Nhà báo Hữu Thọ: Góp ý cho Đảng thì không thể có vùng cấm

Báo cáo chính trị; chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã được chính thức công bố công khai để mọi người dân thảo luận, góp ý. Thời gian lấy ý kiến góp ý là một tháng rưỡi, từ ngày 15-9 đến 31-10.

Bốn năm trước, đợt sinh hoạt chính trị góp ý cho Đại hội lần thứ X của Đảng đã ghi dấu ấn đậm nét về tính dân chủ, thẳng thắn tranh luận để đồng thuận. Vậy lần này góp ý cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI có những vấn đề gì cần lưu tâm? Pháp Luật TP.HCMtrò chuyện với nhà báo Hữu Thọ (ảnh), người từng tham gia giúp trung ương tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân ở khóa trước.

Chỉ dấu tích cực

. Thưa ông, vừa có bất ngờ là Bộ Chính trị cho công bố các dự thảo văn kiện Đại hội XI trước kế hoạch một tháng để nhân dân thảo luận, góp ý. Có thể bình luận gì về khởi đầu này?

Nhà báo Hữu Thọ: Góp ý cho Đảng thì không thể có vùng cấm ảnh 1
+ Một dấu hiệu tích cực. Các tài liệu được công bố này vẫn là các dự thảo được lưu hành nội bộ trong Đảng từ tháng 4 để các đảng viên góp ý. Lúc ấy có nhiều ý kiến là để đến giữa tháng 10 mới công bố cho dân tham gia ý kiến thì gấp gáp quá. Mà lần này văn kiện nhiều hơn hồi Đại hội lần X, có cả cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, thời gian ngắn quá sao kịp góp ý, kịp tiếp thu.

Giờ Bộ Chính trị quyết định công bố sớm chính là đã tiếp thu những ý kiến ấy. Chứ như thông lệ các lần trước, phải đại hội đảng bộ các tỉnh, thành xong, trung ương tiếp thu, hoàn chỉnh một bước dự thảo văn kiện chính thức để đưa ra cho nhân dân góp ý.

. Cho đến nay thì chưa thấy có định hướng nào về nội dung thảo luận. Nhưng nhiều người băn khoăn là liệu có giới hạn nào không trong góp ý cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI?

+ Tôi nghĩ nếu có hướng dẫn thì cũng chỉ là định hướng mang tính trọng tâm, gợi ý thảo luận thôi chứ khó có thể đặt ra một hạn chế nào. Hồi chuẩn bị Đại hội lần X có ý kiến cho rằng một số vấn đề phải cấm bàn: Đảng lãnh đạo, CNXH, kinh tế nhà nước là chủ đạo… Tôi mới bảo chốt lại thế thì đưa ra thảo luận làm gì.

Nhà báo Hữu Thọ: Góp ý cho Đảng thì không thể có vùng cấm ảnh 2

Vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng là vấn đề thu hút được nhiều chuyên gia thảo luận, cho ý kiến. Trong ảnh: Lắp đặt đường ống công nghệ tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: CTV

Cuối cùng thì không thể đưa ra vùng cấm nào cả. Nhưng tổng hợp ý kiến thì thấy những góp ý mang tính phản biện, lật lại về các vấn đề quan điểm, đường lối mấu chốt như vậy thường xuất phát từ giới trí thức, các nhà khoa học. Đồng thời, phản ứng ngược lại có ý kiến của các vị lão thành, những người có cống hiến xương máu.

Như hồi góp ý văn kiện Đại hội lần X, có vị còn gặp thẳng lãnh đạo Đảng phản ứng quyết liệt: Nếu cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì tôi xin ra Đảng. Hay như phần mô tả đặc trưng xã hội XHCN trong đó có câu “do nhân dân lao động làm chủ”, trong Đảng có nhiều ý kiến bỏ chữ “lao động”. Thế mà cũng phải tranh luận quyết liệt 10 năm, đến Đại hội lần X mới bỏ được…

Nói thế để thấy trung ương, Bộ Chính trị khi tiếp thu góp ý văn kiện là đứng giữa các luồng quan điểm khác nhau. Tiếp thu cái gì, thể hiện ra sao là rất khó, rất thận trọng.

Góp ý của người nổi tiếng, phải đọc kỹ

. Người dân muốn góp ý cho Đảng nhưng họ cũng băn khoăn là không biết việc tiếp thu sẽ được thực hiện thế nào. Từng tham gia tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân ở các kỳ đại hội trước, ông có thể nói rõ?

+ Như lần trước, bộ phận tiếp nhận, đọc, xử lý các ý kiến đóng góp là gần một trăm chuyên gia. Tất cả cấm trại, làm ngày làm đêm. Ý kiến đóng góp gửi về nhiều và rất đa dạng. Riêng bản tổng hợp, phân theo nhóm vấn đề đã hơn trăm trang A4, được đính kèm tờ trình gửi tới hội nghị trung ương để thảo luận, tiếp thu. Cũng từ việc nghiên cứu các ý kiến này, tổ biên tập lựa chọn ra khoảng chục trang những vấn đề quan trọng kiến nghị trung ương cho ý kiến.

Từ hàng vạn thư góp ý gửi trực tiếp, bài viết đăng trên báo góp ý cho văn kiện mà trong hơn một tuần phải tổng hợp như vậy đòi hỏi đội ngũ biên tập rất thông minh và trung thực.

. Nhiều người cho rằng đợt góp ý văn kiện Đại hội lần X là dân chủ, sôi nổi và thành công. Là người trong cuộc, theo ông tại sao lại có thành công ấy?

+ Tranh luận hay là do có ý kiến khác nhau. Khác nhau ngay trên từng mặt báo. Tôn trọng những anh ngang ngạnh. Ý kiến ngang ngạnh đưa ra và có phản bác trở lại thì xã hội xúm vào tranh luận. Như thế sẽ sôi nổi, dân chủ.

Hồi tiếp thu văn kiện Đại hội X, tôi đọc hết những ý kiến ấy. Thậm chí có những người góp ý, phần đăng trên báo ngắn thôi nhưng văn bản gửi cho Đảng thì rất đồ sộ. Như GS Tương Lai, đăng báo mấy bài chỉ vài ngàn chữ, còn văn bản gửi Bộ Chính trị thì cả trăm trang A4. Những người nổi tiếng như thế, công phu góp ý như thế thì phải căng mắt đọc bản gốc.

Nhiều vấn đề sẽ được xới lại

. Hiện giờ có những ý kiến lo ngại rằng đợt góp ý kiến văn kiện Đảng này khó mà sôi động được như hồi Đại hội lần X. Cảm nhận của ông thế nào?

+ Tôi nghĩ với giới trí thức, đây là dịp được Đảng mời để bày tỏ quan điểm nên có thể họ sẽ nói thoải mái. Nói lúc này là ghi được dấu ấn. Đấy cũng là đặc điểm của người trí thức: Chưa xoay chuyển được tình thế nhưng ít ra ghi được dấu ấn, để đúng sai thế nào lịch sử sẽ phán xét. Đấy là động lực của tranh luận.

. Theo ông, liệu đợt sinh hoạt chính trị này có sôi động như hồi chuẩn bị Đại hội lần X?

+ Chắc sẽ sôi động. Mà giờ đã thấy “động” rồi.

Tôi tin là những vấn đề đã thảo luận dịp trước Đại hội lần X đến đợt này sẽ được nhiều người xới lại. Nhân sự thì làm sao thu hút được người tài, ứng cử phải có tranh cử, phải có số dư và ngang bằng nhau về trình độ, uy tín. Về vai trò của kinh tế nhà nước thì CNXH hoàn thành rồi mới là chủ đạo, vậy trong thời kỳ quá độ có nhất thiết chủ đạo không? Rồi tính chất của đảng, đảng của giai cấp hay đảng của dân tộc?...

Đấy là những vấn đề thuộc về đường lối cơ bản. Khác chăng là xới lại trong bối cảnh mới trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, bắt đầu tham gia sâu vào sinh hoạt chính trị toàn cầu và khu vực…

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm