Nhà thơ Hoài Vũ: Nhiều lần thoát chết trong gang tấc

Trong chuyến thăm căn cứ văn nghệ ở Củ Chi mới đây, lão nhà văn đã hòa nhập một cách "khoẻ khoắn" với các bạn văn trẻ Tp HCM, lòng ông sống lại những ký ức đẹp và bi tráng của một thời oanh liệt. Đó cũng là những kỷ niệm hay làm ông mất ngủ...

 1.Nhà thơ Hoài Vũ là một trong những văn nghệ sĩ có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ, trải qua những thời điểm gian khổ và ác liệt nhất. Thực tế đau thương và hào hùng của chiến trường đã giúp Hoài Vũ trưởng thành và viết nên những tác phẩm gắn bó sâu sắc với đời thực. Ông thổ lộ: "Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương".

Nói tới Hoài Vũ nhiều người thường chỉ nhớ tới những bài thơ tình nổi tiếng được chắp thêm "cánh" bởi âm nhạc như: "Vàm Cỏ Đông", "Anh ở đầu sông em cuối sông", "Đi trong hương tràm", "Chia tay hoàng hôn"… Thế hệ trẻ sau này ít ai biết Hoài Vũ còn là một "cây" truyện ngắn và ký sự chiến trường nhạy bén. Những truyện ngắn của ông như "Người Sài Gòn", "Bông sứ trắng", "Tiếng sáo trúc", "Bông huệ trắng", "Gái thời chiến"... từng được nhiều người đọc thích thú. Những năm từ 1965 tới 1970 là thời kỳ ông viết sung sức nhất, cũng là lúc ông cho ra đời hàng loạt bút ký về những tấm gương, đơn vị anh dũng: "Vàm Cỏ Tây dậy sóng", "Gái Lương Hòa", "Cánh én trên Vườm Thơm", "Nữ pháo binh thành phố", "Đồng bằng đổ lửa", "Làng hầm"... Không cầu kỳ câu chữ, văn chương Hoài Vũ luôn tự nhiên, trẻ trung, da diết và nhân hậu như chính con người ông, dù đó là thơ tình hay truyện ngắn, ký sự viết giữa lửa đạn.

Sinh trưởng ở Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp cách mạng và văn chương của Hoài Vũ hoàn toàn gắn với Nam Bộ. Và nếu không rõ tiểu sử của ông thì nhiều người cứ ngỡ nhà thơ Hoài Vũ là người Long An, vì hầu hết sáng tác của ông đều gắn với mảnh đất này. Hoài Vũ tâm sự: "Người ta nói tôi là người Long An cũng phải. Long An đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ngoài Long An, tôi còn gắn bó với hai vùng đất khác là miền Đông Nam Bộ và vành đai ven Sài Gòn, những nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cung cấp nguồn sáng tạo vô tận cho trang viết của tôi"!

 Nhà thơ Hoài Vũ (bên phải) trong một chuyến thăm căn cứ văn nghệ ở Củ Chi.

Dưới mưa bom bão đạn, nhiều đồng đội và đồng nghiệp của Hoài Vũ đã ngã xuống, trong đó có những tên tuổi như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân… Hoài Vũ là một trong số ít những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ông tâm sự: "Đúng là số tôi may mắn. Nhiều lần tôi thoát chết trong gang tấc. Có lúc tôi đang đi thì bị bom B.52 hất lấp, may có bụi le ngã gần, tôi liền níu ngoi lên chớ không đã toi mạng. Một lần khác tôi qua sông Bé, nước chảy mạnh làm đứt dây mây, tôi trôi giữa dòng nước lồng lộn, nhưng may tấp vào… một gốc cây to nên thoát chết". 

Chiến tranh đâu chỉ bom đạn mà còn bao mối đe dọa khác luôn rình rập cướp đi sinh mạng con người. Nhà thơ Hoài Vũ kể rằng, nỗi ám ảnh nhất là những lúc đi chiến trường ba bốn tháng bám dân, có những vùng bị "đánh" trắng, không còn sự sống. Khi nước lên thì nhìn những dòng kênh rất thơ mộng, nhưng lúc nước rút thì xương người trắng xoá, có cả những mái tóc dài thiếu nữ quấn vào thân tràm. Đau lòng lắm. Dù vậy, người dân vẫn cố bám đất, bám làng, cày cấy dưới làn bom đạn, không chịu vào ấp chiến lược…Và cứ mỗi chuyến đi thực tế như vậy ông đã viết được năm bảy truyện ngắn, bút ký và vài bài thơ. Sự oanh liệt và nỗi bi thương cứ tự nhiên trào ra đầu ngọn bút!

Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhưng kỷ niệm chiến trường xưa vẫn luôn sống lại trong ông, nhất là hoạt động văn nghệ bưng biền với những hình ảnh đẹp của bao nhà văn đồng cam cộng khổ. Nhà thơ Hoài Vũ cho hay nhiều đêm ông thức trắng vì một mẩu hồi ức xốn xang nào đó: "Tôi nhớ anh Lý Văn Sâm, một nhà văn có tài, một chiến sĩ cộng sản vào tù ra khám suốt đời bám trụ chiến đấu với tất cả tấm lòng. Tôi cũng quí anh Trang Thế Hy, một cây bút tâm huyết, đáng trân trọng. Anh Đoàn Giỏi, một tài năng văn chương đích thực. Anh Nguyễn Văn Bổng, một nhà văn gốc Quảng Nam nhưng chí cốt với Nam Bộ, bất cứ nơi nào cần đến là anh có mặt. Và không thể quên anh Giang Nam, một con người chân chất, bình dị, sống có tình, gắn bó mật thiết với nhân dân. Giang Nam với tôi có đầy ắp kỷ niệm với nhau trên chiến trường Nam Bộ. Còn nhiều và nhiều nhà văn đáng nói đến nữa, nhất là những người đã đem sinh mạng của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc".

Theo dòng cảm xúc, nhà thơ Hoài Vũ còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động lẫn những chuyện cười… ra nước mắt về những nhân vật, những vùng đất mà ông từng gắn bó…

2.Không chỉ làm thơ viết văn, Hoài Vũ còn được biết đến như một dịch giả rất có duyên với văn học Trung Quốc đương đại. Những truyện do ông dịch như "Loạn luân", "Người đàn bà bất hạnh", "Nữ điền chủ cuối cùng", "A-sư-ma bé bỏng"… đăng nhiều kỳ trên báo chí được in thành tập "Đèn lồng đỏ treo cao cao" năm 2002 đã làm say mê bạn đọc một thời. Tập truyện dịch "Gió mưa đưa đẩy đôi ta" của ông được ấn hành năm 2013 cũng gây được chú ý.

Từ nhỏ, Hoài Vũ đã mê các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, như "Thủy Hử", "Hồng lâu mộng", "Tam quốc chí"… Sau này khi sử dụng thông thạo tiếng Hoa, ông có dịp tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc, mà tiêu biểu là của các nhà văn lớn: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Đinh Linh… Hiện nay, qua con đường giao lưu với bạn bè cùng các nguồn tư liệu của tờ báo Sài Gòn giải phóng Hoa văn mà một thời gian dài ông phụ trách, ông có điều kiện thường xuyên theo dõi sự phát triển của nền văn học Trung Quốc đương đại. 

Theo nhìn nhận của dịch giả Hoài Vũ, văn học Trung Quốc được dịch ở nước ta đã trở thành truyền thống, nhất là văn học cổ điển: "Trước năm 1975, sách văn học Trung Quốc tràn ngập Sài Gòn; bên cạnh văn học cổ điển là các tác phẩm đến từ Đài Loan, Hong Kong mà tiêu biểu là hai tác giả Kim Dung và Quỳnh Giao. Có cả sách đồi trụy, như bộ "Hoa Hoa công tử" của Hạ Phi rất dung tục, thác loạn. Tuy nhiên, chỉ có các tác phẩm kinh điển mới đứng vững lâu dài trong lòng bạn đọc". Riêng về Kim Dung, Hoài Vũ cho rằng tác phẩm của tiểu thuyết gia kiếm hiệp lừng lẫy này có ảnh hưởng rất lớn đối với độc giả Việt Nam, từ tầng lớp bình dân đến trí thức. Ông thổ lộ: "Tôi nhớ khi còn trong chiến khu, nhiều văn nghệ sĩ đã mang sách Kim Dung xuống hầm bí mật để đọc... Tuy nhiên, theo tôi những tác phẩm sau này của Kim Dung không hay bằng những tác phẩm trước đây của ông".

Từ những năm cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, sách Trung Quốc được dịch in tràn ngập thị trường Việt Nam, lấn át sách dịch từ Pháp, Nga, Anh, Mỹ… Hầu như sách gì ăn khách ở Trung Quốc thì lập tức có mặt ở Việt Nam, trong đó có sách văn học, dù không phải tất cả đều là văn chương thứ thiệt. Trước tình hình này, Hoài Vũ có cách đánh giá riêng: "Sự mở cửa quá thoáng của Trung Quốc dẫn đến tình trạng không quản lý nổi công tác xuất bản. Chẳng hạn, tập ảnh "Con người, thiên nhiên và nghệ thuật" gồm toàn ảnh phụ nữ khỏa thân chụp dưới mọi góc độ, nghệ thuật xen lẫn thô tục, bán rất chạy. Rồi trong khi qui định thế này thế nọ song sách viết về những thủ đoạn chính trị nham hiểm, chuyện phòng the dung tục của một số cựu lãnh đạo chủ chốt… thì xuất bản khắp nơi. Điều đó cho thấy rằng chúng ta cũng cần phải thận trọng khi cho xuất bản các ấn phẩm dịch từ Trung Quốc".

Cái sâu sắc của một người trải đời, sự hóm hỉnh của một người thông minh, nét hồn nhiên cởi mở của một tâm hồn thi sĩ đã tạo nên một Hoài Vũ rất có duyên khi đối thoại, nhìn nhận về cuộc sống và văn học

Theo Phan Hoàng (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm