- Lý do gì anh được Thư viện cộng đồng Stockholm (Thụy Điển) mời sang đất nước này?
- Họ mời tôi dự "Tuần lễ sách thiếu nhi quốc tế" (The International Children’s Book Week), diễn ra từ ngày 28-11 do thư viện này tổ chức.
Hàng năm, họ đều tổ chức tuần lễ sách thiếu nhi quốc tế và mời khoảng 4-5 nhà văn ở các quốc gia đến dự. Năm nay họ mời Việt Nam, Nga, Hà Lan, Bosnia, mỗi nước chỉ mời một người.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang tham dự nhiều hoạt động về sách tại Thụy Điển. Ngày 10-12, anh về nước. Ảnh: Anh Vân
- Hoạt động của anh trong những ngày qua tại Thụy Điển?
- Tôi lên đường hôm 21-11. Tôi qua Paris trước, rồi ghé Italy, thăm Verona và Venise. Đến ngày 28-11, tôi mới đến Stockholm dự tuần lễ sách thiếu nhi quốc tế, diễn ra từ ngày 28-11 đến ngày 6-12.
Tôi đã gặp gỡ và giao lưu với nhà văn Nga, Hà Lan, còn nhà văn Bosnia, vì lý do riêng nên không có mặt. Nữ nhà văn Hà Lan cũng là một họa sĩ. Chị là người minh họa sách cho bà Lindgren (tác giả cuốn Pippi tất dài) ở những lần tái bản sau cùng trước khi Lindgren qua đời.
Chương trình làm việc của tôi là dự hội thảo, đọc tham luận về văn học thiếu nhi, làm việc với tổ chức nghiên cứu về văn học thiếu nhi của Thụy Điển. Tôi còn đi thăm nhiều thư viện dành riêng cho thiếu nhi.
Ngày 2-12, tôi ngồi xe lửa 5 tiếng đồng hồ từ Stockholm đến thành phố Halmstad để có mặt trong buổi trò chuyện với các em học sinh Việt Nam tại Thụy Điển. Hầu hết các em này đều sinh ra trên đất Thụy Điền. Tôi còn giao lưu với trẻ em nói tiếng Pháp. Nói chung, chương trình làm việc trong tuần khá căng thẳng. Tôi phải đi suốt, di chuyển tới các NXB, các thư viện lớn ở Thụy Điển.
Trong cuộc hội thảo, họ có hỏi tôi một câu: "Nếu phải giới thiệu một cuốn sách thiếu nhi Việt Nam cho trẻ em đọc thì anh sẽ giới thiệu cuốn gì?". Tôi nói sẽ giới thiệu cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Ở Thụy Điển, có vài tác giả Việt đã có tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ này như: Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Tô Hoài...
- Anh cảm nhận văn hóa đọc của người Thụy Điển thể hiện ở nét nào?
- Một trong những nét thể hiện văn hóa đọc của đất nước này là qua hệ thống thư viện. Ví dụ như thư viện cộng đồng Stockholm là một trong những thư viện cộng đồng lớn nhất thế giới. Họ có 2 hệ thống thư viện. Một thư viện chứa sách Thụy Điển. Một thư viện chứa tất cả các sách viết bằng 120 ngôn ngữ, gọi là International public bibliotheque (thư viện cộng đồng quốc tế). Tại đây có một tủ sách Việt Nam, tất nhiên mua lại từ Việt Nam. Họ có nhiều sách Ảrập vì cộng đồng người Ảrập sống ở Thụy Điển cũng khá nhiều.
- Văn học thiếu nhi tại Thụy Điển được quan tâm như thế nào?
- Họ có rất nhiều tổ chức chăm lo và nghiên cứu về văn học thiếu nhi. Thậm chí, bạn có tin không, ở đây có cả thư viện dành riêng cho thiếu nhi từ 0 đến 8 tháng tuổi nữa. Phòng thư viện này được tô màu sắc sặc sỡ, vui mắt, khiến cho con nít cảm thấy thích thú. Và các ông bố bà mẹ ẵm con đến đây để hát cho tụi nó nghe và đứa trẻ ngủ say trên vai bố mẹ chúng trong không khí vui vẻ. Họ chăm sóc trẻ con rất tuyệt.
- Anh đã được đón nhận với tình cảm thế nào?
- Họ rất quý bạn bè quốc tế và chào đón các nhà văn rất đàng hoàng. Khi họ thấy tôi ăn đồ ăn Thụy Điển mà cứ đề thừa ra họ dẫn tôi đi vô nhà hàng Thái Lan ăn cơm. Tôi ăn hết cả đĩa, họ chắc chẳng thích thú gì nhưng cũng bấm bụng ăn theo (cười). Thật ra, món cơm Thái Lan thịt bò bỏ cà ri nhiều quá, ở Việt Nam là tôi chê, nhưng thèm cơm quá nên bữa đó tôi "xực" hết!
- Kỷ niệm vui trong chuyến đi của anh là gì?
- Mấy ngày nay tôi cứ lòng vòng Pháp, Italy, Thụy Điển... Họ hỏi tôi "Ở những nơi anh đi qua, anh thích món ăn nào nhất?". Tôi bảo thích "món trứng" nhất vì trứng là "món ăn quốc tế" và giống Việt Nam. Câu trả lời khiến các bạn Thụy Điển cười rất nhiều và biết là tôi không "khoái" món ăn bên trời Tây.
Bên này rất lạnh, thường ở nhiệt độ từ 7 đến 10 độ. Khi ra đường tôi phải mặc 5 cái áo, 3 cái quần, nặng chình chịch. Mọi người hỏi tôi có lạnh không, tôi bảo lạnh thì không sợ, tôi chỉ sợ ráng chịu lạnh mà không có dịp nhìn thấy tuyết! (cười).
Theo Thoại Hà (Evan)