Ngày 24-8 sắp tới, tại Nhà hát TP.HCM, nhạc sĩ Trần Quế Sơn sẽ tổ chức đêm nhạc Cõi quê (truyền hình trực tiếp THVL2) nhân 20 năm ngày mất thi sĩ Bùi Giáng. Đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Trần Quế Sơn, người được biết đến với nhiều ca khúc: Cõng mẹ đi chơi, Tre Việt Nam, Tình quê, Dùi chiêng… giới thiệu đến khán giả những ca khúc được lấy ý thơ, cảm tác từ những bài thơ của “tiên nhân” Bùi Giáng.
Đọc Cõi người ta viết ra bản nhạc
. Phóng viên: Thơ Bùi Giáng không dễ để đưa vào nhạc, anh cảm nhận như thế nào về thơ Bùi Giáng?
+ Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt; về cuộc ở, cuộc đi; về cái có và không; về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi.
. Câu trả lời của anh vẫn chưa thấy đủ. Bùi Giáng là một tên tuổi đa diện: Là nhà thơ tình lẫn điên, là nhà nghiên cứu uyên bác, là dịch giả với văn phong khúc chiết... Người nghe sẽ thấy một Bùi Giáng như thế nào trong nhạc của anh?
+ Khi tôi viết những ca khúc có từ ngữ, ý thơ, câu thơ… của nhà thơ Bùi Giáng thì tôi không phải chỉ cảm thơ ông mà cảm kích cả cuộc đời ông. Tôi cảm kích từ tư tưởng đến cuộc đời. Có thể là cảm cuộc đời ông hơn cả thơ ông. Tôi đọc rất nhiều sách Bùi Giáng dịch: Cõi người ta (Saint Exupéry), Mùi hương xuân sắc (Gérard de Nerval), Ngộ nhận (Albert Camus)… Đặc biệt với bản dịch Cõi người ta, cứ đọc vài ba trang tôi lại có thể ngồi viết ngay một bản nhạc.
Tôi dùng chữ “cảm thơ Bùi Giáng” chứ không phải phổ thơ, lời thơ… bởi nhiều sáng tác của tôi dành tặng thi sĩ này. Và trong nhiều nhạc phẩm tôi dùng những từ mà nghe vào biết ngay của Bùi Giáng. Như ca khúc Thưa các em miền Nam có những từ rất Bùi Giáng như: Mõm Cà Mau (mũi Cà Mau), đứt phựt dây đờn (đứt dây đàn), bao dong (bao dung), hôm kia hôm kĩa hôm kìa... Thơ Bùi Giáng là “đỉnh” và rất chặt chẽ nên không lấy thơ ông phổ nhạc không khéo sẽ thành hát thơ nên tôi chỉ dám dùng cảm thơ mà thôi.
Cố thi sĩ Bùi Giáng (phải) và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ. (Ảnh tư liệu)
Nhạc từ thơ Bùi Giáng: Thử thách cho ca sĩ
. Trong các ca sĩ anh mời tham gia đêm nhạc này, rất nhiều ca sĩ tôi nghĩ khó có thể cảm được thơ Bùi Giáng. Có phải áp lực từ thị trường hay việc truyền hình trực tiếp mà anh phải chọn một số ca sĩ như vậy?
+ Tất cả ca sĩ tôi mời trong đêm nhạc là những người bạn tôi đã tâm sự và cảm được nhạc của tôi. Và trong đêm nhạc, không phải tất cả ca khúc đều cảm thơ Bùi Giáng, hơn một nửa ca khúc là sáng tác khác của tôi, họ sẽ hát những bản nhạc đó.
Còn một số ca sĩ sẽ hát những bản tôi cảm thơ của Bùi Giáng. Với những người này, chính họ phải cảm được cả thơ lẫn nhạc chứ không thể chỉ thuộc lời. Như đoạn thơ của Bùi Giáng: “Em ngó buổi chiều buồn có phải. Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa. Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải. Sắc của trời hương của đất lưa thưa” trong bài Chiều; nếu không hiểu mà hát cái buồn bi lụy thì sẽ không ra Bùi Giáng được.
. Anh là người dẫn chuyện liveshow này, vậy trong đêm nhạc anh có phần giao lưu nào cùng những người thân, bạn bè của nhà thơ Bùi Giáng?
+ Tôi có mời kỳ nữ Kim Cương, nhà văn Bùi Văn Nam Sơn (chú họ Bùi Giáng), anh Thanh Hoài (cháu rể Bùi Giáng), nhiều bạn bè thân hữu của thi sĩ Bùi Giáng. Tôi mời những người này chính là đến xem đêm nhạc nhưng chắc chắn trong các khách mời sẽ có một hai người giao lưu và chia sẻ một vài kỷ niệm với thi sĩ Bùi Giáng cho đêm nhạc phong phú, tình cảm hơn.
. Xin cám ơn anh.
Bùi Giáng trong âm nhạc Từ trước đến nay, dường như chỉ mới có hai tác phẩm lấy cảm hứng, lời thơ từ thơ hoặc bản dịch thơ của Bùi Giáng. Đó là ca khúc Con mắt còn lại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với câu thơ: “Còn hai con mắt khóc người một con”(trong bài thơ Mắt buồn của Bùi Giáng) và nhạc phẩm Mùa thu chết của cố nhạc sĩ Phạm Duy với phần thơ từ bài L’Adieu (G. Apollinaire) với bản dịch Lời vĩnh biệt của Bùi Giáng. |