Người thuê trọ vay nợ, chủ nhà lãnh đủ

Đó là lo lắng, băn khoăn của nhiều chủ nhà trọ khi làm sổ tạm trú cho người thuê trọ tại buổi trao đổi với người lao động nhập cư và chủ nhà trọ về các vấn đề liên quan Luật Cư trú và tiếp cận các dịch vụ công tổ chức tại UBND phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 ngày 4-12. “Trước đây, tôi ký bảo lãnh làm sổ tạm trú cho người thuê trọ rồi họ vào công ty đăng ký lãnh hợp đồng làm công trình 100 triệu đồng, họ tạm ứng 60 triệu đồng nhưng làm công trình không hoàn thành rồi bỏ trốn luôn, báo hại công ty đó cứ mời tôi lên làm việc hoài. Trường hợp khác, tôi cho người thuê trọ làm sổ rồi gắn đồng hồ điện, máy lạnh để xài. Đến ngày đóng tiền điện, họ dọn đi mất làm bên điện lực chỉ biết đến đòi tôi. Từ đó trở đi, mặc dù có người đã ở bảy, tám năm rồi nhưng tôi không dám làm sổ tiếp cho họ nữa” - ông Nguyễn Minh Sơn, một chủ nhà trọ, dẫn chứng.


Ông Nguyễn Minh Sơn cho rằng rất ngại ký bảo lãnh làm sổ tạm trú cho người thuê trọ. Ảnh: H.LAN

Còn bà Thảo, một chủ nhà trọ khác, cho biết mấy tháng trước, người thuê trọ mượn sổ tạm trú rồi mua đồ trả góp với số tiền lớn. “Khi người này dọn đi thì công ty bán hàng trả góp liên tục gửi giấy đòi tiền về địa chỉ nhà tôi và thậm chí còn có giấy của tòa án gửi về thì tôi mới tá hỏa. Tôi lên công an phường khai báo người này không còn thuê trọ nữa và được hướng dẫn gửi giấy thông báo đến TAND quận 9 thì mới không còn rắc rối nữa” - bà Thảo nói.

Trao đổi với các chủ nhà trọ và người thuê trọ, Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Trưởng Công an phường Tăng Nhơn Phú A nhìn nhận chủ nhà trọ còn cân nhắc làm sổ tạm trú cho người thuê trọ vì sợ lý do họ lợi dụng sổ vào mục đích khác.

Về mặt quản lý của phía cơ quan công an, có sổ tạm trú hay không chỉ có khác biệt duy nhất là người có sổ tạm trú thì sẽ có điều kiện nhập  hộ khẩu vào thành phố nếu tạm trú hai năm trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi có quy định có sổ tạm trú mới được đi học, cấp đồng hồ điện, nước... Chính vì các quy định này mà người nhập cư muốn có sổ. Về nguyên tắc, cá nhân nào sai thì cá nhân đó chịu trách nhiệm. Chủ nhà trọ không nên lo lắng về việc mình sẽ bị liên lụy, nếu bị gây phiền hà thì mời họ lên công an phường giải quyết.

Buổi trao đổi nói trên do Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) tổ chức. Chương trình nằm trong dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người lao động đến từ các địa phương khác tại TP.HCM” do SDRC thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Oxfam từ tháng 5-2015. Dự án nhằm kết nối giữa chính quyền và người lao động, giúp họ hiểu quy trình đăng ký tạm trú, BHYT, quyền lợi, y tế giáo dục...; đưa ra giải pháp và đề xuất hướng giải quyết những vấn đề mà người lao động đến từ các địa phương khác cần hỗ trợ.

Hầu hết các chủ nhà trọ đều không thực hiện nghĩa vụ xóa đăng ký tạm trú khi người thuê trọ chuyển chỗ ở nên sẽ bị làm phiền dài dài. Trước đây, chúng tôi cũng không khắt khe về vấn đề này và tự rà soát để xóa đi nhưng qua năm 2016, chúng tôi sẽ có văn bản cụ thể yêu cầu chủ nhà trọ xóa đăng ký tạm trú để quản lý chặt hơn tình hình biến động, phức tạp trong lượng người đi, người đến. Nếu chủ nhà trọ không thực hiện thì sẽ bị xử lý. Việc thực hiện tốt quản lý nhân khẩu cũng là phòng ngừa đối tượng xấu trà trộn phạm tội, gây mất oan tài sản, tạo điều kiện cho cơ quan công an xác minh nhân thân đối tượng phạm tội dễ dàng hơn.

Thiếu tá NGUYỄN THỊ NGỌC THU,
Phó Trưởng Công an phường Tăng Nhơn Phú A

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm