đã mày mò, áp dụng kỹ thuật mới, tạo nền trắng bằng việc tạo vết xước cho dòng tranh truyền thống. Chính vì vậy, các sản phẩm tranh hiện tại luôn cho màu sắc tươi sáng, bắt mắt, ánh đồng lấp lánh, khác hẳn với màu trầm, tối của tranh làm theo cách làm truyền thống" - ông Ổn nói.

Cũng theo ông Ổn, nhiều người ở làng tranh Đồng Xâm thấy đây là một hướng phát triển mới cho làng nghề, họ đã học theo cách làm mới. Ông không ngại chia sẻ kỹ thuật do mình sáng tạo ra, với mong muốn những bức tranh của làng quê mình được quảng bá rộng rãi không chỉ trong mà ngoài nước đều biết đến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm