Nguyễn Ánh 9: "Tôi có phước với đàn bà"

Nguyễn Ánh 9: "Tôi có phước với đàn bà" ảnh 1
Mong ước cả đời của Nguyễn Ánh 9 là đem âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Ông bảo, cây đàn như người mình yêu, lúc nào cũng phải nâng niu nó.

Từ đại công tử thành chàng nhạc công nghèo

Nguyễn Ánh kể rằng, cả đời ông, nghề kiếm tiền duy nhất là chơi đàn. Bị cha đuổi ra khỏi nhà cũng vì mê đàn. Nguyễn Ánh bảo, ông không phải là công tử, phải gọi là đại công tử mới đúng. Ngày đó, nhà nào có điều kiện cho con theo tây học, ở nội trú là ghê gớm lắm. Ông đang học Toán đại cương, đùng một cái đòi nghỉ để theo đàn. Bị cha phản đối quyết liệt nhưng cậu thanh niên bồng bột quyết chí làm theo ý mình.

“Năm ấy, tôi mới 18 tuổi. Người phương Tây rời khỏi nhà năm 18 tuổi là chuyện thường nhưng với người Việt Nam mình thì kinh khủng lắm. Một người bạn tôi may mắn nhận học bổng trường nhạc ở La Mã (Rome), bao nhiêu chỗ làm anh ấy để lại cho tôi. Tôi tự tập mỗi ngày một chút, cứ thế mà tiến lên thôi. Tôi muốn chứng minh cho cha biết, nghề tôi không phải nghề xướng ca vô loài” - Nguyễn Ánh rưng rưng nhớ lại.

Cha khắc nghiệt nhưng mẹ ông cũng như bao phụ nữ khác, rất thương con. Bà là người giấu chồng tài trợ tiền cho Nguyễn Ánh. Khi ông lấy vợ - lại là một vũ công, Nguyễn Ánh bảo mẹ, con sẽ chứng minh cho cha thấy, nghệ sĩ không như những gì người ta đồn đại.

Ngày cưới, không có tiền nhưng Nguyễn Ánh kể, ông cũng làm đàng hoàng nghi lễ không kém gì ai. Ban nhạc ông tham gia khi ấy là Phi Luật Tân tình nguyện chơi không lấy tiền, hai ông chủ phòng trà ông làm việc cho mượn địa điểm và tài trợ mỗi người 20 nghìn đồng. Ông chỉ cần bỏ thêm 20 nghìn nữa, tiền mừng của bạn bè thì nhiều hơn số đó - thế là ông lời. Nhưng một chàng nhạc công nghèo lại đa mang nên cuộc sống là những tháng ngày chật vật. Nguyễn Ánh bảo, cả đời ông ân hận hai điều. Nỗi đau thứ nhất là khi mẹ mất, ông không lo được vì đang bôn ba kiếm tiền ở ở Campuchia. Lúc đó Sài Gòn làm ăn khó quá, tiền trả cho nhạc công rẻ như bèo, ông phải tha phương cầu thực, chưa kiếm được tiền nuôi mẹ thì mẹ không còn. Sau đó một năm, cha ông cũng qua đời. “Mở tủ của ba ra, tôi thấy toàn bộ những bài hát của tôi được cất cẩn thận. Thành ra, không phải ba ghét tôi. Ba muốn tôi theo một nghề nào như luật sư, bác sĩ để có thể sống vững. Khi tôi có con, tôi cũng như ba mình, muốn nó học nhưng nó cũng bỏ học theo đàn” - Nguyễn Ánh trầm ngâm.

Nguyễn Ánh 9: "Tôi có phước với đàn bà" ảnh 2
Nguyễn Ánh và vợ trong ngày cưới.

Hai người đàn bà trong cuộc đời Nguyễn Ánh

Người ta nói nghệ danh Nguyễn Ánh 9 của ông là do người yêu đầu tiên đặt nhưng ông lại cho biết, đó là sự nhầm lẫn. Ông thêm số 9 vào tên mình trước hết vì đó là ngày cưới của ông. Bản thân ông thích số học, con số 9 lại trùng với số chữ cái trong tên ông. “Cũng không ai có tên bằng số, nên khi tôi đi 'tiếp thị' - người ta bị ấn tượng liền” - Nguyễn Ánh cười đầy hóm hỉnh.

Với người phụ nữ thứ nhất, Nguyễn Ánh băn khoăn không biết có nên gợi đó là tình đầu hay không. Hai người trẻ tuổi, chung sở thích, quấn quýt với nhau suốt hồi đi học - quãng thời gian đẹp nhất đời người, trước khi ra đời, thả mình vào dòng bon chen danh lợi. Sau những chia cách, người cũ theo gia đình sang Pháp, Nguyễn Ánh ở lại tìm niềm vui bên người mới. Cứ ngỡ mọi chuyện đã chấm dứt, mấy năm sau khi gặp lại, ông mới hay, người xưa vẫn chờ mình. Không thể dối lòng mình không dậy sóng nhưng chàng nghệ sĩ đa tình tự hỏi lòng: “Tìm về lại để làm chi? Mình vì gia đình mới mà bỏ gia đình cũ sao? Cái đó đâu có được. Thà mình dang dở nhưng giữ kỷ niệm đẹp còn hơn khi lấy nhau về, những tính hư tật xấu lòi ra, hai người mất cả hình tượng trong nhau”. Ông bảo, có lẽ định mệnh đã sắp sẵn - chẳng nên hờn trách làm gì.

Vợ ông cũng biết, ông vẫn còn tình nào đó với người cũ nhưng không bao giờ trách giận. Bà tự biết mình là người tới sau, nếu ông chạy theo người cũ, bỏ bê gia đình, bà mới có lý do để oán ông. Hai người đã có 46 năm chung sống, lúc nào cũng tương kính như tân. Ông bảo, với bà, ông không còn gì chê trách. Bà là mẹ, là chị, là vợ, là người tình, và hơn thế, là một người đàn bà sâu sắc. Nhiều bài hát của ông, bà chỉnh lại ông cũng phải phục. Lặng lẽ tiếng dương cầm, trong bản thảo đầu tiên, ông viết: “Giờ đây, một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu tôi đã quên”. Bà bảo: "Anh viết chữ “tôi đã quên" dở lắm, hèn hạ lắm, nhục lắm”. Bà sửa lại thành “một tình yêu đâu dễ quên”. Kể về vợ, ông run run rút ví ra, mở hình cưới hai người, khoe: “Tôi gặp cô ấy khi học nhảy tiết hài - anh trai cô ấy là vũ sư rất nổi tiếng. Lúc đó, cô ấy 20 tuổi, xinh lắm. Trước nhà cô có tiệm pizza, tôi tối ngày đến đó chơi nhạc, kiếm cớ ngắm cô ấy đi ra đi vào, rồi kiếm cớ vào nhà gặp anh cô xin bài múa. Cô ấy thấy một anh nhạc công nho nhỏ, đẹp trai nên cũng xuôi lòng”.

Từ sau khi cưới, vợ ông chẳng mấy khi ra khỏi nhà, chỉ chuyên tâm vào việc chăm sóc chồng con. Bà không bao giờ tới những chỗ ông làm, dù ông năn nỉ cách mấy. Bà bảo, khi chồng mình đàn, mình ngồi chơi nhìn kỳ lắm. Cả đời bà tằn tiện, có thể nhịn đói mua cho con cái áo đàng hoàng để đi chơi đàn. Ông làm bao nhiêu cũng đưa vợ hết, tiền quán xá café là chút rớt lại từ tiền bản quyền tác giả. Suốt 46 năm, ông luôn nhường nhịn, tôn trọng vợ, mỗi khi bà có gì không hài lòng, ông không cãi lại mà chọn cách bỏ ra ngoài, chờ khi bà bình tĩnh thì quay về cắt nghĩa. Ông bảo, ông luôn cố gắng tránh cho bà khỏi những tổn thương. “Tính tôi hay cà rỡn, ai tôi cũng nói là yêu nhưng là nói để đó thôi. Tôi không có thì giờ lo cho mấy chuyện phong tình, tôi còn không có thì giờ sáng tác, tập đàn. 46 năm, tôi tự hào là một nhạc sĩ không mang tai mang tiếng” - Nguyễn Ánh cười cười. 46 năm - năm nào ông cũng có món quà tặng vợ nhân ngày cưới, không ít thì nhiều. Năm 1991, không có tiền, ông viết bài hát Chuyện chúng mình, miêu tả đời mình lênh đênh như con thuyền, bỏ bến ở đó đi chơi nhưng ra ngoài bị sóng gió vùi dập tơi bời lại quay về bến, rồi nhờ phòng thu của con, thu vào băng cát-xét mang về tặng vợ. Vợ ông nói, đó là món quà quý nhất mà bà từng nhận được.

Vừa khoe về vợ, Nguyễn Ánh vừa tủm tỉm cười. Sau bức ảnh cưới hồi trẻ, ông cao hứng rút chiếc Iphone 4 mới cứng, khoe hình vợ bây giờ. “Bà ấy đấy, tôi chụp hôm đi Hạ Long” - ông hãnh diện.

Nguyễn Ánh 9: "Tôi có phước với đàn bà" ảnh 3
Nguyễn Ánh 9 khoe hình ông chụp vợ bằng điện thoại.

Khánh Ly - trên tình yêu là tri kỷ

Nguyễn Ánh 9 và Đoàn Chuẩn có nhiều điểm tương đồng, đều xuất thân là công tử, trong cuộc đời viết không nhiều ca khúc nhưng bài nào cũng nổi tiếng. Điểm khác nhau lớn nhất là Đoàn Chuẩn rất phong tình còn Nguyễn Ánh thì chung thủy. Đoàn Chuẩn mỗi khi rung động bởi một bóng hồng lại viết một vài sáng tác gửi tặng người con gái đó, còn Nguyễn Ánh, hầu như sáng tác cả đời ông (trừ Cô đơn, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài) đều phảng phất bóng dáng người con gái đầu tiên.

Ông viết Cô đơn từ tâm trạng của mình, sau đó vẫn thấy chưa đủ nên viết tiếp Bơ vơ. Sau Bơ bơ vẫn thấy thiêu thiếu gì đó nên viết Tiếng hát lạc loài. Trong câu kết bài Cô đơn có đoạn: “cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài” - cô đơn là cho Nguyễn Ánh, bơ vơ là chung cho hai người, còn tiếng hát lạc loài là dành Khánh Ly. Kể lại chuyện xưa, Nguyễn Ánh bảo, ông và Khánh Ly gọi nhau là tao - mày. Khi Khánh Ly gặp Nguyễn Ánh tại phòng trà Anh Vũ, ông chuẩn bị lấy vợ. Tính Khánh Ly như đàn ông, hút thuốc lá một cây, không có nét gì ra đàn bà con gái, nhưng được cái tốt. Người ca sĩ và nhạc sĩ quý nhau ở chỗ họ như cặp bài trùng. Người ca sĩ hát hay làm người nhạc công đàn tốt, ngược lại, khi nhạc công cao hứng, tiếng đàn của họ cũng góp phần chắp cánh cho ca sĩ. Một giọng hát có thể nhiều nhạc công đệm hoặc một nhạc công có thể đệm cho nhiều ca sĩ, nhưng để tìm ra hai người ăn ý thì không dễ. Nếu một trong hai người đó mất nhau thì sự cô đơn sẽ rất lớn. “Khi tôi viết bài Cô đơn, người ngoài hiểu đó là cô đơn trong tình yêu, người trong nghề hiểu đó là sự cô đơn trong nghề nghiệp, khi không còn người chia sẻ với mình. Anh em sống gần nhau, có thể có những tình cảm trên mức bình thường một chút nhưng nhìn nhau là đủ rồi. Sau mấy chục năm gặp lại, cũng chỉ cần cầm tay là có thể hiểu hết những gì muốn nói. Những cái trên tình yêu đã trở thành tri kỷ” - Nguyễn Ánh rưng rưng.

Người đầu tiên đưa đẩy Nguyễn Ánh đến sáng tác chính là Khánh Ly. Năm 1970, phía Nhật mời Nguyễn Ánh - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly sang biểu diễn. Trịnh Công Sơn vì trục trặc giấy tờ quân dịch không thể đi. Sang đó, Ban tổ chức yêu cầu, Nguyễn Ánh không được dùng piano mà phải dùng guitar cho đúng kiểu nhạc Trịnh. Rồi nhân lần Khánh Ly hỏi về mối quan hệ với người cũ, ông mới cao hứng ôm đàn mà hát: “Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa” - nhờ thế mà nhạc phẩm nổi tiếng Không đã ra đời.

Nguyễn Ánh vẫn nhớ như in, ngày 18/8/1970 - khi đi hát xong ở Tokyo, ông bắt Khánh Ly phải về Sài Gòn bằng được dù Khánh Ly còn muốn ở Nhật chơi. Khánh Ly rất tức về đến nơi mới biết, đó là ngày sinh nhật vợ Nguyễn Ánh. Sau lần đó về, Khánh Ly làm đám cưới với chồng thứ hai. Trong lễ cưới, Khánh Ly chẳng ngần ngại lại trêu vợ Nguyễn Ánh rằng: “Nói cho bà hay, đáng nhẽ chỗ đứng cạnh ông ấy không phải là bà đâu”.

Nguyễn Ánh tự nhận mình là người có phước - vì toàn gặp những người đàn bà tốt. Ở tuổi 73, sức khỏe ông khá tốt, chỉ có tim hơi yếu. Ông đùa bảo, dường như những người sáng tác, xúc cảm nhiều nên hay đau tim lắm.

Theo Ngọc Trần (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm