Đây là những thông tin đáng lưu ý trong nội dung trao đổi của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh với Pháp Luật TP.HCM tại Hội nghị kế hoạch đầu tư toàn quốc tại Đà Nẵng hôm 7-8. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Kế hoạch đầu tư công trung hạn không phải là điều mới với quốc tế nhưng lại là rất mới với Việt Nam. Tôi tin tưởng tới đây những đồng tiền của nhân dân đóng thuế, những đồng tiền mà ngân sách chúng ta chắt chiu được sẽ có hiệu quả thiết thực”.
Giảm thiểu đầu tư dàn trải, kém hiệu quả
. Phóng viên:Bộ trưởng có thể nói rõ hơn cái lợi của việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn năm năm?
+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có thể nói chủ trương về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là một đột phá rất quan trọng, được chủ tịch UBND các tỉnh và bộ trưởng các bộ rất hoan nghênh. Với việc đầu tư hằng năm như trước đây, chúng ta không biết được năm sau thì công trình sẽ được đầu tư bao nhiêu và trong cả nhiệm kỳ năm năm thì các chủ tịch tỉnh, bộ trưởng không biết được mình có bao nhiêu nguồn lực. Như thế, họ không biết quyết định chủ trương đầu tư như thế nào là phù hợp với khả năng của mình. Từ đó dẫn đến việc phê duyệt lớn hơn rất nhiều so với khả năng đầu tư, là nguyên nhân của việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: “Kế hoạch đầu tư trung hạn còn là biện pháp ngăn ngừa cơ chế “xin-cho”, góp phần chống tham nhũng, chống tiêu cực lớn nhất trong ngành đầu tư”. Ảnh: LÊ PHI
. Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giúp chúng ta giải quyết được vấn đề gì nữa, thưa bộ trưởng?
+ Đây còn là một biện pháp ngăn ngừa cơ chế “xin-cho”, góp phần chống tham nhũng, chống tiêu cực lớn nhất trong ngành đầu tư. Tôi có thể nói như vậy. Bởi vì khi mà anh làm đầu tư trung hạn năm năm thì cũng chẳng ai chạy (chạy dự án, ngân sách - PV). Sau khi xác định được tỉnh mình có bao nhiêu tiền ngân sách trung ương hỗ trợ, bao nhiêu tiền của ngân sách địa phương hoặc vốn ODA thì họ sẽ lên được kế hoạch là trong năm năm tới sẽ giải quyết tiếp những công trình dở dang nào hoặc lựa chọn công trình mới phù hợp với khả năng. Trước đây mỗi dự án đều phải làm 5-7 năm mới xong nhưng chủ đầu tư chỉ biết được tiền năm nay mà không biết được tiền năm sau là bao nhiêu nên các cuộc chạy đua xin tiền diễn ra liên tục và nó tạo ra tiêu cực.
Bộ KH&ĐT là người quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và phân bổ nguồn vốn này nhưng Bộ cũng tự thấy rằng cần phải đổi mới, cần phải minh bạch. Cho nên chúng tôi kiên quyết đề nghị với Chính phủ, Quốc hội phải ban hành Luật Đầu tư công theo hướng xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để hạn chế, chặn đứng tình trạng tiêu cực.
Chủ động sử dụng vốn
. Lâu nay các địa phương vẫn than phiền về việc trung ương chậm rót vốn khiến họ bị nhiều trở ngại và khó hoàn thành tiến độ dự án theo kế hoạch. Việc thay đổi chủ trương đầu tư có khắc phục được tình trạng này?
+ Các địa phương có thể yên tâm là khi đã ra kế hoạch trung hạn thì họ sẽ rất chủ động trong việc sử dụng vốn. Trước đây, hằng năm cứ đến cuối năm mới bố trí tiền thì tháng 12 là phải quyết toán. Ông nào không làm được thì két dư rất phức tạp, thậm chí phải thu hồi. Cho nên nhiều địa phương đã phải quyết toán khống để giữ vốn lại hoặc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành khối lượng mà không lưu ý chất lượng. Sắp tới, các địa phương sẽ được chủ động sử dụng vốn đó trong cả năm năm. Họ có thể ứng trước để đẩy nhanh tiến độ, cũng có thể năm nay sử dụng ít nhưng năm sau sử dụng nhiều hơn. Như vậy là rất linh động, việc đầu tư công sẽ hiệu quả và hoàn toàn không có chuyện nợ đọng.
Điều 107 của Luật Đầu tư công có quy định là sẽ không bố trí vốn nhà nước để thanh toán những khoản nợ xây dựng cơ bản phi lý. Nghĩa là có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu và mức phê duyệt như thế nào thì bố trí như thế. Điều này đòi hỏi việc làm dự toán và thiết kế phải rất chuẩn xác.
. Nhiều địa phương đang rất lo ngại chính họ không có khả năng xác định nguồn lực trong năm năm. Ngoài ra còn có việc trượt giá hay các chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Cách nào xử lý các hạn chế này?
+ Trong dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020, Chính phủ đã đề xuất là tốc độ tăng trưởng bình quân trong năm năm là 6,5%-7%/năm. Tuy nhiên, trong dự kiến về tăng trưởng vốn đầu tư trung hạn thì thấp hơn rất nhiều. Nghĩa là chỉ tăng 10% của nguồn vốn so với năm trước thôi. Như vậy là dự báo về tổng mức đầu tư của ngân sách nhà nước lúc nào cũng được đảm bảo. Nó chỉ có thể vượt lên chứ không có giảm hơn.
Cái khó nữa trong việc đầu tư trung hạn là các vấn đề phát sinh và trượt giá. Để khắc phục, việc dự báo tăng trưởng phải tốt kể cả trong nước và quốc tế, đồng thời phải giữ vững được ổn định vĩ mô để không có lạm phát bất thường như vừa qua. Vậy nên trong tổng số vốn dự kiến, chúng tôi hướng dẫn chỉ bố trí 85% vốn, còn lại dành để đề phòng trượt giá, phát sinh.
. Xin cảm ơn ông.
LÊ PHI
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/2011 thì chúng ta đã chặn đứng được nạn đầu tư dàn trải. Qua đó, nợ đầu tư công ở các địa phương, các bộ, ngành giảm đi rất nhiều. Nếu nhiều quốc gia lân cận chúng ta đã bị vỡ nợ do đầu tư dàn trải thì hiện chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Việc đầu tư đã bắt đầu đi vào đường ray và dần tập trung hơn, hiệu quả hơn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT |