Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, Bùi Giáng trở thành đề tài của một tọa đàm khoa học, ban tổ chức nhận được nhiều tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà báo, những nhà thơ nhiều thế hệ thân thiết và quan tâm đến cuộc đời và tác phẩm của ông. Như TS Huỳnh Như Phương đã lược khảo lại cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Giáng với những đóng góp đặc biệt trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, dịch thuật (tham luận Bùi Giáng: Thơ phơi giữa nắng). Nhà giáo Nhật Chiêu đi sâu vào cảm hứng chơi trong thơ Bùi Giáng, một phong cách “trùng du điệp hí”, đùa giỡn với mọi thứ, kể cả giễu nhại những thần tượng đang lên, và kính cẩn một cách hồn nhiên trước những tượng đài mà tự ông thấy xứng đáng (Bùi Giáng “chơi”).
Ngoài ra, các vấn đề được đề cập tại tọa đàm cũng hứa hẹn sẽ góp phần làm rõ thêm phong cách cũng như những “ẩn ngữ” của Bùi Giáng: Bùi Giáng trong cái nhìn phê bình văn học của miền Nam trước 1975 (của Trần Hoài Anh), Bùi Giáng - quê nhà và cuộc đời (Vũ Đức Sao Biển), Cõi Mộng và Điên trong thơ Bùi Giáng (Huỳnh Thị Thu Hậu), Bùi Giáng với kinh Phật thuyết đại thừa vô lượng thọ (Giao Hưởng), Bùi Giáng - thi sĩ tinh quái của nền thi ca VN hiện đại (Lê Minh Quốc), Triết gia và thi sĩ (Bùi Văn Nam Sơn)...
Bên cạnh đó, phía gia đình cố thi sĩ Bùi Giáng cũng thực hiện một triển lãm sách và di cảo, bản thảo của Bùi Giáng tại hành lang tọa đàm. Nội dung trưng bày gồm: sách Bùi Giáng in trước 1975, sách Bùi Giáng in sau 1975, sách tái bản sau 1975, một số tập di cảo và trang thủ bút bản thảo.
Theo LAM ĐIỀN (Tuổi Trẻ)