Mới đây trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Anthony Tan, đồng sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Grab đã có đề xuất đáng chú ý nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ví điện tử là “ngôi sao mới nổi”
Theo đó, Grab muốn pháp luật cho phép mở tài khoản ví điện tử mà không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng; cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử.
Trước đó, Ngân hàng VPBank cho ra mắt Yolo ứng dụng ngân hàng số. Ngoài cơ chế hoạt động như các ứng dụng ngân hàng thông thường, Yolo có thể thanh toán nhiều loại dịch vụ và hóa đơn khác nhau, từ hóa đơn điện, nước, điện thoại, cho tới máy bay, truyền hình cáp, tích hợp thêm các tiện ích như gọi xe taxi, đặt món ăn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tư vấn sức khoẻ, mua bảo hiểm…
Tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường đã có khoảng hơn 30 công ty Fintech ở Việt Nam và 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán di động khi mà lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ.
Điều đó cho thấy tính tiện lợi của ví điện tử luôn là vấn đề được các doanh nghiệp đầu tư đặc biệt quan tâm.
Anh Phạm Tấn Vinh, khách hàng sử dụng ví điện tử, cho biết: Cứ nghe thấy có ví điện tử mới ra mắt là tôi phải tải ngay app về để xem có gì mới không, nhiều tiện ích không. Nhưng sau khi tải gần chục app ví điện tử về máy thì tôi thấy dịch vụ của ví điện tử nào cũng na ná như nhau, chủ yếu dùng để trả các loại tiền điện, nước, cước điện thoại, Internet, truyền hình cáp, mua thẻ cào...
Đây vốn là những loại hình dịch vụ mà khách hàng chỉ thanh toán 1 lần/tháng. Còn độ phủ về loại hình dịch vụ và điểm chấp nhận thanh toán thì hiện chưa có ví nào đủ “nhiệt” để tôi loại bỏ hình thức thanh toán truyền thống được.
“Nhiều khi sử dụng ví điện tử giống như chỉ để thể hiện rằng mình đang sống trong thời đại 4.0 nhiều hơn là việc cảm nhận hết tiện ích của ứng dụng nền công nghệ này mang lại”, anh Tấn Vinh nhận xét.
Đồng quan điểm, chị Thủy Anh cho biết: Trên thực tế các doanh nghiệp ví điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng không đồng bộ xét trên phương diện thanh toán. Chẳng hạn như ai muốn sử dụng thanh toán chạm kiểu Samsung pay thì phải sở hữu chiếc điện thoại Samsung tầm trung trở lên thì mới có chức năng này.
Chưa kể là khi nạp tiền vào ví điện tử từ tài khoản ngân hàng, người tiêu dùng có thể phải trả phí. Với tiện tích chưa xứng tầm thì rất khó để thu hút người tiêu dùng sẵn sàng trả phí và e dè trong việc sử dụng là điều dễ hiểu.
Giải pháp cho tình trạng “mỗi cây, mỗi hoa”?
Chia sẻ về mô hình thanh toán không tiếp xúc phát triển, ông Nguyễn Hữu Phúc, chuyên gia về thẻ cho biết: Bản thân các ngân hàng đã năng động hơn, biết cách đầu tư vào ứng dụng thanh toán ngân hàng giống như ví điện tử, nhiều ngân hàng cũng đáp ứng được các yêu cầu thanh toán tương tự như ví điên tử. Cho nên việc phát triển ví điện tử so với các dịch vụ thanh toán tại ngân hàng cũng khó khăn chứ không phải dễ dàng như trước đây.
Hiện nay các NH như Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, ACB cũng đã có ứng dụng mobile banking ngang với ứng dụng thanh toán của các ví điện tử rồi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngân hàng chưa đáp ứng được hết nhu cầu thanh toán của khách hàng thì ví điện tử ra đời để mở rộng mạng lưới kết nối dịch vụ tốt hơn.
Mặc dù ví điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, nhưng chưa có ví nào có hệ sinh thái đủ lớn để khách hàng dùng thay thế hoàn toàn hình thức thanh toán tiền mặt- Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Huy, chuyên gia tài chính cho biết: Ở Việt Nam có nhiều ví điện tử nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công vì nhiều lý do. Thứ nhất là cần phải hệ sinh thái lớn mạnh.
Mỗi ví điện tử hiện nay chỉ phát huy một vài thế mạnh riêng của mình chứ không tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ, ví điện tử vừa thanh toán trên ví, thanh toán tại điểm bán lẻ, các shop. Tức là dùng ví điện tử tiện như thanh toán tiền mặt chứ không phải chỉ là thanh toán những dịch vụ định kỳ hàng tháng như điện, nước, học phí,…
Hiện chưa có một ví điện tử nào dám khẳng định là có hệ sinh thái đầy đủ, đa dạng và phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.
Rào cản thứ hai là về vấn đề nạp tiền vào ví, hiện nạp tiền vào ví để chi tiêu chủ yếu là thông qua tài khoản ngân hàng. Mà số lượng người dùng có tài khoản ngân hàng chỉ có khoảng 30-35 triệu người, còn một lượng khách hàng tiềm năng là 70 triệu người không có tài khoản ngân hàng thì vẫn đang bỏ trống.
Do vậy, điểm nạp tiền ở đâu, thông qua phương thức nào vẫn đang là bài toán cần các chuyên gia thanh toán tìm ra lời giải đáp. Một trong những lời giải này hiện đang nằm ở phía NHNN là phải làm sao để các đơn vị có tiềm lực về mạng lưới, tài chính đầu tư vào bài toán ủy thác thanh toán, trở thành những điểm nối dài của ngân hàng và các trung gian thanh toán. Bởi nếu đi mỏi chân mà người tiêu dùng không tìm được điểm nạp tiền vào ví thì ví đó coi như “chết”.
Thứ ba là phí, nạp tiền càng khó thì phí càng cao. Nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví có thể phải trả phí lên đến 0,3 - 1% số tiền nạp vào. Như vậy vô hình trung, cứ nạp 1 triệu thì khách hàng mất 10.000 phí, 10 triệu thì mất 100.000.
“Như vậy, để 3 bên gồm doanh nghiệp ví điện tử - ngân hàng – đối tác bán lẻ đều hào hứng bắt tay nhau cần có một số biện pháp tương đối căn cơ. Thứ nhất phải giải quyết bài toán mở rộng điểm chấp nhận thanh toán. Bởi cần phải có doanh nghiệp đứng ra phát triển mảng chấp nhận thanh toán để ví điện tử có dùng chung hạ tầng.
Bên cạnh đó, tạo độ phủ về điểm nạp tiền phải đủ lớn để khách hàng dù không có tài khoản ngân hàng cũng dễ dàng nạp tiền. Ngoài ra, yếu tố xây dựng lòng tin với người tiêu dùng với dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử cũng vô cùng quan trọng”, ông Huy nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác cho rằng cần quản lý làm sao để bảo đảm an toàn, bảo mật cho người dùng cũng là vấn đề các doanh nghiệp thanh toán không tiếp xúc cũng phải lưu tâm.