Nhà văn Bình Ca: 'Ông nào viết sách nên xếp vào hộ nghèo'

Tối 19-11, tại Hà Nội, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức sự kiện ra mắt tác phẩm Đi trốn và giao lưu với tác giả Bình Ca.

Đây cũng là lần đầu tiên nhà văn Bình Ca xuất hiện công khai trước công chúng trong một sự kiện ra mắt sách của mình. Trước đó, cuốn sách đầu tay của ông mang tên Quân khu Nam Đồng có thể nói đã tạo ra một “cơn sốt” trên thị trường xuất bản Việt Nam (tái bản 15 lần trong 4 năm).

Nhà văn Bình Ca (phải) tại buổi ra mắt sách. Ảnh V.THỊNH

Nhà văn Bình Ca cũng có thể được coi là người già nhưng tay bút trẻ sau 5 năm để bàn phím nghỉ ngơi mới trình làng cuốn sách tiếp theo của mình. Tại buổi ra mắt sách, ông cũng bộc bạch, sau Quân khu Nam Đồng ông đã có ý định không viết sách nữa. Tuy nhiên bối cảnh hối thúc ông viết tiếp cuốn thứ 2 cũng xuất phát từ việc rảnh quá, mà dịch COVID-19 cũng là một tác nhân.

Tại sự kiện này, nhà văn Bình Ca cũng đã thay mặt cho rất nhiều nhà văn khác bộc bạch một chuyện phổ biến mà ít nhà văn nào dám kể: Nỗi khổ phải tặng sách.

“Một người không là gì cả, 10 người không là gì cả, 100 người không là gì cả nhưng vài nghìn người thì có vấn đề…”- nhà văn Bình Ca nói về việc phải tặng sách.

Ông cũng hài hước trả lời câu hỏi viết sách vì tiền, viết sách để giàu bằng câu nói: "Để tiêu tiền một cách nhanh nhất thì tốt nhất là viết sách. Cứ trông thấy ông nào viết sách thì nên xếp vào hộ nghèo”.

Nhà văn Bình Ca tâm sự, ông coi văn chương là một niềm vui, một cuộc chơi và không coi đó là một nghề nghiệp. Vì đã là một cuộc chơi nên ông có quan niệm, đã chơi thì phải chơi gì cho đẹp và không lại lặp lại những gì của Quân khu Nam Đồng và phải đổi mới với lý do đó, Đi trốn ra đời.

Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Đi trốn kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm năm bạn nhỏ - con em cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao - giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm.

Năm cô cậu nhóc vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi. Trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trưởng thành lên, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.

Bìa cuốn sách. Ảnh Nhã Nam

Nhóm bạn con nhà lính từ Thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam - được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ.

Lũ trẻ đang ở tuổi mười hai, mười ba, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn.

Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích.

Cuộc phiêu lưu ly kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo.

Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam.

Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, đa phần lũ trẻ vẫn lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình.

Có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có đứa ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm