Người ứng cử ĐBQH và HĐND TP.HCM nộp hồ sơ trước ngày 14-3

Ngày 4-2, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là Ủy ban bầu cử) họp phiên thứ nhất.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân đã triển khai quyết định của UBND TP về thành lập Ủy ban bầu cử gồm 21 thành viên. Bà Nguyễn Thị Lệ được phân công làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử.

Phiên họp cũng triển khai Quyết định của Ủy ban bầu cử về thành lập sáu tiểu ban phục vụ bầu cử. Trong đó, tiểu ban tuyên truyền có 12 thành viên do Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê làm trưởng tiểu ban.

Còn tiểu ban nhân sự có 12 thành viên do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải làm trưởng tiểu ban. Tiểu ban tổ chức bầu cử có chín thành viên do Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân làm trưởng tiểu ban.

Tiểu ban bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có tám thành viên do Giám đốc Công an Lê Hồng Nam làm trưởng tiểu ban. Tiểu ban hậu cần có chín thành viên do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn làm trưởng tiểu ban. Tiểu ban hành chính – tổng hợp gồm bảy thành viên do trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Tăng Hữu Phong làm trưởng tiểu ban.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.HCM, cho biết cuộc bầu cử sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội trong cả nước, riêng TP.HCM sẽ bầu 30 đại biểu. Cùng đó, cử tri sẽ bầu ra 95 đại biểu HĐND TP.HCM.

Theo ông Hải, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TP không tổ chức HĐND quận và phường. Ở cấp huyện và xã, cử tri sẽ bầu HĐND TP Thủ Đức, HĐND năm huyện (bầu 35 đại biểu/huyện) và HĐND 63 xã, thị trấn (bầu 30 đại biểu/xã).

Ông Hải cho biết việc cấp bách hiện nay là khẩn trương tổ chức hiệp thương lần thứ nhất (dự kiến vào thứ ba, ngày 9-2). Đồng thời, tiếp nhận và xem xét hồ sơ người ứng cử. Người ứng cử cần nộp hồ sơ trước 17 giờ ngày 14-3.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, cho biết ngày bầu cử là ngày 23-5 và tính từ thời điểm này, chỉ còn 108 ngày để chuẩn bị. Bà yêu cầu các thành viên Ủy ban bầu cử sớm có kế hoạch theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác bầu cử.

Các tiểu ban phục vụ bầu cử cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi công việc được phân công; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm; đảm bảo tiến độ và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Đối với 16 quận, bà Lệ lưu ý, các quận không bầu cử HĐND quận và HĐND phường nhưng vẫn bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Do đó, các quận không thành lập Ủy ban bầu cử ở quận, phường và Ban bầu cử đại biểu HĐND quận, phường nhưng tại các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn quận, phường vẫn thành lập các Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử.

Ngoài ra, do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bà Lệ đề nghị phải có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian bầu cử.

Tại cuộc bầu cử lần này, trên toàn địa bàn TP.HCM có 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 32 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND (mỗi đơn vị bầu ra ba đại biểu, riêng một đơn vị tại huyện Hóc Môn bầu hai đại biểu).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm