Ông già Noel hay ông già Tuyết, bây giờ đã là một hình ảnh không thể thiếu trong mùa Giáng sinh của mọi người, nhất là những em nhỏ trong đêm giáng sinh vẫn mong chờ sự xuất hiện của một ông già mái râu tóc bạc phơ, đội chiếc mũ chóp nhọn cùng bộ quần áo màu đỏ, cùng với túi quà to đựng nhiều quà tặng…
Nhà thờ Khoái Đồng nhìn từ hồ Vị Xuyên. Ảnh: THANH SƠN.
Nhưng ở Việt Nam đâu là nơi khắc họa đậm nét Thánh Nicolas, một hình tượng "ông già Noel" thì không phải ai cũng biết. Theo thông tin thì ngoài nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt được khánh thành vào năm 1942, thì còn 1 nơi nữa đấy là Nhà thờ Khoái Đồng ở trung tâm thành phố Nam Định.
Theo lưu truyền, câu chuyện về ông già Noel bắt đầu bởi một vị thánh là Thánh Nicholas, ông sinh vào năm 280 tại một thành phố ở miền Tiểu Á, trong một gia đình giàu có. Cha mẹ ông qua đời khi ông còn nhỏ. Thánh Nicholas ngay từ khi còn tuổi ấu thơ đã được dạy dỗ và thấm nhuần Kinh Thánh nên một lòng tin vào Chúa, theo Đạo, sống vô cùng nhân hậu.
Câu chuyện về lòng tốt của ông cũng nhanh chóng được lan truyền, mọi người khi đó nếu nhận được một món quà bất ngờ họ đều nghĩ Nicholas là người ban tặng. Với tấm lòng tốt của mình, nhiều người đã đã gọi Nicholas là vị Thánh.
Làng Vị Hoàng (còn gọi là Vị Xuyên) ngày xưa có năm thôn gồm Thôn Khoái Đồng, Thi Thượng, Thi Hạ, Hậu Đồng và Lộng Đồng.
Nhà thờ Khoái Đồng được gọi theo tên thôn còn có tên gọi chính thức là Nhà thờ St. Nicholas được xây dựng vào năm 1934 do các cha Dòng Đaminh xây cất nhờ sự tham gia cộng tác đắc lực của giáo dân.
Nhà thờ có diện tích 5.800 m2, gồm Đền Nữ Vương các thánh Tử đạo, Giáo hoàng Chủng viện thánh Albertô, trường tu thục Saint Thomas… Đây có lẽ là nhà thờ có lối kiến trúc Gothic cổ độc đáo bậc nhất và duy nhất tại Việt Nam, với mái vòm cong được nâng đỡ với hệ thống xà bằng xi măng uốn lượn theo mái tạo ra thế vững chãi.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thì phong cách kiến trúc của Nhà thờ Khoái Đồng là sự kết hợp giữa ba trường phái lớn: Romansque, Byzantine và Gothic. Ba trường phái kiến trúc này xuất hiện theo tiến trình lịch sử qua các thời kỳ khác nhau.
Hình ảnh bên trong nhà thờ Khoái Đồng. Ảnh: THANH SƠN
Bên cạnh các đặc trưng riêng, các trường phái đều có sự chuyển tiếp và kế thừa tạo cho cả công trình có nét độc đáo. Nếu nhìn tổng thể thì Nhà thờ xây dựng với các hình khối và đường kẻ song song, tạo nên góc nhìn có vẻ khô cứng.
Tuy vậy, ở vườn Thánh, những kiến trúc lại gần như khác hẳn. Những đường nét mềm mại kết hợp với mầu sắc dịu mắt, tạo nên cảnh quan chung khá hài hòa. Mái vòm buồm của trường phái Byzantine (Đông La Mã) được thể hiện trong lối kiến trúc của nhà thờ Khoái Đồng, trên những bức tường là những cột trụ được tạc tượng những vị thánh Thiên Chúa giáo như thánh Patrick, thánh Peter, Giuse… rất công phu.
Một góc vườn Thánh của nhà thờ Khoái Đồng. Ảnh: THANH SƠN
Nhớ lại thời chiến tranh, năm 1966 nhà thờ bị một trận bom Mỹ ném làm cháy rụi gần như toàn bộ vật dụng, tường mái xám đen. Tôi vẫn còn nhớ một trái bom ném rất gần nhà thờ, một phân xưởng nhà máy dệt Dân Sinh đổ rụi, tuy nhiên nhà thờ gần hơn vẫn đứng nguyên vẹn, tường chỉ lở loét vì mảnh bom bắn vào. Nghe nói vật liệu xây dựng ngày xưa không chỉ có xi măng mà còn có mật mía và vôi.
Nhà tôi ngày xưa ở cuối con đường Lê Hồng Phong, cách nhà thờ khoảng hơn 1 km. Khi học cấp 2 chị em chúng tôi ngày 2 buổi đi qua hồ Vị Xuyên, vòng qua con hẻm bên hông nhà thờ đến trường (Hồi ấy nhà thờ này thường được gọi là Xanh-Tô-Ma và hồ Vị Xuyên gọi là hồ La Két).
Nhà thờ Khoái Đồng nhìn từ bên ngoài. Ảnh: THANH SƠN
Ngôi trường tôi học chính là khu nhà 3 tầng cổ có tên đúc phía trường là "Trường tư thục Saint Thomas". Mấy năm trước có ghé về thấy công trình này hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có cái tên cũ được che bằng tên trường Nguyễn Khuyến.
Năm 1973 sau hiệp định Paris, tôi đã từng cùng lũ bạn vài lần trốn học môn tiếng Trung, rủ nhau chui vào nhà thờ này khám phá, leo lên đỉnh mái vòm sờ tay vào chiếc còi hụ báo động 12 loa. Chiếc còi hụ này trước đó để sử dụng báo động mỗi khi máy bay Mỹ gần tới thành phố. Sau hồi còi hú xa hơn chục km vẫn nghe ấy là hệ thống truyền thanh thông báo: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý… Máy bay địch cách xa thành phố 50 km về hướng Đông, đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt máy bay địch".
Cái thời chiến tranh ấy, mỗi khi thành phố bị máy bay Mỹ ném bom, từ nơi sơ tán lũ trẻ chúng tôi hay leo lên cây xoan cao nhìn về phía thành phố, nhìn khói bom rồi chiếu theo tháp chuông nhà thờ để "định vị" xem khu nhà mình có bị bom ném không.
Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhà thờ Khoái Đồng ngày xưa với bóng dáng rêu phong cổ kính của mái vòm chính, ngọn tháp chuông cao, bây giờ dù được khoác lớp áo mới, Khoái Đồng vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố, nhà thờ như một biểu tượng của ký ức tuổi thơ mỗi khi nhớ về.
Một số hình ảnh của nhà thờ Khoái Đồng- Nam Định: