Chấp hành viên bị khởi tố, tắc việc giao tài sản

Pháp Luật TP.HCM ngày 24-8 phản ánh trường hợp ông Nguyễn Long Vân, nguyên phó trưởng Thi hành án (THA) TP Đà Lạt, Lâm Đồng (nay là Chi cục THA TP Đà Lạt), bị khởi tố vì bán đất giá rẻ, thiệt hại cho người phải THA hơn 17 tỉ đồng. Hơn sáu năm qua, tòa chưa xử mà ba lần trả hồ sơ theo hướng chưa đủ cơ sở kết tội khiến số phận pháp lý của ông Vân lơ lửng. Không chỉ thế, hậu quả pháp lý của việc khởi tố ông Vân còn ảnh hưởng lớn đến người mua trúng đấu giá khi vụ việc THA bị tắc tị.

Trả hết tiền, tám năm chưa giao tài sản

Theo hồ sơ, để mua được tài sản trong vụ án mà ông Vân tổ chức thi hành, người mua trúng đấu giá phải bỏ ra hơn 37 tỉ đồng (cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng).

Trước khi ông Vân bị khởi tố, trong hai năm 2009-2010, có gần 10 lần Chi cục THA TP Đà Lạt lên kế hoạch cưỡng chế buộc bà H. (người phải THA) giao tài sản nhưng đều bị gác lại. Bởi lúc đó UBND TP Đà Lạt chưa phê duyệt phương án cưỡng chế với lý do bà H. đang khiếu nại và cưỡng chế sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa phương…

Năm 2011 ông Vân bị khởi tố nhưng sau đó Chi cục THA TP Đà  Lạt cũng không thể cưỡng chế giao tài sản dù có nhiều cuộc họp để tìm ra hướng giải quyết. Thời điểm này chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (trưởng Ban chỉ đạo THA tỉnh) có công văn gửi VKSND Tối cao đề nghị có ý kiến thống nhất về việc giao tài sản bán đấu giá.

Khu đất đã bán nhưng chưa thể giao cho người trúng đấu giá. Ảnh: N.NGA

Năm 2013, VKSND Tối cao có công văn khẳng định: “CQĐT của VKSND Tối cao chưa xác định có vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản nên không tiến hành kê biên và cũng không có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền không được bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá…”.

Năm 2014, Tổng cục THA (Bộ Tư pháp) cũng có công văn đề nghị Ban chỉ đạo THA tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương, trong đó có Chi cục THA TP Đà Lạt sớm tổ chức việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

UBND tỉnh bảo chờ tòa xét xử

Nhưng tháng 4-2016, UBND tỉnh lại có công văn gửi VKSND Tối cao và TAND Tối cao với nội dung: “Việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì dư luận chưa đồng thuận do chưa xét xử đối với sai phạm của chấp hành viên (CHV) Nguyễn Long Vân. Nếu cưỡng chế sẽ gặp sự chống đối quyết liệt từ phía gia đình bà H.”. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị hai cơ quan này chỉ đạo việc xét xử đối với sai phạm của CHV để có cơ sở giao tài sản đấu giá.

Cũng trong năm 2016, cuộc họp liên ngành với 11 cơ quan, ban, ngành (trung ương và địa phương) đã được tổ chức để bàn về hướng giải quyết vụ việc nhưng không thống nhất được. Trong biên bản họp, đại diện TAND Tối cao có ý kiến: “Nếu kết quả bán đấu giá tài sản đúng thì phải giao tài sản bán đấu giá”.

Nhưng đại diện UBND tỉnh phản bác và bảo lưu quan điểm: “Bà H. cho rằng CHV bán tài sản với giá thấp nên kiên quyết không giao tài sản. Đề nghị các ngành tư pháp trung ương giúp tỉnh sớm giải quyết vụ án hình sự với ông Vân thì mới thi hành được”.

Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, Pháp Luật TP.HCM nhiều lần liên lạc tới UBND tỉnh Lâm Đồng nhưng cơ quan này từ chối tiếp xúc.

Thi hành án nói rất muốn giao

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục THA TP Đà Lạt Nguyễn Sỹ Cần cho biết có hai lý do khiến chưa thể giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong tám năm qua là bà H. liên tục khiếu nại và CHV Vân đang bị khởi tố.

Cũng theo ông Cần, những đơn thư mà bà H. khiếu nại đều đã bị bác, điều này có nghĩa là phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. “Vụ án rất phức tạp trong khi tôi mới về phụ trách chi cục được khoảng một năm. Hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên là phải giao tài sản cho người trúng đấu giá” - ông Cần nói.

Cục trưởng Cục THA tỉnh Lâm Đồng Trần Hữu Thọ khẳng định: “Quan điểm của cơ quan THA là việc nào ra việc đó, ai làm sai thì phải có trách nhiệm bồi thường. Bộ Tư pháp và Tổng cục THA đã nhiều lần chỉ đạo giao tài sản cho người mua trúng đấu giá và chúng tôi cũng rất muốn giao. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng phải chờ khi nào vụ án hình sự kết thúc thì lúc đó mới có thể xem xét”.

Trong khi đó, một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết Bộ Tư pháp vừa có công văn đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp để trao đổi hướng xử lý vụ việc này và báo cáo phó thủ tướng thường trực Chính phủ xem xét. Cạnh đó, Bộ Tư pháp còn có công văn đề nghị VKSND Tối cao xem xét, kịp thời chỉ đạo kết thúc điều tra vụ việc hình sự của ông Vân để chuyển hồ sơ sang tòa án có thẩm quyền để đưa vụ án ra xét xử. Từ đó Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Cục THA tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc.

Không cần chờ vụ án hình sự

Theo tôi, quan điểm của ngành THA và Bộ Tư pháp là phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là đúng với quy định của pháp luật. Bởi theo Điều 103 Luật THA dân sự thì việc giao tài sản là đúng vì việc mua bán đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền khẳng định là hợp pháp. Nếu lấy lý do chờ khi nào vụ án hình sự khép lại thì mới giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là không có căn cứ. Vì đây không thuộc trường hợp hoãn THA và tạm đình chỉ THA theo Điều 48, Điều 49 Luật THA dân sự.

Còn cho rằng CHV định giá tài sản sai thì đó là trách nhiệm của cơ quan THA. Không vì cái sai của cán bộ nhà nước mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người mua ngay tình.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm