3 nhiệm vụ trọng yếu TP.HCM tập trung trong năm 2021

Sáng 3-2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi gặp gỡ giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM với nhiều cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn.

Bảy điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận của TP.HCM trong năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với
các cán bộ cao cấp nghỉ hưu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Phong, năm 2020 TP gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội vẫn có bảy điểm sáng rõ nét.

Cụ thể là đã chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch; chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI. Trong phát triển kinh tế, kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận.

“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi so với các tỉnh, thành trong cả nước, kinh tế TP có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh nhất của dịch” - ông Phong nói và cho rằng mức tăng trưởng dương của TP đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP chung của cả nước, là một trong các quốc gia tăng trưởng cao trên thế giới.

Một trong những kết quả nổi bật khác là việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của TP trong việc kiên trì, đeo bám cũng như mạnh dạn đề xuất và được trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức. “Những kết quả đó thể hiện được sự chủ động, sáng tạo và tinh thần vượt khó của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân TP” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, những nguy cơ của dịch bệnh vẫn còn rất nguy hiểm, nhất là tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, về đợt dịch bệnh trong cộng đồng tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh hiện lan ra 10 tỉnh, thành trên cả nước, TP.HCM đã tổ chức tầm soát đối với các trường hợp từ các địa điểm dịch bệnh ở hai tỉnh nêu trên, cùng các địa điểm do Bộ Y tế công bố. Ông khẳng định TP sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch. Đồng thời, có các giải pháp kịp thời hỗ trợ nhằm ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ba nhiệm vụ trọng yếu

Về nhiệm vụ trong năm 2021, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ tập trung ưu tiên ba nhiệm vụ trọng yếu, tạo thế “kiềng ba chân” làm tiền đề phát triển TP.

Thứ nhất, TP quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu năm đối với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM. Trong nhóm công việc này, TP cũng tập trung triển khai 51 nội dung, chương trình đề án theo ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển TP.HCM.

1,39%

là mức tăng trưởng GRDP của TP năm 2020. Mức tăng trường này đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP chung của cả nước hơn 2,9% và đưa Việt Nam là một trong các quốc gia tăng trưởng cao trên thế giới.

Thứ hai, TP tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế TP.HCM. Trong đó, sẽ thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, TP sẽ xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Thành Phong, năm 2021 TP cũng sẽ tập trung xây dựng TP.HCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây sẽ là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác, thành phố anh hùng.

Về xây dựng Đảng, ông Phong cho biết TP sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, khóa 12) gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song song đó là nâng cao nhận thức và xác định trách nhiệm của cấp ủy, bí thư cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tập trung sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận chính quyền, bám sát thực tiễn địa phương, những vấn đề người dân quan tâm.

“TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, vì cả nước, cùng cả nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - ông Phong khẳng định.

 

Dịch COVID-19 tại TP.HCM chưa đến mức căng thẳng

Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị gặp gỡ giữa Ban Thường vụ Thành ủy với cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn vào sáng 3-2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói: Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM chưa đến mức căng thẳng. Hiện các hoạt động vẫn được duy trì, các sự kiện đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vẫn diễn ra theo kế hoạch.
“Đối với các hoạt động đón tết Nguyên đán như chợ hoa xuân, lễ hội tết hay các hoạt động vui chơi giải trí, khi tổ chức các sự kiện này, TP đã có chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, giảm quy mô khi cần thiết” - ông Phong nói.

Về vấn đề tổ chức các chốt, trạm kiểm dịch khi các tỉnh, thành lân cận đã có ca mắc COVID-19, ông Phong cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện tại của TP và các khu vực lân cận, biện pháp trên chưa thật sự cần thiết. “UBND TP và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến dịch để đưa ra các giải pháp phòng dịch phù hợp” - ông Phong chia sẻ.

Theo ông Phong, hiện đã cận kề tết, việc thành lập các chốt, trạm kiểm dịch là chưa phù hợp. TP.HCM sẽ tính toán và áp dụng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động vui xuân của người dân.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng ở thời điểm hiện tại, sự tự giác và ý thức của người dân là rất quan trọng đối với công tác phòng chống dịch. Trong đó, việc khai báo y tế kịp thời sẽ giúp công tác truy vết, điều tra dịch tễ diễn ra thuận lợi, hạn chế tới mức tối thiểu khả năng lây lan trong cộng đồng.

Về diễn biến dịch trên địa bàn TP.HCM, trong hôm nay, lực lượng chức năng và nhân viên y tế đã phong tỏa quán cà phê tại địa chỉ 211 Bùi Viện (quận 1) vì liên quan bệnh nhân 1883 mắc COVID-19.

Bệnh nhân này là nhân viên tại Văn phòng công chứng số 3 (số 6 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và có lịch trình di chuyển dày đặc.

Người này từng di chuyển vào TP.HCM từ 6 giờ 30 sáng 29-1 trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Đến 9-10 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân ngồi tại quán cà phê ở Bùi Viện và về nhà anh họ ở số 5/20 Trường Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm