Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và "Nơi gặp gỡ tình yêu"

Đây là chương trình Chân dung số 8 do Công ty Truyền hình Di động VTC  và Ánh Tuyết Band đồng tổ chức, sẽ được phát sóng trên kênh VTC HD1 vào 20h ngày 29-12.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và "Nơi gặp gỡ tình yêu" ảnh 1
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 01-10-1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang, tham gia cách mạng vào năm 1945. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên những tác phẩm thật sự để đời của ông chỉ xuất hiện trong những giai đoạn sáng tác sau đó vài thập kỷ.

Việc tập kết ra miền Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng của người nhạc sĩ Nam bộ. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời chung với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sĩ.

Hoàng Hiệp sống hơn 20 năm ở Hà Nội, cho đến 1975 thì trở về miền Nam. Ông đã viết hàng trăm bài hát, trong đó, tiêu biểu như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ và rất xúc động. "Thương hiệu" của Hoàng Hiệp trải đều 3 miền đất nước. Miền Trung - Tây Nguyên có Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ; miền Nam có Trở về dòng sông tuổi thơ. Riêng miền Bắc, bài hát Nhớ về Hà Nội là một tác phẩm đặc sắc, nếu không muốn nói là kinh điển của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng, nơi tác giả gửi gắm một phần tuổi trẻ. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.

Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói như: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu..., nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn...

Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Ca sĩ Văn Hanh, người đầu tiên thể hiện bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương khoảng năm 1957, khi ông còn công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhớ lại: “Vào thời điểm chiến tranh đó, đã có rất nhiều người cho rằng Câu hò bên bờ Hiền Lương không hợp với thời cuộc vì tình cảm ướt át quá. Nhưng sau khi bài hát được phát sóng rộng rãi trên khắp miền Bắc, ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài. Nhiều lá thư gửi về cám ơn nhạc sỹ, ca sỹ đã mang lại cho họ một ca khúc thật ý nghĩa, và rằng chính những ca từ trong trẻo, sâu lắng trong lời bài hát đã làm họ thêm yêu mến quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược. Hoàng Hiệp là một nhạc sĩ tài năng, luôn chất chứa tình yêu đất nước trong mỗi ca từ của mình”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và "Nơi gặp gỡ tình yêu" ảnh 2
Ca sĩ Văn Hanh, người đầu tiên thể hiện bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Còn với nhạc sĩ Văn Dung, một người bạn lâu năm của Hoàng Hiệp, thì Hoàng Hiệp một người có tính cách âm nhạc rất riêng: từ cách nhìn đến phát hiện vấn đề. Hoàng Hiệp rất giỏi trong việc truyền tải ý tưởng của qua ngôn ngữ âm nhạc tới người nghe. Ông là một trong số ít nhạc sĩ thành công với việc phổ nhạc cho thơ, nâng những cánh thơ bay cao, bay xa bằng âm nhạc.

Trong buổi họp báo sáng 21-12 tại Hà Nội, BTC đêm nhạc “Hoàng Hiệp - Nơi gặp gỡ tình yêu” cho biết, nếu như trong nhạc của Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn… không thể thiếu những giai nhân, thì nhạc của Hoàng Hiệp dường như ngược lại. Bởi, Hoàng Hiệp sáng tác nhiều về tình yêu, nhưng là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với những người con gái Việt Nam nữ tính dịu dàng nói chung, chứ hầu như không về cụ thể một bóng hồng nào từng đi qua đời ông.

Một trong những nét mới của chương trình chân dung số 8 “Hoàng Hiệp - Nơi gặp gỡ tình yêu” so với các chương trình trước - là sẽ xuất hiện những ca sĩ mới so với seris chân dung các tác giả trước. Đó là các giọng ca như Ánh Tuyết, Thanh Thúy, Cao Minh, Đức Tuấn… 

Lấy chủ đề xuyên suốt là những cảm xúc về tình yêu quê hương - đôi lứa trong sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, các ca khúc trong chương trình sẽ được kết hợp với những câu chuyện nhỏ, nhân vật ngoài cuộc sống, cùng nhiều tư liệu lịch sử, cũng như hình ảnh mới nhất của nhạc sỹ Hoàng Hiệp qua các phóng sự đồng hành được nhóm phóng viên kênh VTC HD1 thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM trong tháng 12-2009.

Theo Văn Trinh (VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm