Nhà sản xuất phim 'cướp trắng' kịch bản , sinh viên kêu ai?

(PLO)- Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, việc xâm hại bản quyền ngày càng nhiều trong đó có việc nhà sản xuất cướp kịch bản phim của sinh viên.

Sáng 22-11, tại TP Đà Lạt, Cục bản quyền tác giả tổ chức Hội thảo bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cho biết, vấn đề xâm hại bản quyền xảy ra nhiều hình thức và vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo.

Theo đó, ông Tú chỉ ra nhiều nhà làm phim đã sử dụng những tư liệu cũng như hình ảnh của đồng nghiệp vào phim của mình, nhưng chỉ đến cuối phim mới để một dòng chữ nhỏ chú thích về vấn đề này.

"Đó là sự vi phạm bản quyền đối với những tác phẩm đã được công bố và họ có những sở hữu quyền cũng như tác quyền của tác giả.

Chúng tôi nghĩ rằng, đúng quy trình, trước khi đưa những tư liệu đó vào thì cần phải xin phép, cần có dòng chú thích là đoạn hình này lấy được sử dụng từ bộ phim, đơn vị nào thì như vậy mới minh bạch. Như thế mới thể hiện sự tôn trọng thuần khiết đối với phim, quyền cũng như tác quyền của các tác phẩm trước" – ông Tú cho hay.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam phát biểu

Ngoài ra, nhiều phim hoạt hình hay tài liệu cũng đã sử dụng nhạc nền có sẵn trong kho dữ liệu miễn phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bản nhạc nền đó cũng được miễn phí vì đã có những bản đã bị đăng ký bản quyền hay chỉ miễn phí trong bao nhiêu giây.

“Chính vì thế nhiều phim trên nền tảng số đã bị quét và gỡ ra. Điều này cũng đã ngăn chặn được rất nhiều tác giả thường xuyên lấy lại hình ảnh hay âm nhạc của người khác, đưa vào làm nền cho bộ phim của mình”- ông Tú nói thêm

Cũng tại đây, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng đã đề cập đến vấn đề sinh viên viết kịch bản bị các đơn vị sản xuất phim “cướp trắng” kịch bản.

Cụ thể, ông Tú kể rằng, tại Hội điện ảnh có các nhóm sinh viên viết kịch bản và đem chào hàng các đề cương đến các đơn vị truyền thông và tổ chức sản xuất phim.

"Các em báo tin vui là các em được họ ký hợp đồng tiếp nhận đề cương đó. Hai bên ký hợp đồng và họ cho các em 20 triệu. Trong thời gian 3 tháng, các em sẽ hoàn thành kịch bản cho 30 tập phim, chuyển cho họ, với điều kiện là chấp nhận kịch bản bị sửa, trước khi phim được bấm máy và sau khi phim hoàn thành, sửa chữa xong thì mới được nhận 100% tiền tác quyền.

Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau, các em đã khóc và than trời vì 3 tháng không thể hoàn thành 30 tập của kịch bản. Chính vì thế, các em đến xin gia hạn thời gian, nhưng đơn vị mua kịch bản từ chối và đơn phương huỷ hợp đồng.

Họ nói rằng sẽ đòi lại số tiền tạm ứng, hoặc cho các em số tiền đó mà không cần lấy nữa. Nhưng các em phải ký vào giấy không được kiện tụng, với lý do là hai bên đơn phương huỷ hợp đồng" – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam kể.

Thế nhưng, trớ trêu, chỉ 6 tháng sau, tất cả nội dung mà các em đã viết trước đó đều được dùng cho phim, chỉ thay đổi nhân vật, tên phim cũng như bối cảnh.

"Với những hành vi như vậy, các em không biết tìm ai hay kêu ai, bởi vì các em không đăng ký bản quyền để được bảo hộ bản quyền. Chính vì những điều này mới thấy, trong sáng tạo điện ảnh, việc bị xâm hại điện ảnh luôn luôn chực chờ" – ông Tú bộc bạch.

Cũng theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, trong tương lai cần có sự phối hợp, bàn luận sâu hơn về việc chuyển thể sáng tác, dựa theo,… từ một tác phẩm văn học hay tác phẩm gốc.

"Chúng ta cần phải bàn rõ sở hữu bản quyền là gì? Tác quyền là gì? Chúng ta phải biết rằng, trước khi muốn chuyển thể những tác phẩm văn học, hay những bộ phim, thì phải được sự đồng ý của chính tác giả hoặc người thân của họ thì mới được phép chuyển thể hay làm lại.

Nhưng bộ phim nó cần đời sống riêng. Bản thân một tác phẩm chuyển thể, sẽ được chi phối cũng như có một tầng sóng riêng, không hoàn toàn phụ thuộc 100% vào tác phẩm gốc.

Vấn đề đặt ra là, khi tác phẩm điện ảnh được lấy cảm hứng, nhưng tên nhân vật trên phim vẫn giữ nguyên, như vậy có phải đang đánh tráo khái niệm "Lấy cảm hứng" hay không? Chúng ta cũng cần phải có một sự phân tích thấu đáo, không chỉ bằng điều chỉnh của luật bản quyền, mà còn bằng tất cả tư duy của người làm nghề" – ông Tú nhấn mạnh.

Do đó, ông Tú cho biết, sang năm Hội điện ảnh Việt Nam sẽ xin phối hợp với Cục bản quyền của Bộ Văn hoá, cùng với các Hội Văn học nghệ thuật trong Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tổ chức một hội thảo bàn về vấn đề tác quyền và những vấn đề về chuyển thể từ tóm tắt và từ tác phẩm gốc trở thành tác phẩm điện ảnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL

Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Qua đó, ông Việt hi vọng rằng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung; cùng với đó, đây cũng là nơi để các nhà sản xuất và sáng tạo điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan trao đổi, thảo luận các nội dung thú vị về bản quyền, phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới