Với nhiều người, khi nhắc đến nhạc sĩ Vũ Việt Anh, trong họ vẫn là một nhạc sĩ trẻ của những ca khúc: Không còn mùa thu, Dòng sông lơ đãng, Những mùa hoa bỏ lại, Mưa phi trường… Nhưng với bản thân nhạc sĩ Việt Anh, anh đã tự tạm biệt danh xưng “nhạc sĩ trẻ” từ lâu lắm rồi, mà rõ nhất là trong tác phẩm nhạc khí Skyline - Chân trời được trình diễn trước công chúng vào năm 2015.
Ám ảnh những chân nhang dọc đê
. Phóng viên:Sau một Việt Anh với những ca khúc nhạc trẻ, một Việt Anh trở về sau thời gian du học sáng tác…, khán giả vẫn mong chờ một buổi hòa nhạc với những sáng tác của riêng Việt Anh nhưng đến giờ vẫn chưa thấy…
+ Nhạc sĩ Việt Anh: Một đêm nhạc như thế ai cũng mong chờ nhưng có những thời điểm có cơ hội mình lại chưa sẵn sàng, khi mình sẵn sàng thì cơ hội trôi qua mất.
Chưa có đêm nhạc riêng nhưng hằng năm vào ngày 9-7 tại Nhà hát TP.HCM, tôi đều tham gia đêm nhạc dành cho những sáng tác mới của các nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc Nhà hát giao hưởng nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO - nơi nhạc sĩ Việt Anh đang công tác) lẫn những nghệ sĩ tự do. Tôi từng có nhiều tác phẩm trình diễn trong các năm qua, đó là các giao hưởng: Vô đề cầm (2013) kết hợp đàn đáy, Trường Sơn (2014) dành tặng ba tôi, Đồi cát và Skyline - Chân trời (2015)…
. Vậy ngày 9-7 năm nay khán giả sẽ được thấy tác phẩm gì của anh ở Nhà hát TP.HCM?
+ Để đánh dấu tuổi 40, tôi muốn viết một tác phẩm lớn cho giao hưởng và hợp xướng. Trước đây tôi từng viết hợp xướng Cầu nguyện bằng tiếng Phạn, lần này tôi thử sức viết giao hưởng, hợp xướng bằng tiếng Việt. Tác phẩm này dài khoảng 10-15 phút.
Nhạc sĩ Việt Anh nói anh bị những gì về lịch sử, văn hóa chạm đến mình và anh nghĩ đã đến lúc anh phải viết về những điều đó.
Tôi vẫn chưa có tên chính thức cho tác phẩm nhưng đây sẽ là một tác phẩm về những vùng đất linh thiêng. Thỉnh thoảng ra Bắc, tôi chạy lòng vòng bờ đê có những chùa miếu nhỏ hoang vắng, tôi thường đến xem cây nhang cắm bao lâu khi nhìn vào sự bạc màu của những chân nhang. Những cảnh đó vẫn luôn làm tôi xúc động.
. Vậy cho đến hiện tại, nhạc phẩm khí nhạc của anh đã đủ làm đêm nhạc riêng cho anh?
+ Tôi nghĩ về thời lượng là đủ nhưng sự đa dạng về âm nhạc cho một đêm nhạc thì chưa. Một đêm hòa nhạc không thể “tra tấn” người nghe mãi bằng một màu âm nhạc. Tôi đang ép mình để những tác phẩm khí nhạc có thêm nhiều màu sắc khác, hiện những tác phẩm của tôi vẫn đồng màu. Và thường đêm nhạc như thế nên xảy ra vào 40 năm nữa, có khi con tôi tổ chức đêm nhạc cho mình chứ không phải tôi tự tổ chức.
Muốn con làm đêm nhạc cho mình
. Tại sao anh lại nghĩ phải để dành việc làm đêm nhạc có thể xem là sự nghiệp của chính anh cho con anh tổ chức?
+ Có lẽ có nhiều lý do nhưng trên hết tôi vẫn muốn những tác phẩm khi được công bố đã là những tác phẩm toàn vẹn, với tôi bây giờ những tác phẩm đó vẫn chưa hoàn thiện, còn non nớt nên tôi nghĩ cần chờ mọi thứ chín muồi hơn.
. Dường như bây giờ anh viết nhạc phim nhiều hơn ngày trước?
+ Hiện tại tôi sáng tác nhiều nhất là nhạc múa. Tôi thích viết nhạc múa, sáng tác cho các nghệ sĩ độc lập, biên đạo múa: Phúc Hùng, Phúc Hải, Tạ Thùy Chi, Trần Ly Ly… Còn nhạc phim vẫn là công việc khá mới mẻ với tôi, tôi vẫn phải còn tìm hiểu nhiều.
. Điều gì làm anh có thể gật đầu đồng ý làm nhạc cho một bộ phim?
+ Quan trọng nhất là mình phải thấy xúc động với kịch bản đó. Một người làm việc chuyên nghiệp không hẳn phải dựa vào cảm xúc mới làm được nhưng từ đầu nếu mình xúc động, đồng cảm được thì đó là một công việc hạnh phúc và dễ dàng hơn với mình về sau này.
. Dù gì khi nghe tựa phim ban đầu như Vòng eo 56; Già gân, mỹ nhân và găng tơ; Taxi, em tên gì?… nó đem lại cảm giác những bộ phim gắn mác nhảm, đây là những dự án thương mại và nhiều người hụt hẫng sao nhạc sĩ Việt Anh thỏa hiệp với thị trường trong những dự án như thế…
+ Già gân, mỹ nhân và găng tơ và Taxi, em tên gì? tôi chỉ viết ca khúc. Vòng eo 56 tôi mới là người viết toàn bộ nhạc phim. Tôi nghĩ âm nhạc có thể nói nhiều điều, ngoài bộ phim, âm nhạc sẽ đóng góp kể câu chuyện khác của nó. Những gì tôi làm là nghiêm túc, tôi muốn làm những thứ vớ vẩn tào lao nhưng không làm được.
Với Vòng eo 56, tôi nghĩ hãy đi xem phim rồi nói. Tôi đầu tư nhiều về nhạc nền, hy vọng đó sẽ là sự cộng hưởng cho một bộ phim tốt.
. Xin cám ơn anh.
Tôi tìm thấy mình trong kịch bản Taxi, em tên gì? Chia sẻ về ca khúc Tôi là ai trong em? (còn có tên khác là Đồi thông), ca khúc chủ đề của bộ phim điện ảnh Taxi, em tên gì? tối 29-2 sẽ ra mắt báo giới tại TP.HCM, nhạc sĩ Việt Anh cho biết: “Phim Taxi, em tên gì? quay ở Đà Lạt và cá nhân tôi thì rất thích vùng đất này. Ban đầu đọc kịch bản tôi thích bởi đây là một kịch bản rất duyên. Với Tôi là ai trong em? tôi thấy có mình trong đó bởi những người có sự say nắng tưởng mình mãi mãi thuộc về nhau nhưng khi trở về cuộc sống thường nhật mình mới nhận ra đó là say nắng. Đôi khi những người đó muốn tìm hiểu nếu mình đi tiếp luôn thì mọi sự bây giờ như thế nào. Vì thế tôi viết “Tôi là ai trong em? Cứ nhìn sâu trong tim… có mùa đông trên cao, có mùa hạ trong veo”. |