Sáu năm trước, ông Nguyễn Long Vân là phó trưởng Thi hành án (THA) TP Đà Lạt, Lâm Đồng (nay là Chi cục THA TP Đà Lạt). Tháng 7-2008, cơ quan này thi hành một bản án với nội dung bà H. phải trả hơn 14 tỉ đồng cho người được THA. Chấp hành viên (CHV) T. đã kê biên, bán đấu giá một phần tài sản của bà H. và xác định giá hơn 14 tỉ đồng nhưng không ai mua nên đã giảm giá 10%.
Bán giá cao hơn khởi điểm
Cùng thời điểm này bà H. còn phải thi hành một bản án khác với số tiền hơn 33 tỉ đồng. Cộng với khoản phải thi hành trong bản án trên, tổng cộng bà H. phải thi hành hơn 48 tỉ đồng. Do tài sản kê biên ban đầu không đủ thi hành cho hai bản án nên lãnh đạo THA TP Đà Lạt đã thành lập hội đồng mới, giao cho ông Vân làm chủ tịch.
Cáo trạng của VKSND Tối cao quy kết: Ông Vân với tư cách là CHV làm sai luật, gây thiệt hại cho bà H. Cụ thể, ông Vân biết rõ hội đồng định giá tài sản do CHV T. đã bị giải tỏa nhưng khi làm chủ tịch hội đồng mới vào tháng 1-2009, ông đã không thông báo cho mọi người biết. Ông Vân chỉ nói tài sản kê biên bán không được, nay kê biên thêm, làm cho hội đồng này nghĩ đây là sự kế thừa hội đồng giá của CHV T. và sử dụng giá cũ làm căn cứ định giá.
Sau đó hội đồng đưa ra hai phương án: Một là định giá toàn bộ tài sản của bà H. được hơn 37 tỉ đồng; hai là định giá một phần diện tích đất và tài sản còn lại được hơn 20 tỉ đồng. Ông Vân đã tự chọn phương án một rồi ủy quyền cho Trung tâm Bán đấu giá tỉnh Lâm Đồng bán với giá khởi điểm hơn 37 tỉ đồng. Kết quả là có người mua với giá cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng.
Sau khi thành lập hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, cơ quan tố tụng kết luận: Tổng tài sản của bà H. là hơn 54 tỉ đồng nhưng ông Vân ủy quyền bán chỉ được hơn 37 tỉ đồng là gây thiệt hại cho bà H. hơn 17 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Vân còn có các vi phạm khác như: Không cho người phải THA thỏa thuận về giá tài sản kê biên; không đủ thành phần tham gia kê biên; không thông báo và niêm yết việc kê biên tài sản…
Ông Nguyễn Long Vân đang trao đổi với phóng viên. Ảnh: KT
Tòa không xử được
Năm 2011, ông Vân bị cơ quan điều tra của VKSND Tối cao khởi tố về tội ra quyết định trái pháp luật. Năm 2014, viện chuyển sang truy tố ông về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS (có hình phạt 3-12 năm tù).
Cáo trạng của VKSND Tối cao ký ban hành vào tháng 8-2014 được ủy quyền cho VKSND tỉnh Lâm Đồng chuyển qua TAND cùng cấp để xét xử. Tuy nhiên, từ đó đến nay tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung ba lần theo hướng quy kết ông Vân gây thiệt hại hơn 17 tỉ đồng là không có cơ sở.
Theo tòa, ngay khi có kết quả bán đấu giá, bà H. đã có đơn khiếu nại và có quyền làm đơn khởi kiện đến tòa án. Nếu có thiệt hại thì thực hiện việc bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sau đó mới xem xét đến trách nhiệm của CHV Vân và các thành viên khác có liên quan.
Biên bản định giá của hội đồng định giá do ông Vân làm chủ tịch đã tính giá tài sản hơn 37 tỉ đồng là theo giá thị trường, không thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định để đưa ra bán đấu giá. Người mua đã trả cao hơn giá khởi điểm, CQĐT không có cơ sở xác định những người tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá. Như vậy, nếu công nhận kết quả bán đấu giá nhưng không công nhận giá trị tài sản theo như giá đã bán là mâu thuẫn…
Nhiều khiên cưỡng
Một thẩm phán TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) phân tích: Dù có sai sót trong việc định giá nhưng nếu không chứng minh được quá trình bán đấu giá tài sản là vi phạm pháp luật thì ông Vân không có tội.
Bởi hội đồng định giá đưa ra một mức giá khởi điểm để bán công khai, không phải theo giá chỉ định nên có thể bán từ giá này trở lên. Quá trình bán đấu giá thì trung tâm bán đấu giá phụ trách, CHV không đóng vai trò gì. Chỉ khi nào chứng minh được CHV móc nối, thông đồng dìm giá thì hành vi này mới được xem là hậu quả của việc gây thiệt hại. Không thể lấy kết quả định giá của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự trừ đi kết quả đấu giá công khai để cho rằng CHV sai. Nói cách khác, chưa chứng minh được hậu quả gây ra thì không thể quy tội cho ông Vân.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan điều tra trưng cầu việc định giá căn cứ vào các hệ số nhưng không phải là giá thị trường. Giá thị trường được hiểu là trong quá trình bán đấu giá mà có người chấp nhận bỏ tiền ra mua tài sản. Chỉ khi chứng minh được quá trình bán đấu giá, CHV cố tình can thiệp để kết quả thấp hơn giá thị trường thì mới sai phạm.
Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã liên hệ nhưng đại diện TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết quan điểm đã thể hiện trong quyết định trả hồ sơ, không có ý kiến khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục THA TP Đà Lạt Nguyễn Sỹ Cần cho biết hậu quả của việc khởi tố ông Vân kéo dài. Cụ thể là từ đó đến nay THA chưa thể giao tài sản cho người mua trúng đấu giá được. Ngoài ra, đến nay chưa có quyết định xử lý kỷ luật nào đối với ông Vân và ông vẫn đang làm việc tại bộ phận văn phòng của Chi cục THA.
Tôi buồn lắm! Phải mất một lúc lâu PV thuyết phục thì ông Vân mới đồng ý dẫn về nhà. Tiếng là nhà nhưng thực ra đó là căn phòng trọ chật chội khoảng 15 m2 thuê với giá 1 triệu đồng/tháng. Đây là nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt của ông Vân cùng đứa con trai đang học lớp 11. Bảy năm qua, từ khi sự việc xảy ra, vợ ông đã về Nha Trang phụ nấu ăn cho một trường học. Hai đứa con gái lớn lúc ấy mới là sinh viên thì nay cũng đã tốt nghiệp và đi làm ở TP.HCM. Ông Vân trần tình: “Từ khi bị khởi tố, không được lên lương, những phụ cấp chức vụ trước đây cũng không còn. Kinh tế eo hẹp đã đành, ngay cả anh em bạn bè lúc trước chơi với mình nay họ cũng nghĩ mình là tội phạm, tôi buồn lắm...”. Ông Vân khẳng định mình không có tội và đợi ra tòa ông sẽ nói. Ông lý giải rằng hội đồng định giá đưa ra hai phương án là do thời điểm năm 2008, năm 2009 việc giao dịch nhà đất hầu như bị đóng băng và cả hai phương án này đều là cách tính đúng... |