“Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, năm 2016 tại Việt Nam, thời gian thực thi một phán quyết của tòa án thường kéo dài trung bình năm tháng, phá sản thì mất năm năm. Thứ hạng của cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong khối ASEAN còn khiêm tốn, xếp hạng 6/10 về thời gian thi hành án (THA) và 8/10 trong hiệu quả phá sản doanh nghiệp”. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực thông tin như trên tại hội thảo nâng cao hiệu quả THA để cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra ngày 24-7 tại TP.HCM.
Theo ông Lực, từ năm 2010 đến nay thời gian để THA một vụ việc là năm tháng, như vậy là thứ hạng của Việt Nam đã không có thay đổi và cải thiện gì trong bảy năm qua.
Trong năm 2016, THADS đã giải phóng trên 29.000 tỉ đồng, chín tháng đầu năm 2017 (tính từ tháng 10-2016 đến hết tháng 6-2017) là hơn 30.000 tỉ đồng cho nền kinh tế. Nhưng số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong còn nhiều (trên 210.000 việc tương ứng với trên 83.000 tỉ đồng).
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục THADS Nguyễn Văn Lực cho rằng trong 7 năm nay thời gian THA không có bất cứ thay đổi và cải thiện đáng kể. Ảnh: NGÂN NGA
Phó Cục trưởng Cục THADS TP Cần Thơ Nguyễn Đức Biên cho rằng theo BLDS 2015, sau khi bán đấu giá thành, người phải THA kiện thì tòa phải giải quyết việc tranh chấp đối với tài sản bán đấu giá thành. Điều này dẫn đến việc chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Đặc biệt là nguyên tắc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Quy định tại BLDS là tiến bộ nhưng Điều 48 Luật THADS về hoãn THA thì lại không xác định rõ hoãn trong giai đoạn nào. Chẳng hạn khi kê biên, định giá, giảm giá, bán đấu giá không xảy ra tranh chấp đối với tài sản nhưng khi bán đấu giá xong thì người phải THA lại khởi kiện ra tòa. Khi tòa thụ lý vụ kiện thì THA không thể giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Từ đó ông Biên đề xuất khi kê biên, xử lý tài sản để THA thì giao luôn tài sản cho bên thứ ba quản lý, trông coi nhằm hạn chế những tranh chấp sau khi cơ quan THA bán đấu giá thành.
Cục THADS TP.HCM thì kiến nghị cần nâng cao chất lượng hoạt động của các văn phòng thừa phát lại. Bởi đây là tổ chức THA và là đơn vị hỗ trợ cho cơ quan THA trong các hoạt động xác minh, tống đạt văn bản. Thế nhưng hiện nay hoạt động của thừa phát lại chưa hỗ trợ nhiều cho công tác THA. Đặc biệt việc tống đạt của một số văn phòng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, trình tự thủ tục còn sai sót và thường xuyên chậm về thời hạn.
Ông Nguyễn Văn Lực đặt câu hỏi: “Tại sao người dân cứ gửi đơn tới cơ quan THA mà ít ai nhờ thừa phát lại? Tôi mong rằng cơ quan chức năng xem xét các văn phòng thừa phát lại đã đáp ứng được các yêu cầu hiện nay hay không”.
Cạnh đó ông Lực cũng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng chấp hành viên nhũng nhiễu đương sự, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.