Nhà giáo đưa thiết bị chế biến nông sản Việt ra thế giới

Nhà giáo đưa thiết bị chế biến nông sản Việt ra thế giới

(PLO)- Niềm mong mỏi được quảng bá những sản phẩm “made in Vietnam” đã thôi thúc Nhà giáo nhân dân Trần Doãn Sơn sáng chế nhiều thiết bị hiện đại để chế biến các loại nông sản Việt Nam.

Tối 23-11, cụm công trình “Nghiên cứu đổi mới, phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm và nông sản Việt Nam” của Nhà giáo nhân dân-GS-TS Trần Doãn Sơn đã được Hội đồng cấp nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho NGND-GS-TS Trần Doãn Sơn. Ảnh: Quang Hiếu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho NGND-GS-TS Trần Doãn Sơn. Ảnh: Quang Hiếu

Mong mỏi giúp nông dân bớt cực khổ

GS Trần Doãn Sơn (sinh năm 1954) hiện là giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông cho biết cụm tám công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được ông và các cộng sự thực hiện hơn 20 năm qua. “Tôi vô cùng vui sướng và tự hào khi thành quả bao năm nghiên cứu nay được nhận giải thưởng lớn nhất của Nhà nước” - GS Doãn Sơn bày tỏ và không quên cám ơn sự góp sức của những học trò và cộng sự.

Nhà giáo nhân dân-GS-TS Trần Doãn Sơn đang thao tác trên các thiết bị do ông và cộng sự sáng chế. Ảnh: NT

Nhà giáo nhân dân-GS-TS Trần Doãn Sơn đang thao tác trên các thiết bị do ông và cộng sự sáng chế. Ảnh: NT

GS Doãn Sơn trải lòng ông cùng các cộng sự bắt đầu nghiên cứu cụm công trình từ năm 1990. Ông chọn nông sản vì Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, có thế mạnh các sản phẩm như gạo, hạt điều, cà phê, tiêu… Thế nhưng công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thô sơ, xuất khẩu có giá trị thương mại không cao. Người nông dân vì thế quanh năm vất vả, đời sống không khá lên được.

Năm 2003, nhóm của ông có sáng chế ý nghĩa đầu tay “Thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa”. Thiết bị giúp chuyển đổi chế biến hạt điều bằng chảo dầu sang công nghệ hấp, từ đó giảm khí thải độc hại và vất vả cho công nhân ở công đoạn tách vỏ cứng của hạt điều. Năng suất chế biến điều cũng tăng cao hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới. Công trình này đã được cấp hai bằng sáng chế. Và hơn 20 năm qua, nhóm đã chuyển giao khoảng 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước. Nhiều thế hệ học trò tiếp nối ông nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực này.

Mục đích quan trọng nhất mà tôi mong muốn là các sản phẩm thiết bị của mình được thương mại hóa toàn cầu, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam như bún, phở ra thế giới. Nhìn vào máy móc có dòng chữ “made in Vietnam”, chúng tôi cảm thấy rất tự hào.

Nhà giáo nhân dân-GS-TS
TRẦN DOÃN SƠN

Công trình thứ hai mà ông tâm đắc là giải mã và nâng cấp, thay đổi những thiết bị rang cà phê nổi tiếng của thế giới (như thiết bị rang probat…) cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Sáng chế đã chuyển giao cho một doanh nghiệp và cho hàng trăm cơ sở chế biến cà phê nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông và cộng sự còn cho ra đời nhiều thiết bị, máy móc phục vụ chế biến thực phẩm như dây chuyền tự động sản xuất bánh tráng gạo, bánh pía, bánh rế; thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng dạng mini; công nghệ sản xuất bún, bánh hỏi, bánh canh, phở, bánh cuốn, mì quảng trên cùng một thiết bị.

Không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, nhiều loại máy do ông sáng chế còn được chuyển giao ra thị trường thế giới như Mỹ, Nhật, Anh…

68 tuổi vẫn truyền nghề

Ngoài gia tài đồ sộ là các công trình nghiên cứu, GS Doãn Sơn còn một niềm vui tinh thần rất lớn là gắn bó với sự nghiệp “trồng người” suốt 47 năm qua.

GS Doãn Sơn cho hay ông tốt nghiệp ngành chế tạo máy ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau đó, ông được phân công làm giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ năm 1977. Ông từng có năm năm theo học chương trình nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành công nghệ chế tạo máy. Về nước, ông tiếp tục trở lại trường và được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ môn chế tạo máy.

Ông chia sẻ đam mê nghề dạy học từ nhỏ một phần do tác động từ lời khuyên của người mẹ. Bà cho rằng dạy học là nghề thiêng liêng, mang tính nhân văn cao. Nghề sư phạm có thể truyền được kiến thức, tình cảm và đam mê cho nhiều thế hệ học trò.

Theo ông, đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là tạo dựng đam mê, khơi gợi tư duy cho học trò, luôn lắng nghe những ý kiến phản biện, đóng góp của các em. Có lẽ vì thế, hạnh phúc lớn nhất trong đời ông là được giúp đỡ, hướng nghiệp các học sinh, sinh viên và thấy các em trưởng thành, thành đạt. Thậm chí có trường hợp cả gia đình ba thế hệ đều là học trò của ông. Có những học trò của ông nay là chủ doanh nghiệp sản xuất điều, cà phê hoặc chủ sản xuất thiết bị chế biến nông sản cung ứng ra thị trường.

Hiện nay dù đã ở tuổi 68 nhưng ông vẫn dành thời gian để đi dạy. Ông xem đây là cơ hội để gần gũi, truyền niềm say mê học tập cho học trò và học hỏi lại từ chính các học trò.

NGND.GS.TS Trần Doãn Sơn vừa được Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa vinh danh vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022. Ảnh: THY HUYỀN

NGND.GS.TS Trần Doãn Sơn vừa được Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa vinh danh vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022. Ảnh: THY HUYỀN

Đọc thêm