Tại Baalbek – TP có nhiều tàn tích La Mã cổ đại ở miền đông Lebanon, một trạm xăng đơn độc nép mình bên vệ đường. Đây là nơi hiếm hoi người ta có thể nhìn thấy cuộc sống sinh hoạt của người dân khu vực này khi xung quanh đó vô cùng vắng vẻ do xung đột.
Từ khi mở cửa đến khoảng 9 giờ sáng, dòng xe liên tục đi đến trạm xăng. Chủ trạm xăng là ông Ali Jawad. Ông vẫy tay chào từng người một. Họ là hàng xóm, bác sĩ, nhân viên cứu hộ, là một trong số ít những người ở lại khu vực này trong khi nhiều người khác đã dọn đi do các cuộc không kích của Israel.
Trong lúc đổ xăng, ông và các vị khách cũng hỏi thăm nhau về tình hình chiến sự, về việc có bao nhiều người bị thương, bao nhiều tòa nhà bị phá hủy. Trong lúc bơm nhiên liệu, ông Jawad cũng nhận được cuộc gọi từ những người đã rời đi. Họ hỏi xem nhà của họ có còn nguyên vẹn sau đợt không kích vừa qua không.
"Tôi sẽ không bao giờ rời đi. Nhiệm vụ của tôi là ở lại, để giúp đỡ mọi người ở đây" – ông nói.
Trung tâm thông tin của cả khu vực
Trạm xăng của ông Jawad là trạm xăng cuối cùng vẫn còn mở ở ngoại ô Baalbek – một trong những vùng chiến sự ở Lebanon. Hầu hết người dân nơi đây gần như đã sơ tán do các cuộc không kích từ phía Israel.
Đối với những người ở lại, trạm xăng đã trở thành một nơi vô cùng cần thiết. Giờ đây, trạm xăng này trở thành nơi tụ họp mọi người, một trung tâm cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi xung đột ngày càng leo thang.
Chỉ còn khoảng vài trăm người ở lại Baalbek. Đây cũng chính là những khách hàng chính của ông Jawad. Trạm xăng của ông cũng là nơi cung cấp nhiên liệu cho máy xúc của lực lượng cứu hộ đang đào bới các đống đổ nát và xe cứu thương chở người bị thương đến bệnh viện. Trạm xăng cũng cung cấp năng lượng cho máy phát điện để duy trì đèn sáng trong bệnh viện, giúp tiệm bánh mì cuối cùng trong khu vực tiếp tục mở cửa và vận hành máy phát điện để giúp tiệm tạp hóa bên cạnh sử dụng tủ lạnh.
Ông Jawad cũng đóng vai trò là đầu mối cập nhật tình hình ở Baalbek. Hầu như tất cả tài xế đều chia sẻ tin tức về khói của các cuộc không kích mà họ thấy khi chạy trên đường. Điện thoại của ông liên tục đổ chuông do các cuộc gọi từ những người hàng xóm vì họ muốn biết tình hình xung đột ra sao.
“Anh có thấy cuộc không kích hôm qua không? Cuộc không kích ở lối vào Baalbek ấy” – ông Jawad hỏi một tài xế khi anh ta dừng xe ở trạm xăng.
“Không, tôi không thấy. Khi ấy, tôi đang ở với họ hàng ở Tripoli (bắc Lebanon)” – người tài xế nói.
Vài phút sau, ông Jawad nhấc máy và gọi cho ai đó: “Anh có nghe tin họ tấn công Bednayel sáng nay không? Vâng, cách đây 15 km”.
Giữ điện thoại giữa vai và tai, ông vẫy một chiếc xe khác đến máy bơm xăng.
Trên xe là ông Khalid Zayim. Ông là thành viên lực lượng phòng vệ dân sự và là nhân viên y tế. Ông bước ra khỏi xe và thở dài. Những vết bẩn và bụi bám đầy bộ đồ liền quần màu xám của ông.
“Thật là một thảm họa. Mọi thứ đều thiếu thốn” – ông Zayim nói với ông Jawad.
Ông Zayim cho biết trong tuần qua, 5 trong số 15 thành viên trong nhóm của ông đã bị ốm vì hít phải khói và các chất độc khác tại hiện trường các vụ không kích. Một số nhân viên phải dùng tay đào bới đống đổ nát trong nhiều giờ liền để tìm những người bị chôn vùi bên dưới, do thiếu máy xúc hỗ trợ.
Động lực để ở lại
Ngay cả trước khi Israel đẩy mạnh không kích vào một số khu vực của Lebanon, nhiều người trên khắp nước này phải dựa vào các mạng lưới hỗ trợ xã hội không chính thức để được đáp ứng các dịch vụ cơ bản.
Trong khi đó, cộng đồng người Hồi giáo Shiite của Lebanon phụ thuộc vào mạng lưới an sinh xã hội do Hezbollah cung cấp. Nhóm này có mạng lưới phúc lợi của riêng họ gồm các bệnh viện, trường học và chương trình dành cho thanh thiếu niên. Mặc dù Hezbollah không đầu tư nhiều vào miền đông Lebanon, nhưng một số dịch vụ mà họ cung cấp đã giúp duy trì sự sống của nhiều người dân của khu vực này.
Tuy nhiên, giờ đây, khi Hezbollah bị cuốn vào xung đột, sự hỗ trợ đó cũng đã phần lớn biến mất.
“Hezbollah giờ đây không giúp gì. Chúng tôi từng thấy họ lái xe qua lại, nhưng giờ chúng tôi thậm chí không nhìn thấy họ nữa. Họ đang ẩn náu vì máy bay không người lái và các cuộc không kích" – ông Jawad nói.
Việc người dân nơi đây không nhận được các khoản hỗ trợ là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ông Jawad ở lại. Quyết định này làm ông tự hào vì giúp được nhiều người nhưng cũng khiến ông đối mặt nguy hiểm.
Vào cuối tháng 9, ông cho biết một cuộc không kích của Israel đã phá hủy một tòa nhà phía sau trạm xăng của ông, làm vỡ cửa sổ văn phòng của ông và khiến những mảnh kim loại nóng rực bay vào trạm xăng. Một mảnh kim loại đã sượt qua tay cậu con trai 24 tuổi của ông và làm cậu ấy hét lên đau đớn.
Ngày hôm sau, con trai và hai cô con gái của ông Jawad di chuyển đến ngôi nhà của họ ở Batroun (bắc Lebanon) để trốn không kích. Vợ ông cũng đề nghị ông rời đi cùng các con nhưng ông không đồng ý.
“Bà ấy không hiểu điều đó theo quan điểm của tôi. Vấn đề không phải là tiền bạc, mà là việc đưa ra lập trường: Hoặc là bạn giúp đỡ mọi người hoặc là không” – ông nói.