Nhà giáo kiêm nhà văn: "Hai tay đều thuận"

Dạy học: nghề lãng mạn!

Lâu nay độc giả vẫn được đọc nhiều tác phẩm văn thơ của những tác giả trên văn đàn, nhưng tin chắc rằng ít người biết được những nhà văn, nhà thơ ấy vốn là hay đang là nhà giáo. Có thể “điểm danh” hàng chục cái tên, như: Đặng Hấn, Đoàn Thạch Biền, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Đoàn Vy, Đoàn Vị Thượng, Trần Hoài Dương, Nguyễn Xuân Thủy, Nhật Chiêu, Trần Huiền Ân, Đoàn Việt Hùng, Lê Minh Vũ, Trần Kim Bảng, Phạm Hồng Danh, Nguyễn Văn Nhân, Đinh Lăng, Đào Tấn Trực, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Khoa Đăng… Đó chỉ là danh sách tạm thời các nhà giáo gắn liền với công việc sáng tác thơ, văn. Nếu tính luôn những nhà giáo làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình ắt hẳn số lượng nhà giáo cầm bút còn nhiều hơn nữa.

Sách của Lưu Thị Lương
Sách của Lưu Thị Lương

Vì đâu các nhà giáo của chúng ta lại tham gia cầm bút nhiều như vậy? Phải chăng xuất phát từ câu “tục ngữ mới” gắn kết “nhà văn, nhà báo, nhà giáo là nhà nghèo” với nhau. Phó GS Đặng Hấn, nhiều năm giảng dạy toán ở ĐH Kinh tế TP.HCM tâm sự: “Tôi làm thơ từ thời sinh viên, ra trường được phân công về Viện Nghiên cứu Toán học. Ở Viện, ngoài nghiên cứu còn có công tác tuyên truyền toán học, mà dạy học chính là tuyên truyền. Ngày đầu đi dạy, tôi rất run dù bề ngoài làm vẻ nghiêm trang. Để bớt căng thẳng cho mình và cho sinh viên, tôi thường đọc thơ xen với bài giảng. Sinh viên thấy ông thầy cũng nghệ sĩ nên dễ gần, dễ mến, bài học bớt khô khan hơn bởi những con số”.

Sách của Lý Lan
Sách của Lý Lan

Với Phó GS Đặng Hấn và nhiều người, thơ văn giúp ích rất lớn trong công việc giảng dạy. Vì nhờ làm thơ, viết văn nên khả năng soạn giáo án và diễn đạt trước học trò trôi chảy, nếu không muốn nói là “bay bướm”. Thêm nữa, đứng trước học trò, ông thầy hay bà cô có thêm cái danh nhà văn, nhà thơ và ít nhiều cũng nổi tiếng khiến đã được nể trọng lại càng được “hâm mộ, thần tượng” hơn. Nhà văn Nhật Chiêu cụ thể hơn: “Tôi dạy ở trường ĐH KHXH&NV, nơi tôi biết chắc là có nhiều sinh viên viết văn, làm thơ. Sinh viên mà viết lách thường rất cá tính. Nếu tôi chỉ dạy học “chay”, hẳn sinh viên sẽ xì xầm với nhau: ổng chả viết được gì mà đòi dạy tụi mình”.

Những điều cơ bản đó mang lại nhiều thuận lợi trong việc truyền bá kiến thức của nghề giáo cũng như tôn cao thêm vị thế của người thầy trong mắt học trò. Nhiều nhà văn kiêm nhà giáo khi được hỏi đều tán đồng rằng: hai nghề này là hai nghề cực kỳ lãng mạn! Tưởng rằng mâu thuẫn nhau, vì nghề giáo cần sự mô phạm thì nghề văn cần sự bay bổng. Thế nhưng, trong sâu xa của nghề làm thầy, sự lãng mạn đẹp đẽ đã được hình tượng hóa ví như “người đưa đò qua sông” vậy, không lãng mạn không thể làm một công việc cần mẫn trong nhiều năm tháng.

Làm nhà văn lại… “mô phạm”!

Sao nhà văn lại “mô phạm” được, nhà văn nhà thơ phải bay bổng, phóng túng mới phải chứ? Hoàn toàn ngược lại, những nhà văn mang trong mình “thành phần” nhà giáo lại sống rất mô phạm, đúng mực dù văn của họ không “khuôn thước” chút nào. Nhà văn Lưu Thị Lương lý giải điều này: “Vì tôi phải lên lớp mỗi ngày nên không có thời gian để la cà đàn đúm nói chuyện trên trời dưới đất, lại không biết rượu chè hút xách, lang thang đây đó”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chi tiết hơn: “Tôi dạy các môn toán và quản trị dự án, là các môn học tính ra tiền. Mình dạy người ta tính ra tiền thì nhất định mình không thể lơ mơ, cẩu thả trong sinh hoạt hằng ngày được. Dù tôi luôn ví von việc giải được một phương trình khó cũng giống như làm được một câu thơ hay”.

Ba tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Xuân Thủy, Phạm Hồng Danh.
Ba tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Xuân Thủy, Phạm Hồng Danh.

Văn chương của những nhà văn, nhà giáo kể trên luôn mang đậm dấu ấn của nghề dạy học. Nhà văn Lý Lan nhờ một thời đứng lớp nên khi dịch truyện Harry Potter hay viết các truyện cho thiếu nhi mới thu hút độc giả nhí vì am tường tâm lý lứa tuổi. Nhà văn Đoàn Thạch Biền chuyên viết về tuổi mới lớn, các tập truyện của ông như: Ví dụ ta yêu nhau, Tôi thương mà em đâu có hay, Tình nhỏ làm sao quên… được tái bản liên tục trong nhiều chục năm qua, ắt hẳn thời ông đi dạy học đã tác động không ít vào sự thành công của tác phẩm. Hay như Phó GS, nhà thơ Đặng Hấn, công việc giảng dạy thể hiện rõ nét nhất trong các sáng tác của ông. Ví dụ nhà thơ Đặng Hấn làm thơ tặng vợ, bài Dấu vô cùng như sau: “Dạy toán mười năm về hỏi vợ/ Sao hai số không kết lại hóa dấu vô cùng?/ Thủ thỉ: Thì chúng mình cũng vậy/ Xa nhau hai đứa khác gì không?”.

Hạnh phúc gì hơn nghề giáo khi được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong các nghề”, ra đường được nhiều người ngã nón chào thầy, chào cô. Các nhà giáo hoặc từng là nhà giáo lại hạnh phúc hơn khi viết văn luôn có một lượng độc giả nhất định, đang hoặc vốn là học trò cũ của mình tìm đọc. Nhà văn Nhật Chiêu cho rằng ông hạnh phúc nhất khi học trò hiểu những gì mình viết ra, lúc đó thầy trò trở thành bè bạn tâm giao trong mối quan hệ cùng yêu thích văn chương. Có thể nói, rất nhiều nhà giáo kiêm nhà văn hay ngược lại, cả hai tay cầm bút viết lên giấy trắng hay cầm phấn viết lên bảng đen “đều thuận”.

Theo Hoàng Nhân (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm