Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: 80 năm mất mát và thăng hoa

(PLO)-  80 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề, trải qua bao thăng trầm, mất mát cùng những giai đoạn lịch sử, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã để lại nhiều ca khúc bất hủ và truyền cảm hứng cho bao thế hệ.

Những ai yêu mến ca từ bài hát Khát vọng: “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao/ Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông…”, có lẽ sẽ không thể nào quên cha đẻ của ca khúc truyền lửa cho bao thế hệ người trẻ và nhân dân nói chung - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Người chiến sĩ, nhạc sĩ thời đạn bom

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn quê gốc ở huyện Xuân Trường (Nam Định). Tuy nhiên, cha mẹ ông sang Campuchia làm ăn từ năm 1930 và sinh ông tại đây vào năm 1942. Trong những ngày sống tha hương, tình yêu với âm nhạc đã luôn cháy bỏng trong ông. Năm 15 tuổi, dù chưa hiểu và học âm nhạc nhưng ông vẫn sáng tác và được bà con kiều bào hát, đón nhận.

Nhạc sĩ tài hoa Phạm Minh Tuấn ghi dấu ấn qua nhiều ca khúc bất hủ. Ảnh: VĂN HÀ

Đến năm 18 tuổi, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tìm đường về nước, gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm người lính văn nghệ tiên phong. Năm 1961, ông viết bài hát đầu tiên Tiếng hát dân công phục vụ bộ đội quân giải phóng đánh chiếm thị xã Phước Thành (Bình Dương ngày nay).

Sau đó, nhờ được một nhạc sĩ là cán bộ kháng chiến chống Pháp hướng dẫn thêm nhạc lý nên nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết được bài hát Qua sông (1963). Đây cũng là bài hát đặt nền móng ban đầu khiến ông tin tưởng đi theo con đường âm nhạc lâu dài. Bài hát được nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1960-1965 cùng 12 bài hát khác.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác nhiều hơn và “chín muồi” trong lĩnh vực. Nhờ sự hướng dẫn của hai người thầy Đàm Linh (Nhạc viện Hà Nội) và Ca Lê Thuần (Nhạc viện TP.HCM), ông đã tốt nghiệp ngành sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM.

Dùng âm nhạc khắc họa những nỗi đau

Nếu như trong thời điểm “bom rơi đạn lạc”, các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn như Xuân về trên quê ta, Giọng hò trên sông Ba Lai, Bài ca nữ tự vệ Sài Gòncổ vũ tinh thần chiến đấu của các đồng đội thì khi hòa bình, những ca khúc của ông lại khắc sâu những nỗi đau chiến tranh mang lại, trong đó tiêu biểu là hai ca khúc Bài ca không quên (1981) và Đất nước (1985).

Bây giờ anh cũng đã lớn tuổi nhưng sự nhiệt tình, nhiệt huyết và năng lượng của anh vẫn rất mạnh mẽ, tích cực. Nó lan tỏa đến những người trẻ tuổi, những thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ trẻ...

NSND TẠ MINH TÂM nói về nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

Bài ca không quên được ông sáng tác theo “đơn đặt hàng” cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông - phát sóng năm 1982. Bộ phim nói về cảm giác của một người lính trở về từ cuộc chiến, được sống trong sung sướng, đủ đầy lại bâng khuâng nhớ về những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử.

Cùng với nỗi đau chung của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng mang trên mình nỗi đau riêng, đó là sự hy sinh của người cha khi đang chiến đấu kháng Pháp tại núi Sam Châu Đốc (1946) và người con gái đầu lòng mới sáu tháng tuổi vào năm 1964. Lúc này, nhạc sĩ đang cùng Đoàn văn công Giải Phóng biểu diễn ở Bến Tre. Do nuôi con nhỏ trong rừng thiếu thốn đủ thứ lại phải chạy càn liên tục, bé phải uống nước cơm pha với đường, thỉnh thoảng mới có sữa nên hai vợ chồng bàn cách đưa con về quê nhờ bên ngoại nuôi giùm. “Trên đường ra vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, vợ tôi bị lọt ổ phục kích. Khi nghe súng nổ, bé khóc, vợ tôi phải rằm nạp xuống và ấn bầu sữa cho con bú để che mắt địch. Khi tiếng súng êm, nhìn lại thì cháu đã ngộp thở mất” - nhạc sĩ đau buồn kể lại.

Nếu như với Bài ca không quên, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành thì ca khúc Đất nước, thơ Tạ Hữu Yên đã “ngốn” của ông hẳn một năm trời. Ông tâm sự muốn khắc họa nét riêng, không lặp lại chính mình và những tác phẩm đã có.

Có thể nói sự hy sinh thầm lặng của người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được ông đưa vào khuông nhạc một cách uyển chuyển qua các chi tiết: “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”...

Góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ

Là người được lựa chọn đầu tiên để thể hiện ca khúc Bài ca không quên và gắn liền với tên tuổi của mình trong suốt 40 năm qua, ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ: “Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn giống như “đo ni đóng giày” cho giọng hát của tôi vậy nên những bài nào anh đưa tôi thể hiện thì thường đa số là thành công và được khán giả đón nhận”.

Còn với NSND Tạ Minh Tâm, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không chỉ là thế hệ đàn anh thời sinh viên mà còn là bậc tiền bối trong Nhạc viện TP.HCM.

Bên cạnh việc sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong giảng dạy, NSND Tạ Minh Tâm cũng đã thể hiện nhiều ca khúc của ông như Đất nước, Sao biển và đặc biệt là ca khúc Dấu chân phía trước.

“Đây là ca khúc lớn của anh mà tôi hát rất nhiều lần. Đặc biệt là trong chương trình về nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tôi sẽ thể hiện lại ca khúc này” - NSND Tạ Minh Tâm cho hay.

Đêm nhạc “Sống và ước vọng”

Tối 26-12, đêm nhạc giới thiệu chân dung và các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với chủ đề “Sống và ước vọng” sẽ diễn ra tại Nhà hát TP.HCM.

Chương trình do Sở VH&TT cùng Hội Âm nhạc và Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM phối hợp tổ chức và thực hiện.

“Sống và ước vọng” là những lát cắt sống động khắc họa chân dung của người chiến sĩ - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, một người truyền lửa cho bao thế hệ yêu âm nhạc đồng thời là nhà quản lý một đời cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Đêm nhạc có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ như NSND Tạ Minh Tâm và các ca sĩ Cẩm Vân, Quốc Đại, Ngọc Ánh, Võ Hạ Trâm, Cao Công Nghĩa…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới