Nhận định mới nhất về tỉ giá USD/VND, nhân dân tệ

SSI nhấn mạnh, kinh tế thế giới ngày càng nhiều rủi ro và khó đoán định trong bối cảnh các nền kinh tế lớn diễn ra xung đột.
Theo SSI, cán cân thương mại nửa đầu tháng 5 của Việt Nam thâm hụt 1,85 tỉ USD, đẩy đến việc con số lũy kế từ đầu năm chuyển sang thâm hụt 1,01 tỉ USD. Điều này có thể ảnh hưởng đến tỉ giá nhưng Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ để ổn định thị trường.
"Chúng tôi nhận thấy từ 2012 đến nay, tháng 5 luôn là tháng nhập siêu của Việt Nam, diễn biến vừa qua cũng chỉ theo chu kỳ nhập khẩu. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị, vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu nên đây có thể coi là tín hiệu tích cực cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn cung ngoại tệ từ các thương vụ mua bán và sáp nhập cùng dự trữ ngoại hối hiện tại là đủ để bình ổn thị trường. Các yếu tố quốc tế cũng khó có thể diễn biến xấu hơn nên tỷ giá sẽ vẫn dao động trong mục tiêu kiểm soát từ đầu năm", SSI thông tin.

Còn báo cáo đánh giá tác động của leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Việt Nam do TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới công bố cho rằng: đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá và lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế.

Theo đó, giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên (một phần là do kinh tế Mỹ vẫn khá ổn), trong khi giá trị đồng CNY giảm như nêu trên. Mặc dù thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung-cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...), nhưng những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.

Trên thực tế, cuối tháng 6, đầu tháng 7/2018 (khi có dấu hiệu chiến tranh thương mại leo thang), tỷ giá USD/VND đã có những biến động mạnh (vượt qua mức 23.000 VND/USD), sau đó dịu lại nhờ sự linh hoạt, can thiệp kịp thời của NHNN. Trong gần 4 tháng đầu năm 2019, tỷ giá giao dịch ổn định.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2019, tỷ giá VND/USD biến động mạnh hơn, khiến cho tính đến hết ngày 24/5/2019, tỷ giá giao dịch đã tăng khoảng 0,95% so với đầu năm; riêng giai đoạn từ ngày 6/5 đến 24/5/2019, tỷ giá giao dịch đã tăng khoảng 0,5%.

 Về trung và dài hạn, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN.

Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY...) trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.

Có điểm thuận lợi là khả năng Trung Quốc phá giá CNY là không cao, với 3 lý do chính: Trung Quốc lo ngại sự rút vốn mạnh (capital flight) như đã xảy ra trong năm 2015, Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thẳng thêm trong cuộc chiến thương mại, và Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng CNY (mặc dù đồng CNY giảm giá mạnh trong tháng 5, nhưng Chính phủ và NHTW Trung Quốc cho rằng đó là do biến động trên thị trường, họ không chủ động, không cố tình phá giá đồng CNY).

Dù vậy, bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn (một phần là do yếu tố tâm lý), đòi hỏi cần theo dõi chặt chẽ để có những dự báo cũng như ứng xử phù hợp.

Tuy nhiên, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định; nhóm tác giả cho rằng tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát và tăng 2-3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm