Chưa đầy 30 phút sau khi lực lượng thi hành án (THA) huyện Bến Lức (Long An) cưỡng chế, bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, người phải THA đã tái chiếm căn nhà và sinh sống cho đến nay.
Hai lần nhận bàn giao rồi lại bị tái chiếm
Đó là hoàn cảnh của anh Hà Thanh Kiệt (C4/31 ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang gặp phải.
Theo anh Kiệt trình bày, tháng 4-2016, anh mua nhà và đất đấu giá THA (diện tích khoảng 2.000 m2) tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An. Sau khi thủ tục bàn giao tài sản hoàn tất, anh khóa cửa chuẩn bị chuyển tới ở thì gia đình người phải THA lại mở khóa nhà, tiếp tục sử dụng.
Sau nhiều buổi hòa giải, thỏa thuận khó khăn, đầu năm 2018 Chi cục THA Bến Lức cưỡng chế giao tài sản cho anh Kiệt. Thế nhưng cũng như lần trước, chỉ 30 phút sau khi đoàn công tác đi khỏi căn nhà lại bị người phải THA tái chiếm lần hai.
Anh Kiệt bức xúc: “Tôi mua tài sản hợp pháp thông qua cơ quan nhà nước, đã thanh toán nghĩa vụ tài chính đầy đủ mà suốt hai năm nay nhà mình mà mình không được ở. Các cơ quan không có biện pháp nào để bảo vệ tôi hay sao? Phải chăng vì sự thờ ơ của các cơ quan hữu quan mà người phải THA càng coi thường pháp luật?”.
Anh Hà Thanh Kiệt bức xúc phản ảnh tài sản mình đã mua nhưng không được sử dụng. Ảnh: N.HIỀN
Trách nhiệm thuộc UBND cấp xã
Trao đổi với PV, ông Đoàn Kim Từ, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Bến Lức, cho biết hiện nay chi cục THA đã hoàn thành thủ tục bàn giao tài sản cho anh Kiệt, đồng thời đang thực hiện các thủ tục trước bạ, sang tên từ người phải THA qua tên anh Kiệt.
Theo quy định tại Nghị định 62/2015 hướng dẫn một số điều của Luật THA thì trường hợp người được nhận tài sản đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan THA dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản lần nữa.
Lúc này người đã nhận tài sản có quyền đề nghị UBND cấp xã nơi có tài sản giải quyết tiếp theo quy định pháp luật. Cụ thể, như ông Trần Bảo Thành, Phó Chủ tịch xã Mỹ Yên, thông tin với phóng viên: “Xã đã tiếp nhận đơn của anh Kiệt. Tới đây, xã sẽ yêu cầu người phải THA giao lại tài sản, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu tiếp tục không chấp hành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, xã sẽ tham khảo và phối hợp ý kiến các ban, ngành”.
Nói về thời hạn giải quyết trường hợp này, ông Phạm Chí An, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, cho biết: “Khi nào giấy tờ sang tên anh Kiệt, thuộc quản lý của xã thì lúc đó trách nhiệm mới thực sự thuộc về xã. Lúc này bên THA vẫn có trách nhiệm”.
Về thẩm quyền giải quyết tiếp vụ việc của anh Kiệt, ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An, trả lời: “Tôi ghi nhận vụ việc, sẽ cho kiểm tra và trả lời báo sau”.
Trước đó, năm 2011, ông Tạ Văn Đùa (Châu Thành, Tây Ninh), người phải THA, thấy căn nhà đã bị bán đấu giá của mình được người trúng đấu giá khóa cửa, bỏ không nên phá khóa vào nhà ở tạm. Ông Đùa sau đó bị khởi tố, truy tố về tội không chấp hành án, sau đổi sang tội sử dụng trái phép tài sản. Trong trường hợp này, chủ tịch UBND xã nơi có tài sản có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu người phải THA giao lại tài sản. Quyết định xử phạt nên kèm theo yêu cầu buộc người phải THA chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà người phải THA tiếp tục vi phạm thì hình thức xử lý nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Lúc này cơ quan công an sẽ xem xét trách nhiệm, có thể xử lý người vi phạm theo Điều 177 BLHS 2015 về tội sử dụng trái phép tài sản. Cụ thể, người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đến bảy năm tù. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM |