Vào 20g ngày 21 và 22-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên âm nhạc của Phú Quang và Đỗ Bảo cùng hòa quyện trong một chương trình âm nhạc mang tên Hà Nội – Mùa chuyển.
Mỗi người có một giọng điệu, phong cách riêng nhưng Phú Quang hay Đỗ Bảo đều gặp nhau ở mảng đề tài nổi bật là tình yêu, những cung bậc cảm xúc yêu gắn với khung cảnh bốn mùa của Hà Nội.
Nhắc đến người nhạc sĩ đã khuất tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 3-4, nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ: “Tôi từng lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát câu nhạc của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, tôi có nhiều dịp được làm việc với chú trong những sự kiện biểu diễn mà chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần”.
|
Nhạc sĩ Đỗ Bảo trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: HÒA NGUYỄN. |
Với anh, nhạc sĩ Phú Quang là người hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa anh, trong đó có nhiều điều hay mà anh quan sát học hỏi được.
“Tôi hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công cũng như cách mà âm nhạc của chú đã sống được trong lòng công chúng”- anh nói.
Tác giả của Bức thư tình đầu tiên cũng tâm sự, cuộc hội ngộ này của nhạc sĩ Phú Quang và anh có thể là do những điểm tương đồng giữa âm nhạc của cả hai và đều nảy sinh bởi những ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển, môi trường âm nhạc của Hà Nội, bởi những nét tính cách Hà Nội, các mùa của Hà Nội, hay những góc tính cách lãng đãng trong tính cách mỗi người.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang, cũng là người cố vấn nội dung đêm nhạc bật mí: “Trong chương trình, Đỗ Bảo sẽ thoải mái sáng tạo với 3-4 bài của bố tôi. Tôi muốn sự thay đổi từ từ cho mọi người tiếp nhận chứ không muốn quá đột ngột”.
Nhận xét về sáng tác của Đỗ Bảo, cô nói: “Cùng viết về mùa đông Hà Nội chẳng hạn thì mùa đông của Đỗ Bảo có thể sẽ đẹp hiền hòa hơn, còn của bố tôi có gì da diết, buốt giá hơn”.
Đặc biệt, trong đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo, khán giả còn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thị giác song hành cùng âm nhạc của họa sĩ Lê Thiết Cương.
“Tôi sử dụng thủ pháp điêu khắc bằng ánh sáng để tạo chiều sâu cho sân khấu. Ở tiền sảnh Nhà hát Lớn, tôi sẽ làm cổng Hà Nội mùa chuyển. Tên 20 bài hát trong chương trình sẽ được trổ lên mái và hai bên cổng được và khi dùng đèn chiếu từ trên xuống sẽ in lên người nào qua cổng”- họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện đêm nhạc mở màn cho chuỗi chương trình 'Hà Nội - Mùa chuyển' với mong muốn góp phần tạo nên một bước chuyển cho đời sống văn hóa giải trí thủ đô.