Người Việt ở nước ngoài xử lý rác rất khác

Nếu trong nước câu chuyện về rác đang là bài toán nan giải, từ nhà quản lý đến người dân đều đau đầu thì ở nhiều nước, vấn đề này đã được giải quyết ổn thỏa từ lâu.

Người Việt Nam khi đến sinh sống, học tập ở những quốc gia tiên tiến mặc nhiên xem việc không xả rác, giữ vệ sinh môi trường là tất yếu. Họ đã làm điều đó như thế nào?

NGUYỆT PHẠM, du học sinh ở TP Nagoya, Nhật Bản:

Nghiêm ngặt và rất tỉ mỉ

NGUYỆT PHẠMdu học sinh

Khi mới đến Nagoya, tôi choáng ngợp trước một TP sạch tinh tươm hơn cả trong tưởng tượng. Ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân ở đây cao đến kinh ngạc.

Ở đây, những người già hưu trí sẽ là lực lượng thường xuyên ra đường quét dọn, không chỉ cho nhà họ mà có khi cho cả khu phố. Các con đường gần như không có lấy một cọng rác.

Một trụ bỏ rác công cộng ở Nhật luôn có 3-4 thùng để phân ra từng loại rác. Chúng được bố trí ở khắp nơi và có hướng dẫn vô cùng chi tiết. Việc phân loại kỹ lưỡng đến mức vỏ chai nhựa và bao bì của chai phải bỏ riêng; rác thực phẩm cũng phải chia ra, dầu ăn thừa không được bỏ chung bọc mà phải đổ vào chai, mang đến siêu thị vì ở đây mới có hệ thống thu gom. Rác cồng kềnh như bàn ghế, nệm… người dân phải tự chở đến nơi thu gom hoặc gọi người đến gom và phải trả tiền.

Nếu phân loại rác không đúng thì không những rác nhà bạn không được thu gom mà sẽ bị lực lượng chức năng gọi điện thoại báo cho chủ nhà. Chủ nhà sẽ báo đến nhà trường, công ty bạn để phản ánh và tới lượt bạn bị thầy cô hoặc sếp gọi lên nhắc nhở.

Thời gian thu gom rác cũng quy định rất chặt. Ví dụ, một tuần hai lần vào thứ Hai và thứ Năm, chỉ cần bạn trễ một phút là sẽ bị bỏ qua. Vì sợ bao rác của mình bốc mùi mà có lần tôi lại phải mang rác ngược vào trong nhà.

Khi ra phố, nếu bạn xả rác mà để cảnh sát hoặc nhân viên đường phố nhìn thấy thì chắc chắn sẽ bị gọi lại nhắc nhở, yêu cầu bạn phải mang rác về nhà. Ở Việt Nam là mình mang rác ra đường vứt nhưng ở Nhật, bạn sẽ phải đem rác về nhà nếu không tìm thấy điểm bỏ phù hợp cho loại rác bạn đang cầm trên tay. Ở đất nước này, vứt rác ra đường là một nỗi xấu hổ lớn.

Thùng rác phân loại tại các nhà ga, siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

DƯƠNG THỊ HÀ LINH, làm việc tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore:

Chế tài rất nặng

DƯƠNG THỊ HÀ LINH

Chính phủ Singapore cực kỳ quan tâm đến việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Con gái tôi bốn tuổi đã được dạy về phân loại rác. Ở các cấp học tiếp theo thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền giữ TP xanh, sạch, đẹp.

Ở đây, chế tài cho lỗi xả rác là rất nặng. Lần đầu vi phạm mức phạt khoảng 2.000 đô Singapore (tương đương 32-34 triệu đồng), lần thứ hai là tăng lên 4.000 đô và lần thứ ba trở đi có thể lên tới 10.000 đô.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt lao động công ích như nhặt rác, dọn vệ sinh công cộng trong 12 tiếng. Khi làm việc này họ phải mặc đồng phục màu vàng để người qua đường biết người đó bị phạt vì hành vi xả rác. Người vi phạm sẽ xấu hổ, không dám tái phạm.

Trước đây, dù nước bạn còn nhiều khó khăn nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cứng rắn áp dụng mức phạt rất cao đối với hành vi xả rác. Có lẽ phải mất cả thế hệ rèn giũa thì người dân Singapore mới có được nề nếp và ý thức giữ vệ sinh chung như bây giờ.

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN, định cư tại TP Marseille, Cộng hòa Pháp:

Giáo dục ý thức bảo vệ chính mình

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Không chỉ riêng TP Marseille mà trên toàn nước Pháp nơi nào cũng rất sạch sẽ, không có rác rơi vãi.

Ở Pháp, việc phân loại rác cũng được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ, từ hộ gia đình đến những nơi công cộng. Nếu không phân loại rác sẽ bị phạt rất nặng.

Thùng rác thì được đặt ở khắp nơi từ nhà ga, bãi xe, siêu thị… để thuận tiện nhất cho người dân. Việc giữ gìn vệ sinh và không vứt rác ra nơi công cộng được xem là đương nhiên trong ý thức của từng người dân.

Được giáo dục từ nhỏ và chứng kiến xung quanh mình không có ai xả rác bừa bãi, mỗi đứa trẻ ở đây đều lớn lên với nếp sống như vậy. Ai cũng biết bảo vệ môi trường như bảo vệ hơi thở của chính mình, vì thế việc ném rác ra đường hoặc để rác không đúng nơi quy định là vô cùng hiếm hoi.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các quận/huyện đăng ký 1-2 điểm thường xuyên bị ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn để tổ chức ra quân xử lý dứt điểm việc xả rác, gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi quận/huyện sẽ chọn một phường/xã để tổ chức ký kết với người dân về phương thức thu gom rác, xây dựng đội xung kích tại mỗi phường/xã để thu gom rác của các hộ dân bỏ rác sai giờ quy định và đề xuất xử lý các trường hợp này.

TP.HCM hiện có gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, riêng người dân xả rác ra môi trường là hơn 2.300 tấn/ngày. Mỗi năm TP chi gần 4.000 tỉ đồng để xử lý rác, trong đó có 700 tỉ đồng để vớt rác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm