Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ được người đọc Thụy Điển nói riêng và phương Tây tiếp nhận như thế nào? Có rào cản văn hóa nào cản trở sự tiếp nhận đó không?
- Tôi không biết. Trở ngại của tôi là không thể giao tiếp với người bản xứ. Tuy nhiên tôi nghĩ người phương Tây sẽ không cách gì cảm nhận cuốn sách của tôi đúng như những gì tôi nghĩ. Cái đó đến từ sự khác biệt sâu sắc giữa một đứa trẻ phương Đông và một đứa trẻ phương Tây, giữa một tâm hồn quê mùa như tôi và một không gian ngăn nắp khoa học như họ, cả hai không cách gì hiểu nhau được.
Ngay cả mùi hoa trong công viên Thụy Điển, tôi đã thấy khác rồi. Khi rời khỏi Việt Nam tôi càng nhận ra thế giới là một cái gì đó sai biệt, càng đi xa càng sai biệt nhiều. Món ăn khác, ngôn ngữ khác, hành vi khác, cách hút thuốc, cách cầm muỗng nĩa khác…
Cuốn sách của tôi vì thế nếu đến được với người phương Tây thì có lẽ chỉ có thể chia sẻ với nhau một vài điểm chung, ví dụ như: tình yêu, sự tha thứ, cách một đứa trẻ cần phải biết yêu thân thể mình, vân vân. Đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam, nếu tôi không lầm, đề cập đến cái chết một cách không khoan nhượng cho trẻ con đọc. Thậm chí trong lần in đầu, người ta phải đề nghị tôi thay đổi cái kết cho nó nhẹ nhàng đi.
Bạn có tin rằng việc cuốn sách được trao giải thưởng Peter Pan là bằng chứng cho thấy tác phẩm đạt tới “giá trị phổ quát” như một số người hay nói? Liệu có phải nếu văn học Việt Nam có được một giá trị phổ quát nào đó thì sẽ dễ dàng tiếp cận người đọc trên thế giới hơn? Nếu có, cái giá trị phổ quát đó là gì? Nó giống và khác thế nào với cái gọi là bản sắc Việt Nam?
|
Nguyễn Ngọc Thuần: Cái phổ quát là cái ít giá trị nhất |
- Với tôi, cái phổ quát là cái ít giá trị nhất, chỉ là cái đến sau. Ví dụ, nếu làm giám khảo của một cuộc thi nào đó, tôi sẽ chọn tác phẩm nào có sự khác biệt cao nhất để trao giải. Một cuốn sách hay phải là một cuốn sách khác biệt trước đã, sau đó nó sẽ tự khắc trở thành phổ quát. Văn học Việt Nam, theo tôi nghĩ, nó phải khác biệt hơn, cá nhân hơn, nó không thể giống nước này nước nọ để rồi mong nó len ra nước ngoài.
Không ai thích đọc cái mình đã đọc rồi. Phương Tây sẽ không dại gì đọc lại chính họ một lần nữa. Nó phải là một cái gì đó khác. Theo tôi được biết thì ở nước ngoài Nguyễn Huy Thiệp là người được người ta đọc nhiều. Điều đó có nghĩa là, Nguyễn Huy Thiệp đã cho họ cái mà họ không có.
Tôi rất ngại chạm vào những từ như “bản sắc Việt Nam” vì nó có vẻ trầm trọng quá. Mọi thứ không gì khác hơn là một giá trị. Hãy tạo ra một giá trị, điều đó cởi trói cho nhà văn về mặt ngôn từ hơn là bảo họ hãy tạo ra một bản sắc. Tôi thích nghĩ về văn chương đương đại như một cái gì tương tự như là sự phát hiện.
Riêng về cuốn sách của tôi, nó được dịch ra tiếng nước ngoài, được nước ngoài trao giải thưởng, đôi khi không phải vì nó phổ quát hay không phổ quát, có bản sắc hay không bản sắc, nhiều khi nó đơn giản hơn nhiều, một cơ may chẳng hạn. Tôi không mơ màng về những chuyện như vậy.
Được biết bạn không có ý định tiếp tục viết văn cho thiếu nhi nữa. Có phải bạn cũng nghĩ như nhiều nhà văn khác rằng chỉ những tác phẩm “cho người lớn” mới là cái chính yếu định danh một nhà văn? Tại sao?
- Tôi rất thích được là một phần như anh Nguyễn Nhật Ánh, viết thật bền bỉ cho một đối tượng và bán sách thật nhiều. Để có thể làm điều đó phải có một tình yêu lớn lắm và kiên trì. Tôi thì thất thường hơn, lúc thì thích như vầy, lúc thì thích như kia, lý do không viết cho trẻ con nữa là vậy.
Bạn có chia sẻ với ý kiến cho rằng, nhà văn Việt Nam chưa ra được thế giới vì nhiều lý do, nhưng một trong các lý do quan trọng là tầm tri thức/nhận thức của nhà văn Việt Nam còn thấp? Rằng đó là do hầu hết nhà văn Việt Nam lười đọc, ngại đọc, ngại suy nghĩ, không có/thiếu khả năng tư duy về các vấn đề toàn cầu, đồng thời tự mãn với vốn liếng mình có, và tự biện minh rằng chỉ viết về những gì gần gũi với mình?
- Tôi không phải là thước đo giữa các giá trị nên không thể nhận thức một cách công bằng về vấn đề này mà không tránh khỏi thiên lệch mỗi chỗ một chút. Tuy nhiên tôi nghĩ cũng không nên bi quan. Nhiều cuốn sách nhảm nhí cũng có tính toàn cầu không thua gì những cuốn sách chân chính. Kiến thức và nhận thức là hai thứ khác nhau.
Đọc sách nhiều chỉ có thể biến nhà văn thành một cái thư viện, cái gì cũng biết, nhưng anh ta cũng sẽ giống mọi cái thư viện khác trên thế giới. Chỉ có nhận thức mới làm anh ta khác đi. Để trở nên toàn cầu không có nghĩa là chúng ta phải trở thành một cái thư viện trong mỗi cá nhân, hay chúng ta phải suy nghĩ suốt ngày đến mức phát rồ lên. Một nhà văn mà cứ chăm chắm làm sao mình trở nên toàn cầu thì y như rằng anh ta sẽ tìm thấy cho mình một vài lý do vặt, một vài mưu mẹo vặt.
Tôi nghĩ đơn giản hơn, rằng thế giới thiếu thứ gì thì thứ đó trở thành vấn đề toàn cầu. Thế giới này chắc chắn thiếu tình thương, thiếu sự chia sẻ, cái đói vẫn còn, cái chết oan uổng vẫn còn, đó là vấn đề toàn cầu. Thế giới này thiếu những phương thuốc để đắp những vết thương về mọi nghĩa, đó là toàn cầu. Vấn đề toàn cầu vẫn có thể nằm ở trong tim, trong phổi, trong thuốc lá, trong cách chúng ta phân phối lương thực… Nhà văn toàn cầu không phải là nhà văn sáng chế ra một loại ngôn ngữ mới, điều đó về bản chất là thừa, mà anh ta phải chính là kẻ phân phối sự thiếu hụt đó.
Bạn dành được bao nhiêu thời gian hàng ngày để viết văn và suy nghĩ về việc viết văn? Bạn quan niệm thế nào về nhà văn chuyên nghiệp? Bạn có chuyên nghiệp không?
- Khi mới viết văn, tôi nghĩ mình phải trở thành một người chuyên nghiệp. Nhưng bây giờ tôi lại là người chống lại điều đó. Viết một dòng mà lấp ló vẻ chuyên nghiệp là tôi sợ, tôi xóa ngay. Tôi thích cái gì đó mạo hiểm hơn, không chuyên hơn, một cái gì ngập ngừng hơn là chắc chắn. Vì thế đã hai năm nay, tôi không đặt cho mình bất cứ lý do gì để phải viết văn. Tôi chỉ viết khi lúc nào đó bất chợt cần viết.
Bạn có tin tưởng ở lớp nhà văn cùng lứa tuổi và trẻ hơn không? Rằng họ có tiềm năng đạt tới một tầm cao của văn chương mà các thế hệ trước chỉ mơ ước? Rằng họ sẽ đủ độc lập và sức mạnh để tự xác lập tiêu chuẩn của mình về tầm cao của văn chương?
- Đó là điều băn khoăn mà những người đi trước thường đặt dấu hỏi vào những người viết trẻ như chúng tôi. Khi chúng ta có ý nghĩ về tầm cao, thì ngay tức thì chúng ta phải xác định được tầm thấp. Cái khái niệm văn chương ở tầm cao thấp, có lẽ nó không còn thích hợp với những vấn đề đương đại. Ví dụ, chúng ta không thể lấy nhạc rap - một đại diện sau này - để so sánh với nhạc thính phòng - một đại diện của quá khứ - để rồi so sánh về mức độ, để rồi chúng ta xem nên kính trọng cái nào hơn. Trong thời đại hôm nay, nó không còn đúng nữa. Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận nó ở những bình diện khác nhau.
Những người viết văn trẻ, theo tôi nghĩ, khi đối diện với thời đại của họ, họ không hề cao hơn hay thấp hơn người già, họ là một bình diện khác. Nếu đừng chọn cho mình một góc nhìn duy nhất thì chúng ta sẽ thấy, một cuốn sách mỏng tanh viết về sự nhảm nhí chát chít cũng sẽ có một giá trị đặc biệt như một sách khổng lồ viết về nỗi đau lớn của nhân loại. Rồi đây sẽ có lúc trong đám tang người ta chơi nhạc rap thay vì nhạc thính phòng.
Hay cuốn sách đáng kính trọng nhất lại là cuốn tiểu thuyết nói về chứng ăn không tiêu của bà hàng xóm chẳng hạn. Điều đó sẽ không có gì đáng ngạc nhiên lắm trong tương lai. Dù chúng ta lập luận thế nào thì cũng phải công nhận rằng, chỉ có những người trẻ mới là người đi xa, bởi đó chính là những con người tiếp tục đi. Một khi họ già, họ phải nhường lại cho những người trẻ khác.
Tôi cũng vậy. Tôi đang có lợi thế của người đang đi. Mặc dù không phải lúc nào cũng biết sẽ đi đâu.
THỤ NHÂN - (Theo VNN)