Nhà thơ Thanh Tùng |
Nhà thơ cứ luôn miệng nhắc: "Tôi năm nay ngần này tuổi rồi, làm được một vài "phi vụ". Trong đấy có "phi vụ"..."Thời hoa đỏ""". Nhưng, bài thơ nổi tiếng ấy vẫn chưa là "đỉnh cao phong độ" của Thanh Tùng, như cách ông thừa nhận.
- Thời ấy, nhà thơ Thanh Tùng thi Đại học Bách Khoa không đỗ, tham gia thanh niên xung phong, rồi được đi học và trở thành thầy giáo dạy thể dục... Chuyển tiếp sang làm bốc xếp bến cảng. Tiến một bước nữa thành... thợ rèn công xưởng. Những điều đấy đâu có liên quan gì đến... thơ, phải không thưa ông?
- Đúng là ngày ấy tôi chưa bao giờ có ý đồ theo nghiệp viết. Tôi chỉ thích làm kỹ sư thiết kế máy móc thôi. Tôi học khá nhất môn toán, điểm văn thường là vừa đủ hoặc dưới điểm trung bình. Nhiều lúc, thầy cô còn phê là làm văn lạc đề. Nhiều chuyện xảy ra như bạn đã thấy đấy, rồi làm thơ lúc nào cũng chẳng biết.
Mà phải hình dung như thế này, thời ấy, chúng tôi sống và viết ngay trong bom đạn. Có khi, cảm xúc tràn dâng bật thành thơ. Những năm ấy, tôi làm thơ bất kể dưới mưa bom hay bên cạnh những hoang tàn sau đợt càn quét. Đi đâu, tôi cũng có mẩu bút chì và tờ giấy con con để chép lại.
Cần thiết khi cảm xúc đến, tôi làm thơ ngay trên viên gạch non sau đuôi xe bò hoặc viết trên tấm tôn trong nhà xưởng. Hải Phòng những ngày bị rải bom, tối thường không có điện, chúng tôi lọ mọ dưới hầm trú ẩn viết theo kiểu chữ thật to rồi mai viết lại hoàn chỉnh hoặc nhẩm cho đến thuộc lòng rồi chờ trời sáng...
Trong hoàn cảnh ấy, thơ xa lạ lắm. Và tôi cho đó là thời khắc rất hiếm của lịch sử Việt Nam, nhà thơ vừa làm thơ vừa tham gia sản xuất và chiến đấu.
- Cái lạ ấy, theo ý ông, có lạ bằng sự ra đời "Thời hoa đỏ" của ông không ạ? Vì thời điểm mà cả nước quên mình cho cuộc chiến, thơ cũng phải phản ánh quá trình sống và chiến đấu. Đột nhiên, "Thời hoa đỏ" - một bài thơ "thuần" tình yêu lại ra đời và được in lần đầu tiên ngay trên tạp chí Văn nghệ Quân đội?
- Kể cũng lạ, hoặc nói cách khác là tôi... liều mạng. Ngày ấy, không mấy người viết về tình yêu mà không gắn liền với cuộc chiến như tôi cả. Nhưng tình yêu bao giờ cũng ám ảnh tôi. Khi viết xong "Thời hoa đỏ", tôi chẳng biết phải gọi đó là gì (?). Thật ra, tôi không gửi bài thơ ấy cho báo nào cả. Một người anh bên Văn nghệ Quân đội tới nhà "xách" đi in đấy chứ.
- Vậy là "Thời hoa đỏ" gặp hai lần may, nhà thơ nhỉ? Một lần là được in không cần gửi, lần khác là nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc... góp phần định danh nhanh chóng một nhà thơ Thanh Tùng?
- Không đâu. "Thời hoa đỏ" ra đời hơn 12 năm thì nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mới phổ nhạc kia mà. Dĩ nhiên, khi phổ nhạc thì nó phổ biến hơn. Nhưng khi in trên Văn nghệ Quân đội thì bản thân nó cũng đã gây tiếng vang lắm rồi. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng nhiều năm sau đọc "Thời hoa đỏ" trong tuyển tập thơ tình thấy hay, ông mới phổ nhạc đấy.
Hồi đó, Xuân Diệu nghe thơ tôi đã dẫn tôi về nhà ông để "khoe" tập thơ tình dày cộm chưa in. Xuân Diệu đưa tập bản thảo gí vài mặt tôi rồi bảo: "Chỉ có mỗi Thanh Tùng được đọc trước thôi, nhé!".
Hay như nhà thơ Chế Lan Viên vỗ vai tôi nói: "Thơ cậu...Tây Tây!". Cho đến giờ, mỗi lần tôi ra Hà Nội, nhiều anh em trong giới vẫn quây lấy tôi để nhờ tôi chép tay vài câu trong "Thời hoa đỏ"... Bấy nhiêu đó đủ chứng minh "Thời hoa đỏ" không "ăn may" từ giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng. Thật ra, tôi tàm tạm là người làm thơ có phong cách!
- Vậy có thể coi "Thời hoa đỏ" là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thanh Tùng không, thưa ông? Thêm nữa, vẫn có ý kiến cho rằng nếu "bóc" "Thời hoa đỏ" đi, thì sáng tác của Thanh Tùng... chẳng còn gì để nhớ?
- "Thời hoa đỏ" chỉ là một bài nhiều mơ mộng thôi, chứ nó không phải là đỉnh cao đâu. Đó là một bài tràn cảm xúc mà bật ra thơ. Có thế thôi, dẫu sao thì "Thời hoa đỏ" chỉ là một dạng thơ tâm tình.
Sáng tác của tôi không "mỏng" đâu. Tôi đã hai lần đoạt giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động đấy! Mà giải thưởng ngày ấy lớn lắm, bao gồm một bộ veston và chiếc xe đạp. Mà xe đạp thì "kinh khủng" thời đó.
Thêm nữa, nhiều câu thơ của tôi xét về mặt nghệ thuật thì không... đáng bỏ đi đâu, như: "Đôi nạng không bao giờ lớn lên trên đôi chân trẻ con"; "Quán ngập lá và mắt em đen thế/ Rượu không say chỉ đủ để buồn thôi"; "Em quăn cho con sóng/ Lẽ nào tôi không biển/ Em ném cho sợi buồn/Lẽ nào không sương khói/ Chỉ một chớp hôn thôi/ Thì đã Nha Trang rồi"...
Hoặc trường ca "Hành phương Nam" của tôi đâu phải là đồ vứt đi. Tôi tin như thế. Rồi những bài thơ tôi viết về đề tài công nhân, về mùa thu... Không phải đồ bỏ cả đâu.
- Xin phép hỏi ông một câu khá cũ. Theo nhà thơ Thanh Tùng thì điểm khác biệt lớn nhất của thế hệ làm thơ mà ông đã sống và thế hệ viết trẻ hôm nay là gì?
- Câu hỏi này không cũ đâu. Đây là vấn đề quan trọng đấy. Theo ý kiến của riêng tôi thì một người làm thơ phải có chỗ đứng như thế nào trong xã hội. Không phải là cứ đứng nghiêng hay đứng ngả là làm thơ cũng tốt như nhau đâu.
Thời của chúng tôi làm thơ trong bom đạn. Khi chúng tôi lung lay, thì tình yêu đất nước là động lực để chúng tôi lấy lại cân bằng. Cái chỗ đứng của thế hệ chúng tôi chính là lòng yêu nước đấy.
- Nghe nhiều văn nghệ sĩ kể lại, ngày trước mỗi lần nhà thơ Thanh Tùng ra phố thì luôn được... chị em phụ nữ săn đón. Thêm vào đấy, ông lại chuyên viết thơ tình và... mơ mộng. Chắc có nhiều chuyện tình cảm đáng kể lắm, thưa ông?
- Chuyện chị em săn đón thỉnh thoảng cũng có, nhưng không có nhiều chuyện tình đáng kể đâu. Vì cái số tôi may mắn về thơ tình mà lạ không may mắn về tình duyên. Tôi tin là Thượng đế đã lập trình hoá mỗi người. Và số phận tôi là làm thơ ngất ngưởng thế này thôi. Nhưng được cái, tôi tự do. Tự do chính là điều quan trọng nhất của sáng tạo.
- Năm 1994, ông vào Nam và viết được "Gió tự do thổi rộng mặt hè" (trích trường ca "Hành phương Nam"), vừa rồi ông lại ra Hà Nội và... gặp ngay căn bệnh khá nguy kịch. Giới văn nghệ ở TP.HCM rộ lên tin Thanh Tùng phải mổ và mở đợt quyên góp tiền viện phí giúp ông. Đột nhiên, ông lại băng vào Nam. Không hiểu sức khoẻ và chuyện viết lách của nhà thơ dạo này thế nào?
- Bệnh cũng nặng đấy, cần thiết phải mổ. Nhưng mổ thì tốn kém lắm. Tôi mua sách về tự nghiên cứu, biết bệnh nó phát triển cũng chậm nên cứ uống thuốc cầm chừng. Đợi khi nào không cầm chừng được thì sẽ mổ. Có gì nghiêm trọng đâu.
Tôi đang "âm mưu" thực hiện "phi vụ" viết trường ca về Hải Phòng. Viết đã được hơn 150 câu và được Hội Nhà văn Việt Nam tài trợ sáng tác 5 triệu rồi đấy. Nhưng trường ca chưa hoàn tất được ngay đâu, vì mình còn bận... trông cháu. Trông cháu mà mơ màng văn thơ thì... chết. Nên đợi con bé lớn chút nữa, tôi sẽ viết tiếp.
-Mong là cháu nhà thơ mau lớn để người đọc có dịp thưởng thức trường ca "Hành phương Nam" viết về Sài Gòn và trường ca "Phố cửa biển" viết về Hải Phòng. Câu hỏi cuối đặt cho nhà thơ là, giả dụ nếu khắc hoạ chân dung ông một cách ngắn gọn nhất ở thời điểm hiện tại, thì ông nói gì về một... Thanh Tùng ở đoạn cuối "Thời hoa đỏ"?
- "Bây giờ tôi ăn một nửa/ Nửa để dành cho những ngày xưa/ Bây giờ tôi đi giật lùi/ Tình yêu ở phía sau tôi...".
- Xin cảm ơn nhà thơ về buổi trò chuyện này và kính chúc ông sức khoẻ. Biết mình đang đi giật lùi như cách ông tự nhận là khó lắm đấy, phải không thưa nhà thơ Thanh Tùng?
NGÔ KINH LUÂN - (Theo Văn Nghệ Công an)