Nhìn đội Hong Kong thi đấu với đội tuyển Việt Nam lại nhớ cách đây 33 năm (năm 1990), khi đội tuyển Việt Nam còn hiếm hoi được tập trung thì đội tuyển TP.HCM đã được thành lập đi Hong Kong, Malaysia… thi đấu. Thời điểm đó mỗi lần tập trung đội tuyển Việt Nam thì cầu thủ TP.HCM bao giờ cũng chiếmhơn nửa quân số.
Thế mà tối 15-6, nhìn vào thành phần cầu thủ ông Troussier đưa ra, người xem mòn mỏi không tìm thấy cầu thủ của TP.HCM.
Các cầu thủ nhí lò bóng đá Ngọc Hùng trong màu áo Cảng Sài Gòn nhưng lại là vệ tinh của CLB Viettel. Ảnh: LNH |
Việc “hiếm muộn” ấy khiến nhiều người tự hỏi nhân tài bóng đá TP.HCM đi đâu?
Cùng thời điểm này, các giải trẻ U-9, U-11, U-13 thi đấu nườm nượp và giải nào lò năng khiếu của Trung tâm Đào tạo trẻ Ngọc Hùng cũng tham dự và có thành tích tốt.
Chỉ là giải trẻ cho các cháu đá cho vui nhưng cách làm bài bản của Trung tâm Đào tạo trẻ Ngọc Hùng khiến những người hâm mộ bóng đá TP.HCM vừa vui lại vừa buồn. Vui vì bóng đá TP.HCM vẫn hấp dẫn, vẫn có lò đào tạo trẻ và vẫn có phụ huynh mang con đến tập thành tài nhưng buồn vì lò bóng đá tư nhân có tầm ở TP.HCM đấy đã được Trung tâm Viettel đặt hàng làm vệ tinh đào tạo.
Có lần tôi hỏi cựu cầu thủ Ngọc Hùng là giám đốc trung tâm đào tạo trẻ đấy rằng vì sao cầu thủ giỏi của TP.HCM không phục vụ cho TP.HCM? Anh Hùng trả lời buồn rầu: “Tôi từng thi đấu cho Cảng Sài Gòn nên các cháu đến học đá bóng đều mặc áo Cảng. Tôi đào tạo chỉ mong các cháu thành tài và có đầu ra nhưng bóng đá TP.HCM không tìm đến tôi, không liên kết với lò đào tạo của tôi mà Viettel ở tận Hà Nội lại là đơn vị tìm đến tôi đầu tiên và có những chính sách rất phù hợpđể thúc đẩy các cháu phát triển”.
Bóng đá TP.HCM không thiếu nhân tài nhưng nhân tài của TP.HCM đi đâu thì bài học của những Lê Huỳnh Đức, Lư Đình Tuấn, Đặng Trần Chỉnh… thành danh ở các tỉnh bạn đã trả lời rõ nhất rồi…