Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn xung quanh vấn đề này.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn
- PV: Năm qua anh hoạt động tích cực với nhiều kịch bản phim truyền hình dài tập được đưa vào sản xuất, anh nhận thấy mình đã có một năm làm việc như thế nào?
Nhà văn NGUYỄN MẠNH TUẤN: Kết quả tình cờ dồn vào một năm nên mọi người tưởng nhiều, thực ra, thời gian tôi viết 3 bộ phim này phải mất gần 5 năm trời.
- Anh hài lòng và tâm đắc nhất với kịch bản nào?
Cả ba kịch bản trên tôi đều ưng ý, nhưng gửi gắm nhiều hy vọng vào hai bộ phim lịch sử: Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô. Đây là hai bộ phim cùng được đầu tư lớn, không chỉ cá nhân tôi mà cả nhà đầu tư, hãng phim và toàn thể anh chị em nghệ sĩ, thành viên đoàn làm phim… đều quyết tâm dồn hết tâm lực cho một dòng phim lịch sử Việt Nam chất lượng cao, đem lại niềm tự hào cho điện ảnh Việt Nam. Tôi tin khi phim được phát sóng, người xem cũng sẽ chia sẻ với tâm huyết, công sức và kỳ vọng của chúng tôi.
- Nhưng vì sao hai phim “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Huyền sử thiên đô” đến nay đều rơi vào im lặng?
Thái sư Trần Thủ Độ đã sản xuất xong, Huyền sử thiên đô đã làm xong phần 1 (40 tập), đều đang đợi được phát sóng. Muốn trả lời câu hỏi bao giờ phát sóng nên hỏi Đài Truyền hình Việt Nam.
- Việc phát sóng những phim lịch sử đầu tư lớn khó khăn như vậy, liệu anh còn tâm huyết và còn muốn viết kịch bản phim lịch sử nữa không?
Tôi thuộc loại “ngoan cố”, càng khó khăn tôi càng tâm huyết vượt qua nó.
- Bộ phim “Công nghệ thời trang” đang phát sóng trên HTV9, là “cha đẻ” của nó, anh có thật sự hài lòng?
Tôi rất cảm ơn đạo diễn Đỗ Phú Hải đã có sự đồng hành rất tốt với ý tưởng và cấu trúc của kịch bản. Đạo diễn có những sáng tạo trong khâu chọn diễn viên và dàn dựng để tăng độ hấp dẫn của phim góp phần tạo sự thành công của bộ phim, thu hút được đông đảo khán giả.
- Theo anh, điều khó nhất khi viết kịch bản phim và khi sản xuất phim đề tài lịch sử là gì?
Là cái tầm của người nghệ sĩ, phải đạt độ ngang tầm với lịch sử. Thiếu cái tầm này, chỉ có thể cho ra những kịch bản và bộ phim sao chép, xào xáo, minh họa đơn giản hoặc thô thiển.
- Anh nhận thấy phim truyện truyền hình VN hiện nay được và chưa được điều gì?
Tôi chỉ có thể nói gọn lại là, chưa bao giờ việc viết kịch bản phim, sản xuất và phát sóng phim truyền hình lại dễ dãi như hiện nay.
Theo Như Hoa (SGGP)