Phản hồi kiến nghị của gần 400 nhạc sĩ đòi tác quyền, ngày 12-6, phát biểu trên Báo Hà Nội Mới, bà Phan Tuyết Minh - Giám đốc Hệ âm nhạc VOV3 (Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) cho rằng bản kiến nghị này có nhiều điều không xác thực. Theo bà Minh, “Trong khi một số cơ quan truyền thông chỉ trả 200 ngàn đồng/ca khúc, Đài VOV đã trả từ một đến 1,5 triệu đồng tùy theo quy mô của tác phẩm. Nhạc không lời với một tác phẩm không dài là năm triệu đồng/bản, hợp xướng từ 15 đến 30 triệu đồng”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam đã không đồng ý với phát biểu của bà Minh.
Không thể trả tiền một lần rồi tùy tiện dùng!
. Thưa ông, bà Phan Tuyết Minh cho rằng hiện nay nhạc sĩ nào có tác phẩm công bố trên làn sóng của đài vẫn được trả nhuận bút thông qua trung tâm. Ông giải thích như thế nào về điều này?
+ Trong bản kiến nghị, chúng tôi có nói rõ việc những năm gần đây đài có trả nhuận bút cho một số nhạc sĩ. Nhưng đó là số tiền nhuận bút ban đầu, không thể là tiền mua đứt tác phẩm. Tôi nghĩ đã có sự nhầm lẫn giữa “tiền nhuận bút” và tác quyền.
. Phải chăng đài có ký hợp đồng độc quyền với các nhạc sĩ để sử dụng tác phẩm của họ?
+ Tôi khẳng định không có hợp đồng nào được ký kết theo dạng độc quyền như từ nay đài toàn quyền sử dụng tác phẩm. Nếu như có hợp đồng độc quyền thì mức trả từ một triệu đến 1,5 triệu đồng/tác phẩm là không chấp nhận được. Phía đài cũng quên rằng những năm trước đài chỉ trả cho các nhạc sĩ vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng. Lẽ nào với số tiền đó đã đủ thay thế việc trả tiền tác quyền khi sử dụng tác phẩm trong nhiều năm sau?
Tôi cũng nói rõ thêm: Hiện nay VOV có bảy kênh phát sóng: VOV1, VOV2, VOV3, VOV4, VOV5 và kênh Zone FM. Trong đó kênh Zone FM - kênh do đài hợp tác với một đối tác Malaysia là có trả tiền tác quyền. Tôi biết sở dĩ đài trả tiền là do phía đối tác nước ngoài yêu cầu rất kiên quyết, nếu không họ sẽ không ký hợp đồng. VOV đã chuyển cho trung tâm chúng tôi hơn một trăm triệu đồng tiền tác quyền. Trung tâm cũng có công văn yêu cầu đài cung cấp danh mục các bài hát đã sử dụng, số lần sử dụng để chúng tôi tiện phân phối số tiền cho các nhạc sĩ. Nhưng nhiều lần chúng tôi gửi công văn đến mà đài không hề trả lời. Cho đến giờ, sau hơn một năm nhận tiền, trung tâm vẫn đang giữ số tiền đó mà chưa trả được cho các nhạc sĩ.
Cần thái độ ứng xử văn hóa
. Bà Tuyết Minh dẫn mục e điều 25 (trang 29) của Luật Sở hữu trí tuệ quy định một trong những hình thức sử dụng tác phẩm phải xin phép nhưng không cần trả tiền nhuận bút, thù lao: “Biểu diễn trên sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào”. Bà Minh cũng cho rằng đài không làm công việc kinh doanh, không thu tiền thính giả. Ông nghĩ gì về điều này?
+ Điều bà Minh viện dẫn quy định về lĩnh vực biểu diễn chứ không phải lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Bộ luật Dân sự năm 2005 đến Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 không có điều nào nói về việc phát thanh các tác phẩm âm nhạc mà không trả tiền tác quyền. Tôi còn biết Bộ Tài chính đã hai lần giải thích cho các đài phát thanh, truyền hình địa phương về việc cần trả tiền tác quyền cho các tác phẩm âm nhạc. Vì vậy, kiến nghị của gần 400 nhạc sĩ là hoàn toàn đúng.
. Đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam có nói nhiều đến việc đài đã tạo điều kiện cho nhiều nhạc sĩ qua làn sóng của đài mà thành danh, đến được với đông đảo công chúng. Nhiều nhạc sĩ còn đến nhờ đài phát sóng miễn phí để quảng bá tác phẩm của họ…
+ Tôi thấy đó là thái độ hết sức đáng buồn! Nhà đài cần có thái độ ứng xử văn hóa chứ không nên kể công như vậy. Nếu nhạc sĩ đã nói được lời cảm ơn với đài thì đài cũng cần có sự cảm ơn với các nhạc sĩ. Không nên suy nghĩ rằng các nhạc sĩ phải biết ơn đài vì đài đã quảng bá tác phẩm của họ. Một thái độ văn hóa là nhìn nhận nhạc sĩ như những người sẽ mãi mãi cùng đài chia sẻ trách nhiệm đưa âm nhạc Việt Nam phát triển, trách nhiệm với xã hội và công chúng quaviệc cung cấp cho họ những sản phẩm âm nhạc ngày càng hay hơn.
. Xin cảm ơn nhạc sĩ.
BẢO PHƯỢNG