Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cũng chia sẻ cùng PV những câu chuyện xung quanh ca khúc "Thời hoa đỏ" (phổ thơ Thanh Tùng) cũng ông - ca khúc mà từ khi ra đời đến nay đã trở thành bài hát "ruột" của nhiều thế hệ thanh niên và cả những người đã đi qua cái "thời hoa đỏ". Ca khúc này nằm trong chùm tác phẩm đã mang về cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
- Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, ca khúc "Thời hoa đỏ" được đánh giá là một trong những bản tình ca hay nhất thời kỳ đổi mới với những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ đẹp, giàu tính biểu cảm. Nghe ca khúc này, nhất là vào thời điểm hè về, phượng nở, dường như ai cũng tìm được chút cảm xúc của mình trong đó. Ông hẳn rất vui khi đứa con tinh thần của mình được yêu mến như vậy? Có điều gì đặc biệt ở hoàn cảnh ra đời bài hát này không, thưa ông?
+ Tôi thật sự hạnh phúc khi bài hát của tôi từ khi ra đời đến nay vẫn được khán giả yêu mến. Tôi phổ nhạc cho ca khúc này trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 1989, tôi là một trong 4 nhạc sĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đi dự trại sáng tác ở Liên Xô (cũ).
Ngày ấy, do hơi chủ quan nên quần áo tôi mang sang không đủ ấm để chống chọi với mùa đông giá lạnh bên đó. Sau một tuần, tôi bị ho ra máu. Tình hình nguy kịch, nửa đêm, tôi được anh em cùng đoàn và các đồng nghiệp Nga cho đi viện. Nằm hơn một tháng thì tôi được chuyển sang Viện Lao. Thời gian ở viện buồn kinh khủng.
Bạn có thể tưởng tượng, xa người thân, xa gia đình, xung quanh chủ yếu là người lạ. Hàng ngày, tôi cứ đứng tựa cửa sổ bệnh viện nhìn tuyết phủ trắng xóa bên ngoài, cảm giác cô đơn, nhớ nhà càng xâm lấn tâm hồn. Để đỡ buồn, tôi lục balô lấy quyển "99 bài thơ tình" mà tôi mua ở Việt Nam để đọc. Tôi vốn là người rất yêu thơ. Khi đọc đến bài thơ "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùng, không hiểu sao những hình ảnh "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ" cứ ám ảnh tôi...
Cảm xúc nuối tiếc, buồn bã của nhà thơ sao giống mình đến thế. Bài thơ thức dậy trong tôi những trải nghiệm, những cảm xúc của mình trước đây và tôi như gặp lại mình của những năm về trước. Ngay sau đó, những giai điệu đầu tiên của bài hát tự nhiên ngân lên trong tôi. Khi bài hát hoàn thành, tôi ngồi hát trên giường bệnh và thấy lòng nhẹ bẫng như vừa trút bỏ được những buồn phiền trước đó. Sau này về nước, tôi có hoàn thiện lại thêm một chút và ca sĩ Lệ Thu trong TP HCM là ca sĩ đầu tiên hát thành công bài hát này.
- Không khó để những người biết và yêu bài thơ "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng nhận thấy khi phổ nhạc, ông đã thay đổi hai câu thơ khá quan trọng của bài, từ "Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi" thành "Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi" và "Như máu ứa một thời trai trẻ" thành "Như nuối tiếc một thời trai trẻ"?
+ À đúng, đấy là những thay đổi có chủ ý của tôi. Những thay đổi nhỏ nhưng lại làm thay đổi hẳn tinh thần của tác phẩm. Tôi cho rằng, khi nhớ về những kỷ niệm xưa thường khiến người ta buồn. "Tan tác" và "máu ứa" để ở thơ thì rất hợp vì đó là những từ rất ấn tượng, nhưng ở bài hát thì buồn quá. Tôi không muốn nỗi buồn quá bi lụy mà thích nó trong sáng, lạc quan hơn. Hơn thế nữa, sự thay đổi ấy khiến cho từ nỗi đau riêng của một người thành nỗi niềm hoài niệm, tiếc nuối của nhiều người hơn.
Còn có một sự thay đổi nữa ở ngay câu đầu tiên: "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh dắt tay em bước dọc con đường vắng", tôi chuyển thành "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng trên con đường vắng năm nao" để tạo không gian lãng mạn, hai người như đang lặng lẽ đi trên con đường mòn về với kỷ niệm. Tôi có cảm giác nhà thơ không viết cho lớp trẻ mà viết cho những người đã trải nghiệm nên khi phổ nhạc, tôi để điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi" thành hát bè. Điều đó khiến ta có cảm giác như kỷ niệm ào ạt tràn về. Và hai nhân vật trữ tình ấy được sống trọn vẹn trong không gian ấy.
- Nhà thơ Thanh Tùng có tâm sự trên báo rằng "Đầu những năm 90 của thế kỷ trước tôi tình cờ nghe được bài hát "Thời hoa đỏ" trên sóng phát thanh. Cảm xúc khi nghe điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi" khiến tôi tưởng như bay lên. Âm nhạc của anh Nguyễn Đình Bảng chẳng những chắp cánh cho thơ ca mà còn giúp cho tôi vượt qua những hệ lụy đời thường đang trĩu nặng"... Ông có cho rằng, đó là một sự khen ngợi?
+ Với nhà thơ Thanh Tùng, tôi biết thơ trước khi gặp ông. Tôi được biết, bài thơ "Thời hoa đỏ" được nhà thơ Thanh Tùng sáng tác để tưởng nhớ người vợ đầu đã mất của ông. Tuy chia tay nhau từ lâu nhưng ông vẫn thương nhớ bà và khi bà mất, nỗi bi thương trong lòng ông đã kết tinh thành "Thời hoa đỏ". Thanh Tùng cũng có một cuộc đời khá long đong, vất vả. Sau này, ca khúc được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm do Hội VHNT Hải Phòng trao tặng.
Mãi sau này, khi gặp Thanh Tùng, tôi mới muộn màng xin phép ông về sự thay đổi từ ngữ trong ca khúc của mình. Tôi cho rằng để ca khúc sống được trong lòng khán giả là một cái duyên và sự may mắn. Có bài thơ hay của Thanh Tùng rồi mới có ca khúc của tôi. Tôi còn phổ nhạc bài thơ "Hai nửa vầng trăng" của Hoàng Hữu, tôi cũng khá tâm đắc nhưng ca khúc chưa có được may mắn như "Thời hoa đỏ".
- Ông và nhà thơ Thanh Tùng đã nói hộ về "thời hoa đỏ" của rất nhiều người, thế còn "thời hoa đỏ" của ông thì sao?
+ Thời hoa đỏ của tôi khá vất vả đấy. Nhưng cũng nhiều niềm vui. Quê gốc của tôi ở Lý Nhân - Hà Nam nhưng từ nhỏ gia đình tôi chuyển sang Thái Bình. Nhà tôi nghèo lắm. Tôi thì mê văn nghệ và có năng khiếu thổi sáo từ nhỏ. Năm học lớp 6, lớp 7, trường xa nhà, tôi ở nhờ nhà anh chị họ, vừa học vừa lao động tự kiếm sống. Hết cấp 2, tôi thi đỗ vào cấp 3, nếu học phải lên thị xã Thái Bình nhưng lên đó không có việc làm thêm, gia đình không có điều kiện chu cấp nên tôi phải nghỉ học.
May quá khi đó, Trường đại học Sân khấu về Thái Bình tuyển sinh, tôi dự thi và sau đó trở thành học viên khóa đầu tiên khoa đàn dân tộc. Ra trường, tôi may mắn về công tác tại Đoàn Chèo I thuộc Nhà hát Chèo Trung ương. Tuổi trẻ của tôi đã có những năm tháng cùng đoàn biểu diễn ở Trường Sơn cho các đơn vị bộ đội xem. Gian khổ, hiểm nguy nhưng rất vui.
Việc chuyển sang học sáng tác âm nhạc của tôi cũng đặc biệt. Năm 1968, tôi xin lãnh đạo Nhà hát cho đi học nhưng không được vì lúc đó tôi đang là nhạc công đánh đàn tam thập lục chủ lực của dàn nhạc. Nếu tôi đi lúc đó, không có ai đánh đàn.
Thế là từ đó, trong mỗi đợt đi biểu diễn dài ngày, những lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ, lặng lẽ dạy cho các bạn trẻ muốn chơi đàn. Tới năm 1971, yên tâm vì có người có thể đảm nhiệm vị trí của mình, tôi quyết định thi với tư cách thí sinh tự do. Tốt nghiệp, tôi về làm việc ở Nhà xuất bản Văn hóa, sau sang Nhà xuất bản âm nhạc với cương vị Trưởng phòng băng đĩa cho đến khi về hưu.
- Sau khi về hưu, ông có tham gia làm việc tại Trung tâm Bản quyền âm nhạc với tư cách Phó giám đốc Trung tâm, tại sao sau 4 năm, ông lại xin thôi?
+ Tôi đánh giá cao ý tưởng và công lao của nhạc sĩ Phó Đức Phương khi đứng ra thành lập Trung tâm Bản quyền Âm nhạc và bản thân cũng có đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình cho Trung tâm. Năm 2006, tôi xin nghỉ, nhường lại cho anh em lớp trẻ năng động, giỏi tiếp cận với khoa học công nghệ, phục vụ công việc tốt hơn.
- Thời điểm này, ông vẫn sáng tác đều chứ?
+ Tôi vẫn có những chuyến đi thực tế sáng tác và có thể hiểu là viết theo "đặt hàng". Tuy nhiên viết theo kiểu này cũng không dễ. Với tôi, đi chỉ là cái cớ để tìm hiểu, tiếp cận cuộc sống còn sự trải nghiệm sẽ mách bảo viết về vùng nào, ngành nào chung quy lại cũng là viết về buồn vui, khát vọng của con người mà thôi. Tôi có một số ca khúc được khán giả yêu mến viết theo “đặt hàng” như: “Du thuyền trên sông Lam”, “Ngôi sao biển”...
Bên cạnh viết nhạc, tôi còn làm thơ. Tôi đã xuất bản một tập thơ năm 1994. Năm nay, tôi dự định ra mắt tập thơ - nhạc gồm 71 ca khúc (số tuổi của tôi) và 36 bài thơ, dự định in chùm CD ca khúc theo từng chủ đề.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe để thưc hiện những dự định này!
Theo Thảo Duyên (Văn nghệ Công an)