Nhận diện “lợi ích nhóm”

Đây là một hoạt động thuộc đề tài nghiên cứu “Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, mã số KHBĐ (2013)-17” do TS Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, làm chủ nhiệm đề tài.

Trong báo cáo đề dẫn, TS Tô Quang Thu cho rằng có sự khác nhau hoàn toàn giữa hai cụm từ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”. Theo đó, “nhóm lợi ích” hàm nghĩa là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó tác động vào các chính sách của Chính phủ. Trên thực tế, trong xã hội có nhiều “nhóm lợi ích” tồn tại một cách khách quan, chúng có tác động hai mặt đến xã hội. Mặt tích cực của “nhóm lợi ích” là truyền tải thông tin giữa nhóm lợi ích và Chính phủ, cũng như là đầu mối vận động ủng hộ các hoạt động, chính sách của Chính phủ. Mặt tiêu cực của “nhóm lợi ích” là vì mục tiêu cục bộ của nhóm có thể làm sai lệch chính sách của Chính phủ và làm tha hóa công chức quản lý nhà nước.

Còn “lợi ích nhóm” cũng có vai trò, tác động từ hai hướng: Tích cực và tiêu cực. Ở đây, mặt trái của “lợi ích nhóm” là một nhóm người nào đó lấy “lợi ích nhóm” mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội, nguồn gốc sâu xa của nó chính là chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết đến mình, đến nhóm, bộ phận của mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người khác, của tập thể, quốc gia, dân tộc…

Trung ương gọi thẳng cụm từ “lợi ích nhóm” để chỉ những người dựa vào quyền lực để tạo lập cơ chế, chính sách thuận lợi nhất mang lại lợi ích cho những cá nhân hoặc phối hợp với nhau thành một nhóm bòn rút của công để chia chác, tư túi. Phân tích của PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng thì “tiêu cực ở thượng tầng diễn biến rất nguy hiểm và thường móc nối với cán bộ đảng viên là cán bộ chủ chốt có quyền quyết định các quyết sách… Ở Việt Nam xuất hiện ngay cả khi chính quyền còn đang ở giai đoạn trứng nước mà điển hình là vụ án Trần Dụ Châu và gần đây nhất là những vụ tham nhũng lớn tại Công ty Cho thuê Tài chính 2, vụ tham nhũng tại Vinalines. Ông Ngô Văn Thạo - thành viên tổ giúp việc thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Lợi ích nhóm” ở trung ương cũng có mà địa phương cũng có. Trung ương có thể kín đáo hơn nhưng địa phương lại rất nhộn nhịp chạy dự án, chạy công trình công khai với mác năng động…”.

Cùng đưa ra các giải pháp, ông Lê Văn Giảng - Ủy viên hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nói: “Vấn đề là phải giáo dục ý thức cho đảng viên về tham nhũng nói chung và “lợi ích nhóm” nói riêng vì hai điều này liên kết với nhau và là một”. Trong 21 tham luận gửi tới hội thảo, tuyệt đại đa số các đề xuất đều đồng thuận cần xây dựng quy chế dân chủ, tăng quyền giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước, các cơ quan công quyền; nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện các vấn đề tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm minh các đối tượng trục lợi từ “lợi ích nhóm”…

PL (Tổng hợp từ Tạp chí Cộng sản, VTV 4-1)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm