Người tiêu dùng Việt ngày càng 'nghiện' thanh toán online

(PLO)- Theo số liệu thông kế, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần.

Nghiên cứu của Visa cho thấy Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của các hình thức thanh toán kỹ thuật số.

Trong công bố nghiên cứu mới nhất về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán.

Cụ thể, có tới 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Do tác động của đại dịch COVID-19, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần. Trong khi đó, 1/2 số người dùng Việt đã bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% và 63% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động và ví điện tử.

Trước đó, theo số liệu thống kê của NHNN cũng ghi nhận giao dịch thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh.

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm nay, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rông, bao phủ cả nước có hơn 20.000 ATM và hơn 347.000 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê ngành F&B qua nền tảng thanh toán Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là thẻ nội địa và thẻ quốc tế (chiếm khoảng 85%), thanh toán bằng mã QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) chia sẻ: “Do những giới hạn của đại dịch, người dân đã buộc phải sử dụng các phương thức thanh toán mới, dần dần trở nên yêu thích và hình thành một “thói quen số”.

Do đó, việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thanh toán số, thanh toán toàn diện không chỉ là bước “đi trước, đón đầu” nữa mà đã là yêu cầu cấp thiết để đa dạng hóa kênh bán hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng và vững vàng đón nhận các thách thức khác trong tương lai”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới